Trao chìa khóa căn hộ vừa ở được một năm cho chủ mới, Vũ Hưng thấy lòng mình thắt lại. “Rồi mình sẽ mua lại căn khác”, anh an ủi khi vợ khóc rấm rứt.
Nhưng khi cùng vợ bước ra khỏi thang máy, đứng ở sân chung cư, anh giảng viên 36 tuổi của một trường cao đẳng lại cảm thấy nhẹ nhõm bởi từ nay không còn phải canh cánh khoản nợ hàng tháng.
Hưng nhớ lại thời điểm cách đây 3 năm, một hôm căn phòng đi thuê của vợ chồng anh bị trộm phá khóa “hỏi thăm”, cuỗm sạch những đồ đạc giá trị. Nhìn vợ ngồi ôm con run rẩy cả đêm trong căn phòng 15 m2, người đàn ông lập tức bấm điện thoại gọi đứa em làm bất động sản: “Tìm cho anh một căn chung cư”. Vợ anh thấy chồng quyết liệt nên cũng không dám ngăn, chỉ hỏi góp vào: Lương anh chị 15 triệu, liệu có đủ trả lãi ngân hàng không?
Phương án cuối cùng cặp vợ chồng này quyết là đi vay 70% để mua một căn hộ giá 1,2 tỷ đồng. Vợ chồng có cuốn sổ tiết kiệm 100 triệu, ông bà, anh chị em hai bên góp thêm 200 triệu, số còn lại vay mượn bạn bè. “Nghề nghiệp vợ chồng đã ổn định, trước sau gì cũng phải mua, chẳng lẽ đi ở nhà thuê cả đời? Mua xong nhà mới có động lực đi làm trả nợ, đợi đủ thì chẳng biết đến bao giờ”, Hưng nghĩ bụng.
Ngày Hưng về nhà mới, dưới quê ai cũng biết và tấm tắc khen. Nhưng niềm vui “có nhà thành phố” ngắn ngủi hơn anh tưởng tượng bởi khoản lãi hơn chục triệu mỗi tháng lập tức đè lên vai. Những tháng sau đó, ngoài giờ lên lớp, anh giảng viên có thêm nghề shipper công nghệ. “Việc này vừa sức nhất. Tôi từng làm thợ mộc nhưng có ngày tay đau quá không duỗi ra được”, Hưng kể.
Sau khi mua nhà, anh cảm giác “bản thân giống như một miếng thịt trên thớt, bị cắt ngang cắt dọc”. “Không những vậy lại còn bị rắc muối và đem rán từ mặt trước đến mặt sau”, ông bố ba con kể, miệng cười buồn. Hơn một năm làm shipper, anh từng không ít lần “ngượng chín mặt” khi gặp học trò hay bạn cũ. Có lần “đơn nổ”, đọc ra tên người nhận là đồng nghiệp, xấu hổ quá, Hưng nhờ người khác đi thay.
Để đỡ con cái, bố mẹ Hưng ở quê cũng cố làm thêm để góp trả nợ cho con. Bố anh ngoài 60 tuổi xin trông coi công trình xây dựng, mẹ hàng ngày nhặt nhạnh giấy vụn, tích góp đem bán. “Dù ai cũng vất vả nhưng phải hướng đến điều tốt đẹp”, Hưng nghĩ vậy và chuyển sang làm tư vấn, môi giới bất động sản với hy vọng sớm trả hết nợ. Nhưng Covid-19 bùng phát, Hưng lại chuyển về nghề cũ.
Hơn một năm cố xoay xở bằng mọi cách để khoản nợ hàng tháng cho đến ngày người bạn đòi 200 triệu đồng vay trước đó. Không còn cách nào khác, Hưng dự định về quê bàn với bố mẹ bán đất. Vừa bước chân đến nhà, thấy mẹ già 65 tuổi đang lựa phế liệu, mồ hôi ướt đẫm chiếc áo cánh, anh tựa lưng vào bờ rào khóc. Hôm đó, Hưng không vào nhà mà bắt xe quay trở lại Hà Nội, nói với vợ: “Chúng mình bán nhà. Không thể mãi làm nô lệ cho nó”.
Một tháng sau, cả nhà chuyển đồ đạc đến nơi ở mới. Chỉ khác nơi đến lần này không phải nhà mới, mà là một căn phòng 20 m2, Hưng đặt thuê từ tháng trước.
Được sở hữu một căn chung cư với mục tiêu an cư lạc nghiệp với nhiều người là động lực lớn. Ảnh: Vy Trang.
Được sở hữu một căn chung cư với mục tiêu “an cư lạc nghiệp” với nhiều người là động lực lớn. Ảnh: Vy Trang.
Vài ngày sau, anh giảng viên cao đẳng cảm thấy được an ủi hơn khi biết Tiến, một shipper cùng đội, cũng có hoàn cảnh tương tự từ hơn ba năm trước. “Gánh nặng nợ nần thực sự khủng khiếp. Thời đó, mỗi sáng mở mắt, tôi chỉ ước ngồi lên xe chạy về phía trước là có thể bỏ lại lo lắng nợ nần”, Tiến kể. Nhưng anh lại nghĩ, giải thoát cho mình vợ con vẫn phải gánh. Có lần vợ anh thấy một người đàn ông mặc đồng phục shipper ngã xuống đường sau va chạm giao thông, cô đứng khóc vì tưởng tượng đến cảnh người gặp nạn là chồng mình.
Mua nhà được một năm, con trai Tiến phát hiện mắc bệnh bạch cầu lympho cấp tính. “Ăn không ngon, đầu lúc nào cũng u ám”, Vũ Tiến kể lại những ngày đã qua trong nỗi lo bệnh tật và thiếu tiền. Nhiều lúc anh nghĩ “tiền thực sự là một tên khốn mà hàng ngày vẫn phải nhớ tới nó”. Tiền kiếm được phần lớn trả nợ ngân hàng, chẳng còn tiền chữa bệnh cho con. Nhìn đứa bé ốm nhưng ăn uống dè xẻn, không được chăm sóc như bệnh nhân khác, đến một ngày ông bố thở dài thượt một cái rồi bảo vợ: “Bán nhà, đi thuê. Tiền để bồi dưỡng cho con”.
Anh Nguyễn Văn Thanh, một môi giới bất động sản ở Mỹ Đình, Hà Nội tiết lộ, trong năm ngoái, có đến 30% khách hàng từng mua nhà rồi lại gọi đến anh để nhờ bán lại. “Phần nhiều trong số đó là họ không còn đủ khả năng trả nợ do dịch bệnh cũng như gặp biến cố nào đó”. Theo người môi giới này, mức vay hoàn hảo là 50% giá trị căn nhà. “Trong trường hợp không lo đủ số tiền ứng trước 50% thì có thể vay thêm nhưng tuyệt đối không quá 70% vì gánh nặng tài chính sẽ rất lớn”, anh Thanh chia sẻ. Còn theo ông Đính, trước khi quyết định mua nhà trả góp, người mua cần nhờ tư vấn của những đơn vị bất động sản về thời hạn vay, biến động lãi suất, khoản phải trả mỗi tháng ở từng thời điểm… Cần tính sao cho số tiền phải trả nợ hàng tháng ít hơn khoản thu nhập còn lại sau khi đã chi tiêu cố định, gửi tiết kiệm dự phòng…
Sau một năm bán nhà, cả Hưng và Tiến vẫn sinh sống ở Hà Nội, loay hoay với quyết định trụ lại thành phố hay về quê. Khi nhắc về căn nhà đầu tiên trong đời, cả hai cùng nói rằng họ ra đi vì hết tiền, nhưng chỉ khác Hưng cảm thấy nhẹ nhàng vì trút bỏ gánh nặng, còn Tiến luôn bị giày vò trong sự tiếc nuối.
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.
- Bố mẹ ly hôn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau: Con gái đi học 3 ngày không ai đến đón
- Tại sao đàn ông càng ‘yếu’ càng hay đòi hỏi ‘chuyện ấy’?
- Chúng ta có thể làm giàu từ nông nghiệp, tại sao không?
- 73 tuổi bị con út đuổi ra khỏi nhà vì đưa hết tiền đền bù đất cho con cả: Làm mẹ xin đừng thiên vị!
- Bình Định: Nuôi bò con nào cũng khỏe, trồng thêm keo nguyên liệu, ông nông dân người Hrê khá giả hẳn lên