Để không còn là ốc đảo
Trên dòng sông Hậu, chiếc phà vẫn miệt mài đưa khách sang sông nhưng trong lòng những người con Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) cầu Đại Ngãi 2 sẽ là một nhịp cầu nối mùa xuân đang dần hiện hữu.
Ngồi trên phà, ông Nguyễn Văn Quyết ở xã An Thạnh Tây (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, hàng chục năm qua, người dân Cù Lao Dung đã quen với cảnh qua sông phải lụy đò, với những khó khăn trong giao thông, giao thương. Ai cũng mong muốn có chiếc cầu nhưng nghĩ đó là chuyện khó xảy ra vì sông Hậu mênh mông mà lại gần cửa biển, chuyện xây cầu khó mà thực hiện. Khi dự án cầu Đại Ngãi 2 chính thức khởi công (10.2023) đã mang đến sự bất ngờ lớn cho cả vùng đất cù lao này.
“Thế hệ chúng tôi và cả nhiều thế hệ trước nữa, ai cũng ao ước có được cây cầu này. Giờ đây, khi thấy cầu Đại Ngãi 2 đã nên hình, tôi mới dám tin đó là sự thật”, ông Quyết xúc động chia sẻ.
Bà Phạm Thị Đào ở xã An Lạc Tây (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) bày tỏ niềm vui khi nhìn thấy cầu Đại Ngãi 2 đang dần hiện hữu. Dù gia đình có diện tích đất lớn nằm trong dự án cầu Đại Ngãi 2, bà không ngần ngại bàn giao mặt bằng. “Cây cầu này là ước mơ bao đời của người dân Cù Lao Dung. Có cầu rồi, chúng tôi không còn là ốc đảo nữa”, bà Đào nói.
Ông Bảy Xuân – người đã gắn bó cả đời với vùng đất Cù Lao Dung – cho biết: “Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, có 3 sự kiện lớn ở vùng cù lao này, đó là con đường lớn nhất huyện, lưới điện quốc gia vượt sông Hậu và bây giờ là xây cầu Đại Ngãi 2”.
Trong dòng người hối hả thi công cầu Đại Ngãi 2, ông Phùng Vũ Phương không chỉ là một người thợ mà còn là người con của Cù Lao Dung. Ông hiểu rõ những vất vả mà người dân trải qua khi giao thông phụ thuộc vào phà. Điều đó đã thôi thúc ông cố gắng hết mình để công trình sớm hoàn thành. Với ông, đây không chỉ là một công việc, mà còn là trách nhiệm với quê hương.
Cất cánh từ cầu vượt sông
Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) vốn là vùng đất trù phú nhưng vị trí địa lý biệt lập đã kìm hãm sự phát triển của địa phương. Khi cầu Đại Ngãi 2 được hình thành, đưa vào sử dụng kỳ vọng sẽ tạo đà cho huyện khai thác tối đa tiềm năng trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và thương mại dịch vụ.
Ngay từ khi dự án được khởi công, người dân Cù Lao Dung đã chủ động xây dựng các mô hình sản xuất đón đầu, đặc biệt là các mô hình du lịch nông nghiệp. Điển hình như HTX Nông nghiệp Thông Minh ở xã Đại Ân 1 đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ kết hợp du lịch trải nghiệm, quy mô 40ha.
Ông Trần Văn Phục – Giám đốc HTX Thông Minh – chia sẻ: “Khi không còn phụ thuộc vào phà, chúng tôi sẽ rút ngắn đáng kể thời gian đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Lợi thế này sẽ tăng sức cạnh tranh và thu hút du khách đến với cù lao”.

Ông Trần Văn Nguyên – Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung – chia sẻ: Cầu Đại Ngãi 2 không chỉ giải quyết bài toán giao thông mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương, đặc biệt là trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.
“Cầu Đại Ngãi 2 và sắp tới đây là cầu Đại Ngãi 1 nối Cù Lao Dung và tỉnh Trà Vinh sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của huyện. Do đó ngay từ đầu, chúng tôi đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư đúng tiến độ” ông Nguyên cho hay.
Cầu Đại Ngãi 2 là cầu vượt sông Hậu nối từ bờ huyện Long Phú sang huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng). Đây là 1 trong 2 cây cầu chính (cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận Trà Vinh và Sóc Trăng. Cầu Đại Ngãi 2 dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 4.2025. Sau khi công trình hoàn thành sẽ xóa toàn bộ các điểm phà vượt sông đi qua các tỉnh ven biển ĐBSCL từ Cà Mau đến TPHCM, nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60 nâng cao năng lực vận tải cho khu vực, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TPHCM.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-thong/nhip-cau-noi-mua-xuan-giua-dong-song-hau-1448375.ldo