Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
115 lượt xem

Nhớ lắm tiếng rao thân thương thời nghèo khó: Leng keng cà rem dạo, “Ơi, hớt tóc dạo ơi”!

Những câu chuyện về một thời nghèo khó gắn liền với tiếng rao thân thương. Đó là nghề hớt tóc, bán kem dạo,… Ôi, một thời nghèo khó nay đã xa thật xa

Nghề hớt tóc dạo và tiếng rao thời nghèo khó

Những ngày đi tìm hiểu nghề hớt tóc dạo một thời thịnh hành, tôi đã rất vất vả. Cuộc sống hiện đại với những salon tạo kiểu “đầu người mẫu” trong phòng máy lạnh sang trọng đã khiến nghề hớt tóc dạo vắng dần. Tưởng chừng vô vọng thì tôi tình cờ gặp ông Võ Văn Tấn (66 tuổi, ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú). Mảnh đất thị tứ này của An Giang trở thành chứng nhân cho câu chuyện hơn 30 năm ông gắn với cái tông đơ, cây kéo.

Chiếc vòi xịt mà ông Tấn khoe đã theo ông từ khi còn nhỏ
Ông Tấn tâm sự nghề hớt tóc dạo bận trước thập niên 1990 dù không thể làm giàu nhưng cũng tạm “phê pháo”, nuôi vợ con đủ cơm ngày ba bữa giữa thời nghèo khó. Ngày đó, những nghề như may đồ, sửa đồng hồ hay cắt tóc dạo đều phải tốn một khoản chi phí kha khá để được truyền nghề.

Nghề hớt tóc dạo khá phổ biến vào thập niên 1900

Những chiếc kéo, tông đơ, dao cạo được ông Tấn cất giữ trong cái hộp cũ kỹ. Đều đặn cứ 6h sáng ông rời khỏi nhà, ghé quán nước đầu chợ hớp vội ly cà phê đá rồi leo lên chiếc xe đạp cà tàng rảo chợ Cái Dầu. Dù khu này giờ không thiếu tiệm hớt tóc bình dân giá rẻ, nhưng người dân vẫn ưu ái ông thợ cắt tóc dạo vừa vui tính vừa lấy tiền rẻ này.


Ông Tấn chăm chú hớt tóc cho “thượng đế”
Chỉ trong buổi sáng tại chợ Cái Dầu, ông Tấn đã hớt cho 5 người. Lịch trình hoạt động hằng ngày trong mấy chục năm qua của ông không nhiều thay đổi. Sáng hớt khu vực chợ Cái Dầu, chiều lân la sang chợ chuột Phù Dật và mấy khu lân cận. Mặt trời lặn cũng là lúc ông cất đồ nghề, đảo xe trở về nhà…

Bên dòng đời hiện đại, ồn ã, ngày ngày ông Tấn vẫn đạp chiếc xe cọc cạch, chở cái ghế xếp, hộp đựng đồ nghề xưa cũ cùng bình xịt nước với cái vòi tự chế mà ông khoe có từ thời… tía mình còn “cởi truồng tắm mưa”.

Ngày nay, cánh thợ trẻ trong tiệm máy lạnh có thể hớt hàng chục kiểu tóc. Nhưng những người thợ cắt tóc dạo tuổi đã heo may vẫn giữ kiểu truyền thống, và các “thượng đế” vùng quê nghèo cũng không thấy ai càu nhàu kiểu tóc quê mùa.

“Leng keng, leng keng, Ai cà rem đây”

Buổi trưa đầu tháng 4, con đường Trần Văn Giàu, Bình Tân dù có cơn mưa rào rải nước trái mùa nhưng vẫn nóng hầm hập như đổ lửa. Ông Trần Đình Bảo đạp chiếc xe ba gác bán kem dạo đứng nép mình, trú mưa một lát rồi lại dong xe ra đường. Ông kiếm bóng mát dưới tán cây xanh, rồi lắc chuông leng keng ngồi đợi khách.


Nghề bán kem dạo đến nay vẫn còn tuy nhiên không nhiều
Một anh đạp xe lượm rác, vài cô công nhân ghé lại. Người chọn mua của ông cây kem tròn tròn dài dài như lóng trúc, người lại đòi kem bỏ trong chiếc bánh xốp hình cái phễu. Kem dừa, kem sầu riêng, kem chuối ông đều có, giá chỉ 5.000 – 10.000 đồng một cây để giải khát buổi trưa oi bức.


Xe kem dạo – Món quà kí ức của bao đứa trẻ
Người đàn ông nhiều năm sạm nắng gió bụi đường mưu sinh này kể thêm hồi trước ông bán nhiều hơn bây giờ. Gần đây có vẻ ngày càng ế dần vì các siêu thị, cửa tiệm sang trọng đã hút mất khách của ông. Cũng may là vẫn còn những cô công nhân, người dân lao động hẻm nghèo và đám trẻ “không chê” tiếng chuông leng keng lẫn trong lời rao khàn đục của ông. Một phần họ chọn xe kem dạo vì giá rẻ hơn siêu thị, phần vì tiện lợi có thể mua ăn ngay tại chỗ mà không phải đi đâu xa, rồi mất thời gian, tiền bạc gửi xe.


Ngọt ngào hương vị kem tuổi thơ và tiếng rao tha thiết

Chiếc xe kem dạo thu hút những đứa trẻ ở mọi lứa tuổi
Leng keng, leng keng. Ai cà rem, cà rem đây. Đó là tiếng chuông lắc, lời rao thân thuộc khắp phố xá, làng quê mà những ai sống từ thập niên 1980 trở về trước không hề xa lạ. Mặc dù đất nước phát triển, các siêu thị, cửa tiệm đầy ắp hàng hóa và thùng kem lạnh. Tiếng chuông leng keng bán kem dạo dù không còn nhiều nhưng vẫn chưa hề tắt hẳn, kể cả ngay ở đường phố Sài Gòn hiện đại năm đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 21 này.