Gom hơn 22 tỉ đồng mua đất, dù đã cập nhật thông tin chuyển nhượng trên sổ, hoàn tất biên bản bàn giao tài sản nhưng bốn năm trôi qua chủ cũ vẫn nhất quyết không dọn đi.
Đó là trường hợp oái oăm mà bà Nguyễn Thị Tươi (56 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) đang phải mòn mỏi chờ một phán quyết từ tòa án.
Mua xong không lấy được tài sản
Bà Tươi cho biết vào năm 2017, bà có ý định mua lại đất đang ở của vợ chồng ông Lê Văn Tám. Tuy nhiên thời điểm đó phần đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ hồng) nên ngày 5-9-2017, bà Tươi và ông Tám ký hợp đồng ủy quyền tại Văn phòng công chứng quận 8 để bà thay ông Tám làm các thủ tục xin cấp sổ hồng (hợp đồng ủy quyền này không có thù lao).
Trong hai ngày 16-1-2018 và ngày 21-1-2019, vợ chồng ông Tám lần lượt ký 2 văn bản thỏa thuận chuyển nhượng cho bà Tươi tổng cộng hơn 2.400m2 với giá trị chuyển nhượng gần 22,3 tỉ đồng
Cùng ngày, thửa đất số 43, tờ bản đồ số 179 tại 54 Rạch Cùng, phường 7, quận 8 được UBND quận 8 cấp sổ cho ông Tám. Ông Tám và vợ tiếp tục ký văn bản thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất cho bà Tươi. Theo yêu cầu từ phía ông Tám, khi ký hợp đồng công chứng mua bán thì chỉ ghi giá trị chuyển nhượng là 2 tỉ đồng (phần ghi trên hợp đồng công chứng là hình thức, nếu tranh chấp sẽ căn cứ văn bản thỏa thuận này).
Ngày hôm sau, tại Văn phòng công chứng quận 8, bà Tươi và vợ chồng ông Tám ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ thửa đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như đã thỏa thuận. Cùng ngày, vợ chồng ông Tám ký biên bản bàn giao tài sản theo hợp đồng chuyển nhượng.
“Vì thời gian này gần Tết, vợ chồng ông Tám chưa kịp chuyển nhà và bàn giao tài sản nên có xin tôi ở lại bốn tuần để thu xếp chỗ ở. Tôi thấy cũng hợp tình hợp lý nên đồng ý và có ký cam kết cho họ ở lại tới 24-2-2019, nhưng khi hết hạn họ nhất quyết không dọn đi và ở cho đến nay”, bà Tươi nói.
Theo hồ sơ, sổ hồng thửa đất của ông Tám nói trên đã được cập nhật thay đổi chủ sở hữu cho bà Tươi vào ngày 24-1-2019 và được bà Tươi thế chấp tại ngân hàng hai tháng sau đó. “Đây là tài sản được mua bằng số tiền lớn, tôi đã phải vay mượn thêm người thân, vậy mà ông Tám nhận tiền xong không dọn đi khiến tôi không xử lý được tài sản, nợ nần chồng chất, đến nay nợ ngân hàng đã quá hạn. Hằng tháng con gái ổng nhắn tin nhắc tôi đóng thuế đất tôi vẫn còn lưu, nếu không phải đất của tôi thì tôi đóng làm gì”, bà Tươi bức xúc.
Quá bức xúc vì chủ cũ vẫn nhất quyết “bám trụ”, đầu năm 2021, bà Tươi đã khởi kiện vợ chồng ông Lê Văn Tám ra tòa, yêu cầu bị đơn phải bàn giao nhà đất.
Bị đơn phản tố
Trình bày với tòa án, đại diện theo ủy quyền của vợ chồng ông Tám cho rằng năm 2017, thông qua người thân, ông nhờ bà Tươi làm thủ tục hợp thức hóa giấy tờ thửa đất số 43. Hai bên có ký hợp đồng ủy quyền như trên, ông Tám trả tiền công cho bà Tươi 1,3 tỉ đồng (đưa theo nhiều đợt). Tuy nhiên, khi giao tiền do tin tưởng nên ông Tám không viết giấy biên nhận (nội dung hợp đồng ủy quyền thể hiện không có thù lao – PV).
Ông Tám cho rằng ông không có ý định mua bán thửa đất trên và không nhận khoản tiền nào từ bà Tươi. Chữ ký và lăn tay trên các tài liệu mà bà Tươi cung cấp cho tòa là vì vợ chồng ông Tám đang nhờ bà làm thủ tục hợp thức hóa nhà đất nên bà thường đến nhà yêu cầu vợ chồng ông ký, lăn tay nhiều lần mà không biết rõ nội dung là gì.
Bị đơn khẳng định mình bị lừa nên yêu cầu tòa án tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng, hủy các văn bản thỏa thuận, hủy biên bản bàn giao tài sản, hủy việc đăng ký biến động sang tên cho bà Tươi trên sổ hồng, hủy giao dịch thế chấp giữa bà Tươi và ngân hàng đối với thửa đất.
Vì sao hai năm chưa xử được?
Đại diện TAND quận 8 cho biết sau khi thụ lý vụ án vào tháng 4-2021, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc giải quyết bị ngưng trệ. Bên cạnh đó, vụ án này có tính chất phức tạp. Yêu cầu khởi kiện và yêu cầu phản tố của hai bên có nội dung trái ngược hoàn toàn, nên tòa án mất nhiều thời gian thu thập các tài liệu chứng cứ.
Trong đó, mất nhiều thời gian đề nghị và chờ kết quả phản hồi từ các cơ quan chuyên môn về việc đo vẽ lại hiện trạng do có sự chênh lệch diện tích giữa kết quả đo và sổ hồng.
Ngoài ra, tòa cũng mất nhiều thời gian để hòa giải khi thì do người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (ngân hàng) vắng mặt, lúc thì xuất hiện yêu cầu giám định chữ ký từ các đương sự…
“Đến khi tòa thu thập cũng đã đầy đủ, dự định đưa ra xét xử vào tháng 7, nhưng cùng lúc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nên buộc phải thụ lý bổ sung yêu cầu này”, vị đại diện này nói.
Theo đó, ngân hàng cho bà Tươi vay yêu cầu TAND quận 8 buộc bà Tươi thanh toán nợ gốc và lãi số tiền 5,6 tỉ đồng. Trường hợp bà Tươi không thực hiện thì đề nghị tòa án tuyên ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan chức năng kê biên, phát mãi tài sản đảm bảo.
Về yêu cầu độc lập từ ngân hàng, bà Tươi khẳng định đã thỏa thuận thanh toán hết cho ngân hàng trong thời gian sớm nhất, đổi lại ngân hàng sẽ rút yêu cầu trên.
- Phụ nữ khôn ngoan có 4 ”cấm địa” không bao giờ đồng ý để đàn ông chạm vào
- Cận cảnh vị trí sắp xây cầu qua sông Hồng nối Hà Nội với Hưng Yên
- Cô gái xinh đẹp khoe tình yêu lâm li bi đát với chồng kém sắc bất chấp gia đình phản đối trước khi bị vạch mặt khiến dân mạng nổi đóa
- Thanh Hóa: Nuôi cá lăng đặc sản trên sông Mã, nông dân bắt bán 200.000-300.000 đồng/kg
- "Khoảnh khắc thiêng liêng nhất": Ngày con chào đời những vất vả của mẹ đều tan biến