Ít tiền nhưng muốn mua nhà đất, anh Tùng (Hà Nội) chấp nhận ở xa trung tâm hơn 20 km và lãnh đủ phiền phức trong 3 năm ở đó.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Đinh Xuân Tùng, 32 tuổi về trải nghiệm mua và sống ở ngôi nhà vùng ngoại ô, cũng như sự thay đổi quan niệm khi lựa chọn nơi ở:
Năm 2012, tôi chuẩn bị lấy vợ và nghĩ tới chuyện tìm một nơi xây dựng tổ ấm. Vợ tôi là con gái một, gia đình khá giả nên bố mẹ cô ấy rất quan tâm tới chuyện sau đám cưới chúng tôi phải có nhà cửa đàng hoàng. Cũng muốn chứng tỏ bản thân và để các cụ yên tâm, tôi quyết tâm mua đất, làm nhà rồi mới kết hôn.
Thời điểm đó, cả hai vợ chồng có trong tay chưa đầy 700 triệu và xác định chỉ mua nhà mặt đất nên chúng tôi phải lựa chọn tìm về vùng rìa, ngoại ô. Chúng tôi được người quen giới thiệu tới một ngôi nhà vuông vắn, diện tích 90m2, có sổ đỏ nhưng điểm trừ là ở quá sâu, trong một làng nhỏ thuần nông tại Yên Nghĩa (Hà Đông), cách trung tâm Hà Nội hơn 20 km.
Khá do dự nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định mua căn nhà khi thấy người bán rất nhiệt tình, giảm giá xuống còn 1,2 tỷ, lại sẵn sàng cho nợ một tỷ trong 6 tháng mà không lấy lãi. Sau khi mua, được gia đình mỗi bên hỗ trợ 200 triệu, tôi vay thêm sửa sang ngôi nhà cấp 4 lên thành hai tầng to đẹp. Cộng khoản sắm nội thất toàn đồ tốt, tôi tốn tổng 500 triệu cho việc hoàn thiện căn nhà.
Khoảng thời gian vợ chồng son ở trong ngôi nhà mới thật không hề tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc ríu rít như chúng tôi vẫn mường tượng. Mỗi ngày, chúng tôi phải vượt chặng đường xa vời vợi để tới chỗ làm. Tôi làm quận Đống Đa, cơ quan vợ ở Cầu Giấy, đường đi đi về về của mỗi đứa không dưới 40km. Nhiều tối về tới nhà, khi vợ chồng ngồi xuống mâm cơm thì có khi hàng xóm đã tắt đèn đi ngủ từ lúc 8-9h. Hôm nào đã về tới nhà mà bạn bè thân thiết tới mấy muốn rủ đi cà phê, giao lưu thì chúng tôi cũng đành cáo lui khi nghĩ tới quãng đường hun hút.
Làm công việc liên tục phải liên hệ qua email, tôi ngớ người nhận ra chỗ mình không hề có internet. Suốt hai năm sau đó, tôi tiêu tốn cả chục chiếc USB 3G để phục vụ công việc. Tới năm 2014, làng tôi ở mới có mạng.
Bạn bè, người quen cũng chẳng mấy người tới nhà chúng tôi chơi vì ngại đi xa. Thỉnh thoảng cuối tuần có rủ được ai tới, tôi phải phóng xe 3-4 km đi đón bởi chẳng ai tìm nổi đường sau khi nghe tôi tả “đi vào làng, qua con đê rồi rẽ trái, sau đi tiếp qua cánh đồng, rẽ phải, thấy cánh đồng nữa thì đi thẳng…”.
Dù ngán ngẩm cảnh sống này, vợ chồng tôi vẫn cố động viên nhau tìm ra những mặt tích cực ở ngôi nhà mới để vui vẻ: Không khí trong lành, hàng xóm thân thiện, chất phác, yên tĩnh… Nhưng sau khi vợ tôi sinh con, chúng tôi còn gặp một loạt vấn đề khác. Nhiều lần muốn mua món đồ cho con nhỏ như lọ phấn rôm, cái bỉm mà bé hay dùng, tôi phải phóng xe máy cả chục km mới tìm được. Có lúc con ốm cần đưa đi khám hoặc chở cháu đi chơi xa, gọi taxi theo số hãng thì không ai nhận vì quá xa hoặc họ chẳng tìm nổi đường. Về sau, tôi phải nhờ người cho số taxi quen, từng hoạt động gần khu vực đó thì mới thuê xe nổi.
Chuyện cho con đi học cũng nan giải khi chỉ có duy nhất một ngôi trường làng gần đó mà mới 4 giờ chiều thì nhà nhà đã tấp nập đón trẻ về hết trong khi chúng tôi sớm nhất 7h tối mới lết được tới nhà. Cuối cùng, vợ chồng tôi đành tha con vào thành phố, mỗi sáng đưa cháu đi hơn chục km để tới lớp.
Giọt nước tràn ly cuối cùng khiến tôi quyết không thể sống tiếp ở nơi hẻo lánh đó là cảnh khốn khổ bao lần phải sửa sang lại tường, lật từng tấm gỗ lát lên làm lại… khi ngôi nhà bị thấm tứ tung. Đây là hậu quả của việc khi làm nhà, tôi chưa có kinh nghiệm, giao khoán hết cho đội thợ địa phương, tới khi về ở mới phát hiện vấn đề.
Nhờ bên môi giới bất động sản, sau 5 tháng, cuối cùng cũng có vài người tìm tới hỏi mua nhà. Một số người oải vì xa xôi, đến một lần không quay trở lại nhưng có một đôi vợ chồng trẻ – cũng chỉ thích nhà mặt đất như chúng tôi trước kia – có vẻ thiện chí mua. Họ cũng có ít tiền nhưng thích ở rộng rãi. Để nhanh bán được nhà, tôi chấp nhận lấy giá 1,1 tỷ, tặng lại tất cả bàn ghế, giường tủ, hai điều hòa, máy giặt, bếp từ, tủ lạnh… trị giá cả trăm triệu. Họ hồ hởi đồng ý mua. Tôi thấy như trút được gánh nặng, dù tính ra mình đã lỗ hơn 500 triệu ở đó.
Mệt mỏi với chuyện nhà cửa, vợ chồng tôi quyết định không đi tìm mua nơi ở khác ngay mà thuê một căn chung cư tiện đường bố mẹ đi làm, con đi học để sống tạm. Vợ tôi thấy khỏe hẳn khi chỉ phải dọn dẹp trên một mặt sàn, thậm chí “khoán trắng” cho rô bốt lau nhà làm việc, thay vì còng lưng lau dọn 2 tầng thênh thang. Con tôi thích thú khi đi vài bước chân tới lớp, lại có vô số bạn ở cùng tòa nhà, khu vui chơi cho trẻ cũng ngay bên dưới. Tôi thì yêu thích căn phòng tràn ngập nắng, ngồi thư giãn nơi ban công ngắm phố phường, dòng người qua lại, có thể lập tức xách xe chạy mấy phút tới nơi hẹn bạn bè.
Trải nghiệm cuộc sống ở chung cư một năm, cuối 2017, chúng tôi quyết định mua một căn hộ gần 80m2 cách Hồ Gươm chưa đầy 5km với giá hơn 2 tỷ. Sau gần 4 tháng ở đây với cảm giác “mình hoàn toàn thuộc về nơi này” tôi vẫn thấy gai người mỗi khi nhớ về cuộc sống nhà mặt đất ở nơi hẻo lánh những năm trước. Vợ tôi hay nửa đùa nửa thật “vậy mới có chuyện để bây giờ kể lại” và chúng tôi thi thoảng vẫn tự hỏi không biết cặp vợ chồng mua lại ngôi nhà đó bây giờ ra sao.
- Lão nông kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ sở hữu giống tre lạ cho măng cả bốn mùa
- Cận cảnh đường ống ngầm khổng lồ, thu gom toàn bộ nước thải làm sống lại sông Tô Lịch
- 3 dấu hiệu con cái trưởng thành sẽ "gần gũi" cha mẹ
- Yên Bái: Đổi đời thành tỷ phú Tây Bắc sau khi vay 45 triệu nuôi con đặc sản lạ dưới ao bèo
- Bồi dưỡng con thành tài rất khó, nhưng hủy đi tương lai một đứa trẻ chỉ cần 6 điều này