Sau hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, năm nào anh Đinh Văn Việt (SN 1974) cũng mò dưới đáy ao được hàng trăm ngàn viên ngọc quý, kiếm tiền tỷ mỗi năm.
Bỏ lương ngàn đô lên bờ xuống ruộng với nghề nuôi trai lấy ngọc
Sau khi học hết cấp 3, đầu năm 1993, anh Việt (ở xóm Nội, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) xin vào làm việc tại Công ty Liên doanh Ngọc trai Hạ Long.
Do có năng khiếu cũng như khả năng nói tiếng Nhật rất giỏi, anh là một số ít người được đào tạo chuyên sâu về nghề nuôi cấy ngọc trai nước mặn tại xứ sở Hoa Anh đào vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Tay nghề giỏi, anh Việt được trả một mức lương “khủng”(khoảng 1 cây vàng/tháng) vào thời điểm đầu những năm 2000.
Nhưng chàng trai trẻ chẳng chịu an phận thủ thường, quyết tâm ra đi để xây dựng cho mình một “đế chế” ngọc trai riêng.
Đầu năm 2005, anh Đinh Văn Việt liều mạng vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng, dồn vốn đầu tư khu nuôi ngọc trai rộng 10ha giữa vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Chính ở nơi này, anh và người vợ trẻ đã nếm đủ trời giông gió, bão biển, bao phen chết hụt cùng những con trai ngậm ngọc dưới đáy biển sâu.
Sau 6 năm khởi nghiệp, năm được thì ít còn năm mất thì lại nhiều, để rồi anh phải bán tống bán tháo cả cơ nghiệp nuôi trai ngọc để trả nợ.
Không chịu khuất phục, anh cùng vợ cơm đùm cơm nắm vào tận khu đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên – Huế) đeo đuổi giấc mơ làm giàu từ những hạt ngọc trai.
Vậy mà, trời đất vẫn chưa thương, năm 2011, trận đại hồng thủy trút xuống, cả vùng nước mặn đầm phá Tam Giang bỗng thành nước ngọt.
Thật thảm cảnh! Hơn 20 vạn con trai đang ngậm ngọc non trong khu nuôi rộng 10ha lăn ra chết thẳng cẳng. Hai vợ chồng anh Việt khóc cùng nước mưa trong bất lực nhìn dòng nước đục ngầu cuốn hàng trăm triệu đồng tiền xương máu của mình ra biển.
Biến cả luôn hào phóng nhưng biển cả cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Sau 2 lần khởi nghiệp thất bại, anh Việt đã nhận ra vùng đầm phá Tam Giang không còn vùng đất hứa với anh nữa.
Không nuôi trai nước mặn thì anh về quê Ninh Bình nuôi trai nước ngọt trong sông, trong đầm để cấy ngọc.
Khổ nỗi, những nghiên cứu về kỹ thuật nuôi cấy trai nước ngọt lấy ngọc quá ít; tìm khắp miền Bắc chẳng thấy một mô hình để học tập.
Suốt một thời gian dài, trên các khúc sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vạc và ao đầm của tỉnh Ninh Bình, người ta thấy anh Việt đen nhẻm lặn ngòi khắp các con sông.
Anh còn thuê các toán thợ mò tìm những con trai dưới đáy bùn về làm thí nghiệm. Sau quá nhiều lần thử nghiệm thất bại, anh Việt hết cách.
Nghĩ còn cách cuối cùng, đó là anh đành lặn xuống đáy sông quan sát tập tính của con trai nước ngọt, từ đó để điều chỉnh quy trình nuôi cho phù hợp.
Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, tốn bao nhiêu công sức cũng như tiền của, cuối cùng anh Đinh Văn Việt là người đầu tiên phát hiện ra loài trai xanh cánh mỏng (sống ở nước ngọt) có mô tế bào tạo màu sắc xà cừ ngọc trai đẹp ngang ngửa trai nước mặn.
Đây cũng là loài trai nước ngọt có tiềm năng lớn nuôi để phục vụ nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, khai thác ngọc trai nước ngọt…
Khi ghép mô tế bào của trai xanh cánh mỏng và nhân (làm từ vỏ loài trai cóc) vào khu vực xoang màng áo ngoài của loài trai đen cánh dầy (có kích thước lớn và khỏe mạnh) sẽ tạo ra những viên ngọc tuyệt bích.
“Trong 3 năm ròng nghiên cứu, bao nhiêu vốn liếng đều đổ vào đây hết, hai vợ chồng tôi lại quay về vạch xuất phát. Nhưng may mắn là tôi đã tìm ra chìa khóa để bắt loại trai nước ngọt này nhả ra ngọc, hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương” – anh Việt nhớ lại.
Bẳt trai nhả ra ngọc quý, mỗi năm lãi ròng 3,5 tỷ
Anh Đinh Văn Việt cho biết, sau hơn 6 năm gắn bó với nghề, đến nay quy mô nuôi trai lấy ngọc của anh đã lên tới 10,5ha. Cơ sở của anh đang thả nuôi gần 80.000 con trai dưới ao.
Theo anh Việt, để có được viên ngọc trai nước ngọt, ban đầu phải tìm được loài trai xanh cánh mỏng và trai đen cánh dày. Hai loại trai này có tuổi thọ cao, sức sống bền, khi trưởng thành có kích cỡ lớn từ 20 – 35cm, trọng lượng hơn 2kg/con.
Thời gian cấy ghép nhân vào trai bắt đầu từ tháng 12 năm nay cho đến tháng 3 năm sau. Kỹ thuật ghép ngọc trai được thực hiện đúng để trai không bị nhiễm khuẩn, cho tỷ lệ sống cũng như đậu ngọc cao nhất.
Sau khi cấy nhân, nuôi từ 24 đến 30 tháng là trai sẽ cho ngọc, tùy thuộc vào chất lượng nguồn nước ao nuôi và nhiệt độ thời tiết từng năm. Tỷ lệ trai lấy ngọc còn sống đạt khoảng 60%, trong số đó có khoảng 70% là cho ngọc.
“Trung bình mỗi năm tôi thu về được trên 100.000 viên ngọc trai, loại ngọc đẹp chiếm khoảng 35%, được bán với giá từ 300.000-500.000 đồng/viên. Số còn lại là hàng xô được bán theo kg, giá ngọc trai hàng xô dao động từ 10 -15 triệu/kg. Sau khi trừ hết chi phí, tôi lãi khoảng 3,5 tỷ đồng” – anh Việt tiết lộ.
Một số sản phẩm được làm tự ngọc trai do chính tay anh Việt nuôi, có giá trị từ vài triệu cho đến vài chục triệu/sản phẩm.
Sau khi cấy nhân, nuôi khoảng 24 đến 30 tháng là trai cho thu hoạch ngọc, mỗi viên ngọc trai giúp người nuôi có ngay vài trăm ngàn đồng.
Theo anh Việt, nghề nuôi trai lấy ngọc tiềm ẩn nhất rủi ro, nếu không sát sao cẩn thận sẽ có thể trắng tay.
“Vì con trai sức đề kháng rất yếu nên mỗi khi môi trường sống bị thay đổi đột ngột, trai rất dễ bị sốc mà chết. Nắng nóng kéo dài, kể cả mưa nhiều cũng là nguyên nhân chính dẫn đến điều này, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời…”, anh Việt cho hay.
Đặc biệt, nguồn nước lấy vào ao nuôi trai ngọc nếu không may bị ô nhiễm, cũng sẽ khiến đàn trai chết hàng loạt. Vì vậy nghề này tuy kinh tế mang lại cao nhất trong các loại con nuôi thủy sản, nhưng luôn tiềm ẩn rủi ro, có thể mất trắng bất cứ khi nào.
“Dù tôi có rất nhiều kinh nghiệm, nhưng nhiều năm gặp các yếu tố bất lợi từ khách quan nên không thể kiểm soát được, khiến đàn trai chết hàng loạt, thua lỗ hàng tỷ đồng. Nghề nuôi trai nhìn thì bên ngoài thì hào nhoáng nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy cực nhọc, rất dễ chịu tác động từ thời tiết cực đoan, ôi nhiễm mỗi trường. Để kiếm được từng viên ngọc không hề đơn giản chút nào” – anh Việt chia sẻ về khó khăn của nghề.
Cũng theo anh Việt, khoảng 2 năm nay, do ảnh hưởng từ dịch Covid -19 khiến đầu ra gặp nhiều khó khăn, sản lượng bán ra bị chậm hơn so với các năm trước. Thị trường tiêu thụ chính là Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… nhưng do đại dịch khiến việc xuất khẩu gặp khó, hàng bị tồn đọng nhiều…
- Dog Shot Multiple Times for ‘Being on the Wrong Side of the Wrong Fence’
- Tự tay mình trồng vẫn yên tâm nhất
- Đổi nhà 100m2 lấy nhà nhỏ bằng nửa, chúng tôi sống thoải mái hơn
- Nếu có con gái, đừng dạy con PHẢI CHỊU ĐỰNG! Đừng dạy con PHẢI HY SINH
- Hòa Bình: Bỏ làm thầy giáo, về quê trồng cây dại lại có tiền tỷ mỗi năm