Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
112 lượt xem

Nỗi lòng của cô giáo tiểu học: "Học sinh vừa lười vừa lì, phụ huynh thì bênh con"

“Thật sự em nản nghề này quá. Hồi mới đi dạy thì bừng bừng nhiệt huyết. Giờ thì…”.

Người ta thường nói về áp lực của nghề giáo, về chuyên môn, thu nhập, đãi ngộ, về sự linh hoạt trong xử lý tình huống sư phạm… Tuy nhiên, một trong những điều “đau đầu” nhất của giáo viên không chỉ là học sinh không tập trung học, quậy phá và nghịch ngợm mà còn là sự thiếu chia sẻ, hợp tác của nhiều phụ huynh.

Nhiều cha mẹ đưa con đến trường rồi mặc định nhiệm vụ dạy con nên người là của nhà trường và giáo viên. Trên thực tế, một đứa trẻ trưởng thành, học hành giỏi giang không thể tách rời sự giáo dục của gia đình. Việc đổ hết mọi trách nhiệm lên vai thầy cô không chỉ tạo thêm áp lực cho những người làm nghề đưa đò mà còn tác động tiêu cực đến những đứa trẻ.

Có lẽ đây chính là tâm trạng chung của rất nhiều giáo viên. Vậy nên, khi một cô giáo dạy bộ môn Tiếng Anh tâm sự chuyện “Học sinh vừa lười vừa lì, phụ huynh thì bênh con” ngay lập tức nhận được quá nhiều sự đồng cảm.

Tâm sự của cô giáo Tiếng Anh nhận được nhiều sự đồng cảm

“Học sinh vừa lười vừa lì, phụ huynh thì bênh con. Từ đầu năm đến giờ em bị phụ huynh mắng vốn không biết bao nhiêu lần. ‘Sao cô lại la con tui, sao cô lại phạt đứng (em đó nói chuyện quá nhiều)’. Không viết bài, em bảo đem vở về ôn để thi học kì cũng không mang. Giờ em lại bị mắng vốn là sao đi học cả học kì rồi mà không nói được chữ tiếng Anh nào. Thật sự em nản nghề này quá. Hồi mới đi dạy thì bừng bừng nhiệt huyết. Giờ thì…”.

Cô giáo này chia sẻ thêm, đi dạy chỉ muốn học sinh tiến bộ, cho các bạn ấy biết càng nhiều càng tốt. La mắng chỉ để bạn ấy hiểu chuyện mà tốt lên, chứ không ghét bỏ mà phụ huynh cứ bênh con, “rồi bao bọc các bạn ấy tới khi nào. Ra đời lại chẳng biết gì, rồi cuộc đời các bạn ấy về đâu không biết nữa”.

Nỗi lòng không của riêng ai

Nhiều giáo viên cũng đồng tình rằng họ gặp áp lực thành tích từ nhiều phía, trong đó có kỳ vọng rất lớn của phụ huynh. Con học không giỏi, cha mẹ luôn nghĩ do thầy cô không dạy tận tâm. Nhiều cha mẹ thay vì cộng tác với giáo viên trong quá trình giáo dục con em mình thì lại tập trung vào việc bắt lỗi và lên án giáo viên mỗi khi không hài lòng. “Dạy tiểu học khó lắm không như ngày xưa. Học sinh được nuông chiều nên hư. Cha mẹ thì tưởng con là thần đồng nên đổ lỗi cho cô giáo. Nghề không nuôi nổi người.

Mình đã từng chứng kiến học sinh lớp 1 thôi đã biết đổ tội hết cho cô giáo và bạn bè; học sinh lớp 4, lớp 5 đứng chống nạnh chỉ tay thẳng vào mặt giáo viên mà bảo ’em thách thầy cô đánh em đó’. Học sinh lười học bài và lười làm bài tập rồi bảo là thầy cô đánh này nọ để được nghỉ học ở nhà. Nhiều bạn dù có mách với bố mẹ đi nữa thì đi học vẫn không chép bài, không mang sách vở, chỉ có mỗi cái balo trống rỗng…”, một giáo viên chia sẻ.

Hiện nay quy định của ngành về việc xử lý vi phạm khá nặng và giáo viên không được quát mắng, phạt chép bài nhiều lần hay áp dụng những hình thức phạt truyền thống khác. Nhưng trước những học trò ương bướng, thiếu ý thức, chưa tôn trọng giáo viên, nếu chỉ xử lý bằng những hình thức nhắc nhở thông thường sẽ không hiệu quả.

Cùng với đó, sự thiếu quan tâm, phối hợp, thái độ của phụ huynh chưa đúng mực sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Thời nay phụ huynh hay bênh con, đôi khi chỉ cần nghe con nói thầy cô thế này, thế kia là họ vào trường ngay để mắng giáo viên. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn đâm đơn thưa gửi thầy cô giáo của con lên tới Phòng Giáo dục.

Sợ bị kỷ luật, sợ bị đưa lên mạng xã hội hay bị phụ huynh xúc phạm, nhiều giáo viên sẽ có tư tưởng bỏ mặc học sinh thích làm gì thì làm, thiếu sát sao nên người chịu thiệt nhất vẫn là học sinh. Nhiều giáo viên không chịu được áp lực đã bỏ nghề.

Làm sao khi học sinh không chịu học, phụ huynh thiếu hợp tác?

Bên cạnh sự đồng cảm, nhiều giáo viên cũng cho rằng, trồng cây dù chăm sóc đến mấy cũng sẽ có “trái cỗi cằn không thể chín”. Nghề trồng người cũng vậy. Trước những tình huống tương tự, cách tốt nhất là giáo viên phải cố gắng thay đổi cách truyền đạt và cách tiếp cận học sinh.

“Thực ra để đỡ stress, bạn nên hạ thấp sự kỳ vọng của mình vào học sinh và luôn nỗ lực để có những bài giảng sinh động thu hút học sinh. Không phải đứa trẻ nào cũng ham chơi đâu, để chúng yêu thích và chú ý thì phải đủ hấp dẫn. Ngoài ra cần chú ý quan tâm học sinh nhiều hơn, thay đổi cách tiếp xúc trò chuyện với học sinh vì trẻ con nó rất nhạy cảm, nó hoàn toàn có thể biết được ai yêu nó, ai không yêu nó”, một cô giáo bày tỏ.

Một số giáo viên chia sẻ kinh nghiệm, với những học sinh này cô giáo cần thay đổi hoạt động liên tục để tạo hứng thú cho học sinh và khen ngợi khi thấy trẻ có biểu hiện chú ý vào bài. Tạo cơ hội cho học sinh ấy tham gia trò chơi để chiến thắng, hoặc nếu có thua thì khích lệ vậy là tốt rồi lần sau con cố gắng hơn. Mọi người đồng tình rằng: “Giáo viên mình cần có 1 cái đầu lạnh, lời nói cứng rắn kịp thời và động tác mềm dẻo để dẫn dắt học sinh theo ý muốn của mình”.

Tuy nhiên, đa số đều công nhận, điều quan trọng nhất là giáo viên và phụ huynh phải đứng cùng 1 phía để giúp đỡ học sinh, trách nhiệm của phụ huynh là về nhà phải ôn bài cho con, chứ không phải tất cả thuộc về giáo viên. Nỗ lực của các trường và các thầy, cô giáo là chưa đủ mà rất cần sự vào cuộc, chung tay của toàn xã hội, nhất là phụ huynh để học sinh được học tập trong môi trường giáo dục tốt.

Các gia đình cần dành sự quan tâm đúng mực trong việc chăm sóc, kèm cặp con em. Trước mỗi sự việc, phụ huynh cần bình tĩnh tìm hiểu và có thái độ, cách giải quyết hợp lý, hợp tình bằng sự tôn trọng, chia sẻ.

“Cố lên cô giáo, trên đời còn vô số phụ huynh hiểu chuyện để cô thấy tự tin và tự hào về nghề. Nhiều lúc cái khó của nghề tưởng chừng làm chúng ta muốn bỏ cuộc, nhưng khi học trò chúng ta tiến bộ, ta sẽ cảm thấy cái nghề này thật tuyệt biết bao. Mong phụ huynh hợp tác hơn để con được tiến bộ”, một giáo viên bày tỏ.

Bài viết cùng chủ đề: