Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
115 lượt xem

Nam Định: Anh nông dân thu nửa tỷ/năm chia sẻ bí quyết nuôi ốc nhồi đặc sản thành công trong ao bèo

Anh Nguyễn Văn Luận (sinh năm 1982) ở tổ 5, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đã và đang thành công với mô hình nuôi ốc nhồi (ốc bươu).

Chứng kiến cảnh nhiều diện tích “tấc đất, tấc vàng” ngày càng bị người dân bỏ không cấy trồng để đi làm công ty, anh Luận không khỏi xót xa. Tɦáng 7/2017, anh Luận đã vận động bố mẹ cùng thuê mượn lại 2 mẫu ruộng thuộc cánh đồng 2 vụ lúa chiêm trũng không thể cấy được, bị bỏ hoang, cỏ mọc cao mấy tầng và vay gần 200 triệu đồng cải tạo lại để đầu tư sản xuất. Sau hơn 1 tháng thuê máy xúc vơ cỏ, vượt lập, đắp bờ tạo ao, anh Luận đã mua 350kg cua đồng về nuôi thả xen canh với cá trắm.

Tháng 9/2017, mưa lớn trong nhiều ngày đã gây ngập lụt khiến đàn cua, cá của anh trôi hết khỏi ao. Lần đầu không có kinɦ nghiệm, sau trận ngập, anh Luận cũng không kiểm tra, đinh ninh rằng cua, cá vẫn ở trong ao và hằng ngày vẫn miệt mài nghiền cá với cám cho cua, cá ăn. Sau 7 tháng, anh bắt tay vào thu hoạch nhưng khi xuống ao thì mới phát hiện ra “công cốc”.

Quyết tâm vực dậy, anh lên mạng internet tìm hiểu các mô hình kinh tế hộ, đặc biệt là các mô hình chuyển đổi sản xuất khai thác tiềm năng ruộng đất sẵn có. Nhận thấy ốc nhồi (hay còn gọi là ốc bươu ta, ốc bươu đen) ngoài đồng, trong ao ngày càng hiếm dần do biến đổi khí hậu, người dân sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi ngày càng cao. Không những vậy, đây là loài phát triển rất nhanh, có sức đề kháng tốt, chi phí sản xuất thấp nhưng cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đồng ruộng ở địa phương, đặc biệt là có thể tận dụng nguồn nước sạch từ sông Ninh Cơ chảy qua. Trước khi bắt tay vào nuôi, anh đã xem các chương trình truyền hình, cách kênh Youtube hướng dẫn kỹ thuật, nói về giá trị kinh tế của ốc nhồi.

Năm 2019, anh Luận đã đầu tư 30 triệu đồng mua 7 vạn con ốc giống ở các xã Xuân Châu (Xuân Trường) và Hải Đường (Hải Hậu) về nuôi thả trong 2 ao với diện tích 6 sào. Do đã nghiên cứu “tỉ mỉ” cùng với trực “chốt” 24/24 giờ ở trang trại để quan sát, tìm hiểu đặc điểm, đặc tính sinh học của ốc nhồi, nên đàn ốc lớn nhanh như thổi, con nào con nấy đồng đều, không xảy ra sự cố về dịch bệnh. Sau 3 tháng nuôi, lứa ốc đầu tiên của gia đình anh Luận cũng cho thu hoạch.

Anh đã quyết định bán 6 vạn ốc thương phẩm (900kg) cho thương lái với giá 100 nghìn đồng/kg, giữ lại gần 1 vạn giống để gây dựng thành đàn ốc bố mẹ, phục vụ cho kế hoạch sản xuất mới. “Của ruộng đắp bờ”, anh sử dụng 90 triệu đồng từ bán ốc thương phẩm thu được để tái đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Sau 1 vụ nuôi, nhận thấy tập tính của ốc sống chủ yếu xung quanh bờ nên anh đã chia ao to thành các ao nhỏ để dễ dàng quản lý, chăm sóc đàn ốc mỗi khi thời tiết thay đổi. Sau các vụ nuôi liên tiếp trúng, đến nay, anh Luận đã xây dựng được trang trại nuôi ốc khá hoàn chỉnh với hệ thống 9 ao, trong đó có 2 ao nuôi bèo tấm lấy thức ăn hàng ngày cho ốc, 2 ao dành riêng để nuôi dưỡng ốc con và 5 ao nuôi thương phẩm.

Hiện đàn ốc bố mẹ được anh phát triển lên trên 10 vạn con và 10-15 vạn ốc giống. Do nhu cầu phát triển nuôi ốc làm kinh tế ngày càng nhiều nên mỗi tháng anh bán được 60-90kg trứng với giá dao động 400 nghìn đồng đến 1,3 triệu đồng/kg tùy thời điểm; 5-7 vạn con ốc giống với giá dao động 2-5 triệu đồng/vạn.

Cộng với xuất bán ra thị trường khoảng 1 tấn ốc thương phẩm với giá từ 80-100 nghìn đồng/kg, mỗi năm trang trại ốc nhồi của anh Luận doanh thu 500 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư sản xuất và nhân công, lãi 150-200 triệu đồng.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi ốc nhồi, anɦ Luận cho biết, đây được ví là loài thủy sản siêu đẻ, dễ nuôi, dễ chăm sóc, có sức đề kháng cao và ít dịch bệnh. Mật độ nuôi dao động từ 80-100 con ốc bố mẹ/m2. Tuy nhiên, ốc nhồi chịu nóng kém nên người nuôi phải có biện pháp chống nắng. Với mô hình của anh Luận, xung quanɦ ao nuôi anh che lưới chống nắng, dưới ao thả bèo cái và trồng hoa súng để ốc trú ngụ.

Anh Luận cũng lưu ý vào những thời điểm mưa to, nguồn nước bị thay đổi, ốc dễ sốc nhiệt nên cần xử lý nước ngay sau khi trời tạnh. Ốc nhồi bắt đầu sinh sản và thời gian đẻ trứng rộ từ tháng 3 kéo dài đến hết tháng 10 âm lịch khi thời tiết ấm. Cɦúng chủ yếu đẻ vào ban đêm và sáng sớm ở khu vực bờ ao có khoảng trống.

Trung bình, mỗi tháng ốc mẹ đẻ 1 buồng trứng, từ 80-150 quả. Người nuôi cần thu gom trứng lại, cho vào thùng ấp ở nhiệt độ thích hợp (28-300C) để trứng nở. Sau 15-20 ngày trứng có dấu hiệu nở (chuyển từ màu trắng sang màu đen) người nuôi sẽ cho ra tráng lưới để ốc nở và thích nghi dần với môi trường tự nhiên.

Chăm sóc và nuôi dưỡng khoảng 15 ngày, con ốc to hơn đầu đũa là có thể xuất bán con giống cho khách hàng hoặc chuyển ra ao to nuôi thương phẩm. Nguồn thức ăn cho ốc nhồi được anh Luận sử dụng chủ yếu là lá khoai môn, cây ráy, cây sắn… Đây là những thứ thức ăn dễ kiếm và có thể tự trồng xung quanh ao nuôi, không mất nhiều chi phí. Ngày cho ốc ăn 1 lần, vào thời điểm chiều tối.

Sau 3 tháng tính từ khi thả ốc giống ra ao to là có thể thu hoạch ốc thương phẩm. Những tháng cuối năm, ốc thường rúc vào bùn xung quanh bờ và rễ bèo tây để ngủ đông, không cần ăn uống. Sau khoảng 3 tháng, khi thời tiết ấm dần thì ốc bắt đầu ngoi lên mặt nước đi tìm thức ăn.

Trước khi vào vụ mới, anh Luận xử lý kỹ nguồn nước bằng men vi sinh để hạn chế dịch bệnh, giúp ốc sinh trưởng nhanh. Sau hơn 4 năm, đến nay trang trại của anh Luận đã ổn định và cho thu nhập tốt. So với mô hình nuôi cá truyền thống, cua đồng thì mô hìnɦ ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.

Theo Báo Nam Định

Bài viết cùng chủ đề: