Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
1300 lượt xem

Những gia đình có tiền nhưng chỉ thích “thuê nhà dài hạn, cuối đời về quê sống”.

Có vài tỷ đồng “lận lưng” nhưng vợ chồng anh Vũ Minh Trà, 35 tuổi, kiên quyết không mua nhà Hà Nội mà chi hơn 300 triệu đồng mỗi năm để thuê một căn hộ.

“Tôi coi trọng hiện tại và trải nghiệm, chứ không chăm chăm tiết kiệm. Nhà chưa có thì thuê, ôtô đi xe nào cũng được nhưng ở phải là nơi tiện ích nhất, được ở bên nhau nhiều nhất. Mục tiêu mỗi năm của gia đình là một chuyến du lịch ít nhất nửa tháng”, anh Trà, người từng làm việc cho một công ty tài chính nước ngoài trước khi về Việt Nam, chia sẻ.

Người đàn ông này tự nhận, “đi thuê chứ không mua nhà” là một điểm điển hình trong lối sống của gia đình. Lối sống này bắt đầu từ năm 2012, khi vợ anh, chị Trần Hải Yến mang bầu đứa con đầu lòng. Thời đó, hai vợ chồng đã sở hữu một căn chung cư ở khu Linh Đàm, cách nơi làm việc của hai vợ chồng cả chục cây số. Nhịp sống sáng đi sớm, tối về muộn, lúc nào cũng phải gấp gáp và bực bội vì kẹt xe nên họ quyết định bán nhà chỉ sau vài tháng. Số tiền hơn một tỷ đồng được chia ra, phần để trả tiền thuê nhà gần cơ quan, phần để làm vốn kinh doanh. Kể từ đó, hàng ngày chị Yến đi bộ đến chỗ làm, còn anh chồng chịu xa hơn chút, đi bằng xe đạp.

Năm 2016, có con thứ hai, cặp vợ chồng trẻ chuyển đến một căn hộ cao cấp với giá thuê đắt gấp đôi. Ở đây hơn 3 năm, cả nhà lại di cư lần thứ ba đến một căn hộ ba phòng ngủ để có phòng riêng làm việc. Căn này không chỉ tiện chỗ học chỗ làm, còn được hưởng đầy đủ các tiện ích và dịch vụ như trung tâm thương mại, bể bơi bốn mùa, rạp chiếu phim…

“Quan trọng nhất, trường mẫu giáo của con trai dưới chân tòa nhà, thời gian đến trường của con gái và cơ quan vợ chỉ mất 5 phút, đến văn phòng của chồng chỉ mất 15 phút”, anh Trà chia sẻ.

“Nhiều người bảo tôi bị ngáo khi bỏ vài chục triệu thuê nhà, sao không dành tiền đó để mua nhà. Bố mẹ hai bên ban đầu cũng phản đối nhưng sau khi ở qua vài căn hộ đi thuê, chúng tôi không hề có cảm giác cần phải có nhà của riêng mình nữa”, Trà nói.


Lý do chính yếu khiến gia đình này an phận với việc đi thuê nhà là không đủ tiền và quan trọng hơn là bài toán kinh tế. Ông bố hai con tính, để mua căn hộ như ý hai vợ chồng cần 5 tỷ đồng trở lên. Ví như căn đang thuê hiện tại có giá 8,5 tỷ đồng, ngoài số vốn vài tỷ hiện có, vợ chồng cần thêm vài năm tích lũy nữa. “Thời gian quá dài nên đi thuê, chúng tôi chỉ bỏ ra một ít tiền đã tiếp cận được không gian sống tiện nghi”, anh Trà nói.

Giải thích thêm về cách tính toán của anh Trà, bà Trần Thị Lương, giám đốc kinh doanh Trung tâm môi giới và xúc tiến đầu tư bất động sản NUCE, lấy ví dụ một căn hộ chung cư cao cấp, hai phòng ngủ ở quận Ba Đình có giá khoảng 5,5 tỷ đồng, cho thuê giá 18-20 triệu đồng một tháng với nội thất cơ bản và từ 23 triệu đồng một tháng trở lên nếu nội thất đầy đủ. Lãi suất tiền gửi ngân hàng của 5,5 tỷ đồng được khoảng 27 triệu mỗi tháng. “Do đó việc đi thuê lợi hơn. Càng căn hộ cao cấp càng lợi nếu so sánh giá thuê với mua”, bà Lương phân tích.

Chuyên gia này tiết lộ, dù chưa hình thành trào lưu nhưng số khách hàng là người Việt thuê chung cư cao cấp đang có chiều hướng gia tăng: “Người thuê chủ yếu là khách Hàn Quốc, Nhật Bản còn khách Việt chiếm khoảng 5-7%. Hầu hết họ là những người trẻ, có thu nhập cao, có thể từng sống ở nước ngoài”.

Đã bảy năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh vẫn hài lòng với căn chung cư tại Dương Nội đi thuê giá 8 triệu đồng một tháng. Người đàn ông 39 tuổi dự tính thuê nhà dài hạn, cuối đời về quê sống.

Anh Minh tính, một căn hộ ba phòng ngủ tầm trung ở Hà Nội hiện có giá hơn 2 tỷ đồng. Tiền thuê nhà của gia đình 7-8 triệu đồng một tháng, tức là mỗi năm số tiền thuê chiếm 3,5-4% giá trị căn nhà. Dù sau này có trượt giá cũng không vượt quá 5%. “Nếu vay ngân hàng mua nhà, lãi suất phải trả hàng năm là 9-11%. Còn gì để tranh cãi không?”, anh nói với vợ. “Đi làm vất vả chỉ để dành tiền, hạn chế ăn tiêu, không dám du lịch… chỉ để trả nợ mua nhà. Cuộc sống đó thật vô nghĩa”.

Dù cũng đi thuê nhưng vợ chồng chị Lê Hải Yến ở Củ Chi (TP HCM) lại có một lý do khác. Từ năm 2018, hai con trai của chị đều theo học trường quốc tế ở trong trung tâm thành phố, chỉ về nhà vào cuối tuần. “Các con được tiếp thu kiến thức tốt, nhưng mất kết nối với gia đình”, người mẹ là một doanh nhân nói.

Với điều kiện của mình, vợ chồng chị Yến dư sức mua một ngôi nhà 7-8 tỷ đồng ở trung tâm thành phố để con đi về hàng ngày. “Tôi muốn ở nơi mà con có thể đi bộ đến trường nhưng không muốn bán cơ ngơi 100 m2 ở Củ Chi và ba mảnh đất ngoại ô. Trong khi con trai lớp 11 của tôi sang năm sẽ phải học ở nơi khác. Thay vì cố định tài sản, tôi chọn thuê”, chị Yến giải thích.

Năm đầu tiên, gia đình sống trong một căn hộ thuê gần chục triệu đồng. Một năm sau, họ thuê được một căn biệt thự từ thời Pháp với giá gần 200 triệu đồng một năm. Ngôi nhà này cách trường cả hai con chưa đầy nửa cây số. Hàng ngày, hai cậu bé đi bộ đến trường, rồi về nhà ăn cơm cùng ba mẹ. Trong vườn đủ loại hoa trái, có khoảng sân để hai đứa trẻ thỏa sức nghịch ngợm. Bạn bè của vợ chồng chị Yến cũng đến nhà chơi thường xuyên hơn vì thuận tiện đi lại.

“Mua nhà ở thành phố là một bài toán về dòng tiền, tài chính, sao cho an toàn, hiệu quả với đặc điểm của mỗi cá nhân, gia đình”, chuyên gia Trần Thị Lương nói, “Không nên lấy lý do ‘an cư lạc nghiệp’ hay bất cứ một tâm lý, cảm xúc nào khác khi quyết định chi tiền”.

Kinh nghiệm ở nhà thuê của vợ chồng anh Trà cho thấy, để đảm bảo an toàn, tiền thuê không nên nhiều hơn 30% tổng thu nhập gia đình và trước lúc thuê cần tìm hiểu tiềm lực tài chính của chủ nhà, làm hợp đồng thuê dài hạn tối thiểu 2 năm.

Sống ở chung cư cao cấp 10 năm, vợ chồng Trà không có ý định mua. Họ đang mơ tới một ngôi nhà của riêng mình ven biển Nha Trang. “Nhưng đó là ước mơ của nhiều năm nữa. Còn hiện tại chúng tôi hài lòng với lối sống này”, ông bố trẻ nói.

Bài viết cùng chủ đề: