Giống ổi lê Đài Loan đang trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập gần 20 triệu đồng/sào cho nông dân xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Thu 20 triệu đồng/sào nhờ mô hình trồng ổi lê Đài Loan
Kể từ năm 2014, Hội Nông dân xã Đồng Phong (huyện Nho Quan) đã xin chuyển đổi đất hai lúa để đưa giống ổi lê Đài Loan vào trồng thử nghiệm. Quá trình trồng, chăm sóc cho thấy, cây ổi luôn xanh tốt, quả ăn ngon, năng suất cao hơn so với các cây trồng như: Lúa, ngô, lạc…
Bà Nguyễn Thị Hồng Mây (thôn Liêu Thượng) cho biết: “Hiện gia đình có diện tích trồng giống ổi lê Đài Loan lớn nhất xã Đồng Phong với diện tích 1,8 mẫu, trung bình mỗi ngày gia đình bán khoảng 200-400 kg ổi. Giá ổi bán cho thương lái từ 15.000-20.000 đồng/kg, thu nhập của gia đình khoảng 3.000.000-4.000.000 đồng/ngày”.
Qua tìm hiểu của phóng viên, cây ổi giống lê Đài Loan không tốn nhiều công chăm sóc cũng như thu hoạch…So sánh với thu nhập từ cây lúa, lạc, ngô…thì cây ổi giống lê Đài Loan cho thu nhập cao gấp khoảng 5-6 lần.
Ngoài hộ bà Mây còn hàng chục hộ khác tại xã Đồng Phong (huyện Nho Quan) cũng đang trồng giống ổi lê Đài Loan với thu nhập khoảng 20 triệu đồng/sào.
Bí quyết đuổi sâu, bọ phá ổi bằng chế phẩm sinh học ngâm từ tỏi, ớt, gừng
Để cây ổi sinh trưởng nhanh, đảm bảo chất lượng, các hộ trồng giống ổi lê đài Loan xã Đồng Phong đã tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu về quy trình trồng và chăm sóc cây ổi như kỹ thuật lên luống, bón phân, cắt tỉa cành,…
Ông Bùi Văn Cường-Giám đốc hợp tác xã trồng cây ăn trái xã Đồng Phong chia sẻ: “Trồng giống ổi lê Đài Loan chỉ mất khoảng 1 năm là có thể thu hoạch, người dân cũng không quá vất vả chăm bón như các loại cây khác”.
Ông Cường cho hay, trong quá trình chăm sóc, cần chú ý tới công đoạn cắt cành, vun gốc và bọc quả. Bệnh phổ biến của cây ổi là muỗi đốt hay còn gọi là rỉ sắt, sâu róm, sâu cuốn lá.
Tuy nhiên, bệnh đều dễ khắc phục, hợp tác xã rồng cây ăn trái xã Đồng Phong đã phổ biến đến bà con tạo ra các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên như phun thuốc được ngâm từ tỏi, gừng, ớt để đuổi côn trùng.
Trao đổi với phóng viên, ông Đồng Văn Đông-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Phong bật mí: “Huyện Nho Quan đã lựa chọn cây ổi là sản phẩm OCOP, vì vậy chúng tôi quyết tâm xây dựng và định hướng cho hợp tác xã và nhân dân để hoàn thành mục tiêu này trong năm 2022”.
“Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức dán tem truy xuất nguồn gốc cho quả ổi Đồng Phong. Việc dán tem, sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sẽ nâng tầm giá trị, khẳng định thương hiệu ổi Đồng Phong, tạo động lực cho bà con mạnh dạn đầu tư, sản xuất”, ông Đồng Văn Đông cho biết thêm.
- Hà Nội: Công an vào cuộc vụ “khách Tây đi taxi 50m bị chém 500.000 đồng”
- 4 thói quen "lạ đời" chỉ có ở trẻ thông minh: Hãy xem con bạn có những thói quen này không nhé
- Đắk Nông: Mùa ‘chăn’ ong ở Ðắk Nông, ông nông thu được hơn 60 triệu mỗi lần quay mật
- Thái Hòa yêu sâu đậm Xuân Lan trên phim, gây tò mò với hình ảnh “đại gia tài phiệt”
- Nét xưa cũ tại làng Cựu: Còn lưu giữu nhiều kiến trúc của nhà quan thời phong kiến