“Vô văn hóa” là từ được người dân miêu tả về tình trạng bị ống pô từ xe máy phía trước bắn thẳng khói vào mặt.
Ở những thành phố lớn hiện nay, tắc đường là chuyện bình thường như cơm bữa, đa phần vào giờ cao điểm với lượng phương tiện lưu thông lớn. Trong đó, rất nhiều người đi đường cảm thấy khó chịu vì trước mặt họ là một phương tiện hai bánh có ống pô chĩa thẳng lên phía trên, khiến người đi phía sau lãnh đủ.
Anh Nguyễn Minh (Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, có không ít chủ xe đủ nhận thức được vấn đề ống pô từ xe của mình bắn thẳng vào mặt người khác song vẫn mặc kệ.
“Những ngày đi làm qua đoạn đường Nguyễn Xiển, chuyện phải hít khói ô nhiễm từ bao nhiêu phương tiện giao thông đã là quá đủ. Nhưng nếu trong lúc tắc đường, mà tắc trong thời gian dài, bạn sẽ hiểu sự bức xúc như thế nào. Khói từ ống xả xe máy rất độc, mà lại thiết kế chĩa thẳng vào người phía sau. Tôi không thể hiểu nổi những người mua xe loại đó nghĩ gì, và chính nhà sản xuất nghĩ gì khi thừa hiểu thị trường Việt Nam. Nếu người mua xe nhận thức được điều này mà vẫn cố tình, thì thật sự rất vô văn hóa” – anh Minh bức xúc nói.
“Bản thân tôi là một người đi xe máy. Ai cũng phải hít khói thôi. Nhưng việc để ống pô xả thẳng vào mặt người phía sau thật khó chấp nhận về văn hóa. Tôi từng chứng kiến một lần, có người do quá bức xúc vì bị như vậy nên đã xuống xe đòi nói chuyện phải quấy với một xe ôm công nghệ, song mọi người xung quanh can lại. Ai bị như vậy đều cảm thấy ức chế thôi” – chị Lê Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại.
Thực tế cho thấy, một phụ kiện gắn vào đầu ống xả để giúp đổi hướng khói chỉ dao động trong khoảng vài chục nghìn đồng. Tuy nhiên, rất nhiều người phương tiện xe máy có ống pô hướng lên phía mặt người đằng sau lại không hề bỏ tiền ra để khắc phục vấn đề mà vẫn điềm nhiên sử dụng.
Về các loại xe có thiết kế thiếu thân thiện, có thể kể đến một số loại xe độ ống pô, xe phân khối lớn, xe tay côn Honda Winner X, Yamaha Jupiter, Yamaha Sirius. Những người sử dụng loại phương tiện hai bánh này để tham gia giao thông hầu hết là người trẻ.
Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn thường xuyên nằm trong nhóm những nơi có chất lượng không khí ô nhiễm cao. Một trong những tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường là khí thải phương tiện, trong đó xe máy là “thủ phạm” chính.
Một điều hiển nhiên được công nhận rằng, khí thải xe máy rất độc hại cho sức khỏe con người. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, tại 2 thành phố trên, xe môtô, xe gắn máy tiêu thụ khoảng 56% lượng xăng nhưng thải ra tới 94% lượng hydrocarbure, 87% lượng cacbon monoxit, 57% lượng oxit nito trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Cũng theo tìm hiểu, trong khí thải xăng dầu có những chất rất độc, có thể gây ung thư hoặc gây kích thích như benzen, acid H2S, CO, cacbon… Một số chất độc khác còn có thể ngấm vào máu gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể. Người hít phải hàm lượng CO cao có thể bị chảy nước mắt, chóng mặt, khó thở, thậm chí có thể làm giảm nồng độ ôxy trong hồng huyết cầu.
- Đàn ông thực sự nghĩ gì khi hôn vùng kín phụ nữ?
- “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”: Về già, đứa hiếu thảo nhất có khi lại là đứa từng làm cha mẹ buồn lòng
- Đòn roi chính là sự "bất lực" trong cách giáo dục con cái của cha mẹ
- Hoa hậu Ý Nhi lại trở thành tâm điểm với phát ngôn gây tranh cãi tại triển lãm
- NSND Công Lý bị đồn qua đời vì đột quỵ, vợ bức xúc lên tiếng