Đã từ lâu món thịt chuột đã nổi tiếng ở huyện lúa Yên Thành (Nghệ An). Từ khi trở thành món ăn được ưa chuộng, thịt chuột cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.
Sau những ngày mưa lụt, nước ở các cánh đồng dâng lên khiến chuột đồng phải tìm chỗ cao để tránh hoặc chui vào các hang ở bờ ruộng. Đây là thời điểm thích hợp để các thợ săn chuột hành nghề. Dụng cụ để săn có cuốc, xô múc nước và bao để đựng chuột. Hiện nay, người dân mở rộng vùng săn bắt và sử dụng các loại bẫy, lồng hiện đại hơn.
Vào khoảng tháng 7-10 Dương lịch hàng năm, hoạt động bắt chuột tại huyện Yên Thành rất nhộn nhịp. Công việc này bây giờ được xem như là một nghề chính vừa giúp người dân kiếm tiền khá mà còn góp phần bảo vệ mùa màng.
Sau một ngày đi săn, vợ chồng anh Lê Văn Thỏa (40 tuổi, ở xóm Hòn Nen, xã Mã Thành, huyện Yên Thành) bắt được gần 80kg chuột. Với giá bán 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, xăng xe, vợ chồng anh thu về hơn 2 triệu đồng.
“Công việc nói là đơn giản nhưng cũng rất vất vả. Bây giờ việc săn chuột không chỉ ban ngày mà phải đi xuyên đêm để đặt bẫy nữa. Trước đây, chúng tôi đi bắt chuột về thường để làm thức ăn, mồi nhậu, nay có cơ sở thu mua nên săn chuột trở thành nghề kiếm thêm thu nhập”, anh Thỏa vui vẻ kể.
Cũng như vợ chồng anh Thỏa, sau vụ Đông Xuân, anh Nguyễn Văn Phương (trú ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành) cùng hai người bạn góp vốn mua dụng cụ săn chuột để hành nghề.
Theo anh Phương, sau vụ thu hoạch lúa, chuột sinh sản rất nhiều. Ban ngày, người dân thường dùng cuốc để đào hoặc đổ nước vào hang để chuột ngạt, chui ra, còn ban đêm thì giăng bẫy. Là loại “ăn đêm, ngủ ngày” nên việc săn bắt chuột vào ban đêm thường kém năng suất hơn.
“Trung bình mỗi ngày, tôi và hai người bạn bắt được 100kg chuột. Trừ chi phí ra mỗi người cũng đút túi được gần một triệu đồng. Săn bắt chuột là nghề thời vụ nên khoảng thời gian này chúng tôi tranh thủ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”, anh Phương cho biết thêm.
Thôn Thọ Bằng, xã Đức Thành được xem là trung tâm săn bắt và mua bán chuột quy mô nhất huyện Yên Thành. Tranh thủ lúc nông nhàn, hàng trăm người dân sắm dụng cụ, tỏa đi bắt chuột khắp nơi.
Cơ sở thu mua chuột của anh Cung Đình Thân (Xóm 1 – Thọ Bằng, xã Đức Thành, huyện Yên Thành) những ngày này luôn tất bật người dân đến nhập hàng. Chủ cơ sở cho biết, nguồn cung ứng ngày càng nhiều sau mưa, lụt. Trung bình mỗi ngày anh nhập cả tấn chuột để đem đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Trước đây, Thọ Bằng được biết đến là “làng thịt chuột” nổi tiếng cả vùng quê lúa Yên Thành. Ban đầu, người dân săn bắt chuột để giảm thiểu sự phá hoại mùa màng, hoa màu. Sau một thời gian, chuột săn bắt về được bày bán, thu hút sự quan tâm của nhiều người địa phương. Nhiều gia đình đã có nguồn thu nhập cao từ việc kinh doanh loài gặm nhấm này.
Cũng theo các chủ cơ sở thu mua, có ngày người dân các huyện Yên Thành, Diễn Châu… mang đến bán cả tấn chuột. Sau đó, chuột sẽ được đưa đi phân phối ở các tỉnh phía Bắc ngay trong ngày. Ngoài ra, khi người dân có nhu cầu, cơ sở cũng làm thịt ngay tại chỗ để bán.
- "Tết ăn mình hay mình ăn tết": Đừng "sỹ diện" bày vẽ nhiều, nghỉ ngơi là chính!
- Hà Nội: Sự thật “chiếc bồn rửa mặt triệu view” gắn trên cục nóng điều hòa
- Trông như con nhím nhưng không phải là nhím, nông dân Hà Nội 9X nuôi nhàn tênh vẫn thu về tiền tỷ
- Quảng Ngãi: Cuốc một nhát bật lên con đặc sản xấu xí nhưng quý như “hải sâm”, giá 300 nghìn/kg vẫn được săn lùng
- Chàng xe ôm chở miễn phí người già, người khuyết tật suốt 5 năm