Kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi
Gia đình anh Nguyễn Thành Nghề có truyền thống sống bằng nghề trồng lúa. Hiện nay, anh Nghề đang quản lý 4,7 ha đất canh tác lúa, đồng thời nuôi khoảng 21 con dê cái sinh sản, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 60 đến 85 con dê thịt.
Không chạy theo số lượng hay diện tích lớn, anh Nghề chú trọng vào chất lượng và hiệu quả thực tế.
Trên diện tích 4,7 ha ruộng, anh lựa chọn các giống lúa thơm nhẹ, chất lượng cao, tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ và áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” trong canh tác.
Đây là phương pháp giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới và chi phí sản xuất, đồng thời tăng năng suất và chất lượng lúa.
Bên cạnh đó, anh còn trồng hoa sinh thái ven bờ ruộng nhằm thu hút thiên địch, bảo vệ môi trường tự nhiên, góp phần giảm sử dụng thuốc hóa học.
Nhờ những kỹ thuật tiên tiến và sự cần cù, mỗi vụ lúa cho năng suất từ 7 – 7,5 tấn/ha, mang lại nguồn thu khoảng 500 triệu đồng/năm từ cây lúa.

Không để đất nghỉ sau vụ mùa, anh tận dụng diện tích để trồng hoa màu như bí đỏ, bí đao, bắp… các loại cây gối vụ này cho thu nhập thêm khoảng 170 triệu đồng/năm.
Mô hình “2 trong 1”, vừa trồng lúa vừa trồng màu giúp đất đai được luân canh hợp lý, hạn chế sâu bệnh và cải tạo đất.
Bên cạnh trồng lúa, anh Nghề còn đầu tư vào nuôi dê sinh sản, một hướng đi đang được nhiều nông dân ở Tiền Giang áp dụng nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu và dễ chăm sóc.
Ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng với tinh thần cầu tiến, anh chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả trong và ngoài tỉnh, đồng thời tham gia tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê do Hội Nông dân xã thành lập.
Nhờ tiếp cận được kỹ thuật nuôi mới, cách phòng bệnh và quy trình chăm sóc hiệu quả, đàn dê của anh ngày càng phát triển ổn định. Trung bình mỗi năm, đàn dê sinh sản giúp anh xuất bán từ 60 đến 85 con dê thịt, mỗi con nặng khoảng 30 kg, thu về khoảng 300 triệu đồng.

Ngoài ra, anh còn tận dụng phân dê để bón lại cho ruộng và hoa màu, giúp giảm chi phí phân bón, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.
Từ hộ khó khăn vươn lên khá giả
Nhờ sự chăm chỉ, đổi mới tư duy sản xuất và không ngừng học hỏi, kinh tế gia đình anh Nghề từng bước ổn định và phát triển. Từ chỗ là một hộ khó khăn, đến nay anh đã xây dựng được nhà cửa khang trang, tạo dựng cuộc sống đủ đầy cho gia đình.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn là người tích cực trong các hoạt động xã hội tại địa phương.
Anh hỗ trợ việc làm cho hơn 10 lao động, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và giống cây, con cho nhiều hộ nông dân khó khăn trên địa bàn xã Gia Thuận.
Ngoài ra, anh còn đóng góp vào các quỹ an sinh xã hội, xây dựng đường giao thông nông thôn, quỹ hỗ trợ nông dân, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp.

Khi được hỏi về định hướng tương lai, anh Nghề chia sẻ: “Tôi sẽ tiếp tục học hỏi các mô hình kinh tế giỏi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học và canh tác theo hướng hữu cơ, để nâng cao chất lượng nông sản, tạo ra nguồn nông sản sạch phục vụ xã hội và nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Anh cũng mong muốn có thêm các lớp tập huấn kỹ thuật từ cơ quan chuyên môn, sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến nông, vay vốn ưu đãi, từ đó giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sống và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.
Bà Lê Thị Kim Thư, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết: Mô hình trồng lúa chất lượng cao kết hợp với nuôi dê sinh sản của nông dân Nguyễn Thành Nghề không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế bền vững mà còn tạo ra động lực, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn.
Anh xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, góp phần đưa nông nghiệp Tiền Giang ngày càng phát triển bền vững và hiện đại hơn trong tương lai.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-ty-phu-tien-giang-nuoi-de-trong-lua-kieu-gi-ma-doanh-thu-tien-ty-nam-d1326584.html