Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
100 lượt xem

Mức phạt khi chưa đủ tuổi lái xe?

Đủ tuổi lái xe là một trong những điều kiện bắt buộc của người tham gia giao thông. Lái xe khi chưa đủ tuổi là hành vi bị xử phạt nghiêm khắc.

Độ tuổi được phép lái xe

Để làm rõ thông tin này, trước hết chúng ta cần tìm hiểu về độ tuổi được phép lái xe.

Theo khoản 1 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, người lái xe tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Theo đó, điều kiện về tuổi của người lái xe quy định như sau:

– Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

– Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

– Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

– Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

– Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

– Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

Người lái xe chưa đủ tuổi và người giao xe sẽ bị xử phạt

Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với người chưa đủ tuổi lái xe quy định như sau:

– Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.

– Phạt tiền từ 400.000 đồng – 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;

Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi giao xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ 2008 điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng) có thể chịu các mức phạt như sau:

– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ phương tiện;

– Phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện.

Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là đối tượng trẻ em nên nhận thức chưa đầy đủ. Với đối tượng này, pháp luật chủ yếu áp dụng biện pháp giáo dục, răn đe. Do đó, đối tượng này nếu điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính nhẹ nhất đó là phạt cảnh cáo.

Với đối tượng từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, có thể bị phạt tiền lên đến 600.000 đồng.

Lái xe chưa đủ tuổi có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thế nhưng người lái xe khó có thể thực hiện hành vi này nếu không được sự cho phép của chủ phương tiện. Do đó, vấn đề này không chỉ liên quan trực tiếp đến người lái xe mà người giao xe cũng có trách nhiệm rất lớn. Bởi đối tượng giao xe là chủ phương tiện phải ý thức được mức độ nguy hiểm khi giao xe cho người không đủ tuổi. Do đó, đối với hành vi này khi bị phát hiện người giao xe có thể bị phạt tới 4 triệu đồng.