Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
109 lượt xem

Nông dân u70 sáng chế máy nông nghiệp, trong 1 giờ có thể xịt được gần 1ha cây trồng

Ngoài 70 tuổi, ông Năm vẫn say mê nghiên cứu, sáng tạo máy móc nông nghiệp hữu ích và làm cầu nối liên kết bà con trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn để xuất khẩu.

36ha sầu riêng, chỉ cần 6 lao động

Đến thăm trang trại sầu riêng rộng hơn 7ha được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Nguyễn Hữu Năm tại xã Long Tân, huyện Phú Riềng (Bình Phước), hầu như ai cũng phải thán phục, bởi năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Năm vẫn không ngừng mày mò nghiên cứu, sáng tạo, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất ứng dụng vào sản xuất. Ông được người dân quanh vùng gọi với tên thân mật “ông Năm sầu riêng”.

Vườn sầu riêng xanh mướt của ông Nguyễn Hữu Năm. Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi ra vườn sầu riêng xanh mướt, ông Năm kể, trước đây ông chủ yếu canh tác vườn bằng phương pháp thủ công, khi công nghiệp phát triển, lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm, chưa kể sức nặng tuổi tác khiến năng suất lao động bản thân ông giảm đáng kể. Để giảm chi phí, nhân công, ông đã tự mày mò, sáng chế ra nhiều thiết bị, máy móc có tính ứng dụng cao.

Chiếc máy cày phun xịt đa năng bên hệ thống lấy nước tiện lợi do ông Nguyễn Hữu Năm sáng chế. Ảnh: Hồng Thủy.

Giới thiệu chiếc máy cày đang tích trữ nước vào bồn để phun thuốc BVTV sinh học cho vườn sầu riêng, ông Năm chia sẻ, đây là sản phẩm ông tâm đắc nhất trong hàng chục sản phẩm ông đã sáng tạo ra. Từ đầu máy cày có gắn máy lạnh trong cabin, giá 140 triệu đồng, ông tự chế thêm 2 phi chứa thuốc gắn trên máy cày, phía sau gắn đầu, tay bơm, quạt gió… để hỗ trợ việc phun thuốc lên cao và phân tán đồng đều thuốc.

Trong vườn, ông cũng bố trí khu vực pha thuốc, sau đó, thuốc sẽ được bơm lên bồn inox cao khoảng 2m, có gắn hệ thống ống nước, khi tài xế điều khiển máy xịt thuốc tới nơi, hệ thông ống nước sẽ dẫn thuốc vào 2 thùng phi ở đầu máy cày, quá trình vận hành hạn chế tối đa việc con người tiếp xúc trực tiếp với thuốc.

Theo ông Năm, dù may mắn được đi tham quan nhiều nước như Nhật Bản, Israel…, được nhìn thấy rất nhiều loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại, nhưng hầu hết chúng không phù hợp với cây sầu riêng, cũng không phù hợp với địa hình của Việt Nam. Từ các kiến thức lượm nhặt trên internet, cùng với sự kiên trì, sai đâu sửa đó, đến nay chiếc máy gần như hoàn thiện nhất và phát huy mọi công năng.

Nhờ các sáng chế, hiện 36ha vừa trồng cao su, vừa trồng sầu riêng, gia đình ông Nguyễn Hữu Năm chỉ tốn 6 nhân công thường xuyên. Ảnh: Trần Trung.

“Ưu điểm của máy xịt thuốc cây trồng đa năng là lượng thuốc tản đều khắp cây, cả mặt trong và mặt ngoài tán lá, giúp cây hấp thụ tốt chất dinh dưỡng cũng như loại bỏ hoàn toàn sâu bệnh, tùy theo địa hình, chỉ trong 1 giờ, máy cỏ thể xịt được gần 1ha cây trồng. Đặc biệt, ưu điểm lớn nhất của máy là mọi công đoạn đều tự động từ khâu pha thuốc, bơm lên bồn, và xịt lên cây đều do máy thực hiện, con người không phải tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc, giúp bảo vệ sức khỏe”, ông Năm nói.

Bên cạnh đó, trong quá trình canh tác cây sầu riêng, ông Năm còn sáng chế ra nhiều giải pháp chăm sóc cây hiệu quả như kéo tỉa cành đa năng, chỉ đơn giản bằng chiếc kéo tỉa trái thông thường, nối thêm cán bằng cây lồ ô độ dài tùy thuộc vào độ cao của cây sầu riêng, đính thêm 1 sợi dây cáp, nhân công có thể đứng dưới đất tỉa cành, trái trên cao, không phải leo trèo như trước. Ông Năm còn biến những chiếc xe gắn máy thành máy cắt cỏ, những hố ủ phân chuồng ngay tại vườn cây…

Ông Nguyễn Hữu Năm nổi tiếng với việc đặc trị được bệnh thối thân xì mủ trên cây sầu riêng. Ảnh: Hồng Thủy.

Nhờ các sáng chế, hiện 36ha vừa trồng cao su, vừa trồng sầu riêng, gia đình ông Năm chỉ tốn 6 nhân công thường xuyên, khi vào mùa cao điểm mới phải thuê nhân công thời vụ. Trong quá trình canh tác, ông Năm cũng luôn học hỏi và ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, do đó trên cùng một diện tích, sản lượng và chất lượng nông sản của ông Năm luôn đạt cao hơn so với các vườn trong vùng.

Nhiều diện tích sầu riêng bị bệnh thối thân xì mủ được ông Năm chữa khỏi. Ảnh: Trần Trung.

“7 năm về trước, tôi đã canh tác theo hướng hữu cơ, quy trình phòng bệnh bằng thuốc sinh học, bón phân hữu cơ để bảo đảm trái cây ngon, an toàn, bảo vệ sức khỏe người trồng và kể cả người tiêu dùng.

Việc chăm sóc cây sầu riêng theo hướng hữu cơ sẽ giúp đất tơi xốp, giữ được hệ vi sinh vật có lợi cho cây trồng trong đất, đặc biệt giúp bộ rễ của cây trồng phát triển mạnh, từ đó kháng được các loại nấm, bệnh gây hại cây trồng. Cách làm này đã giúp trái sầu riêng của tôi tới được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và người tiêu dùng trong nước”, ông Nguyễn Hữu Năm phấn khởi nói.

Đầu tàu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Với suy nghĩ, diện tích trồng sầu riêng lớn, nếu làm theo kiểu “ăn xổi” thì khi sản lượng nhiều sẽ dẫn đến “dội chợ”, phải phụ thuộc vào thương lái. Cùng với sản xuất an toàn, để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, liên kết sản xuất đã và đang trở thành sự lựa chọn của nhiều hộ nông dân. Từ lẽ đó, ông Nguyễn Hữu Năm đã đứng ra vận động người trồng sầu riêng trong vùng thành lập HTX Long Phú. Bước đầu HTX thu hút 12 thành viên với tổng diện tích gần 30ha, trong đó 23ha đang cho thu hoạch.

Những hố ủ phân hữu cơ được ông Năm đặt ngay tại vườn và ứng dụng cơ giới hóa vào phối trộn, phát huy tối đa công năng sử dụng. Ảnh: Hồng Thủy.

Hiện trên 70% diện tích của HTX trồng theo hướng hữu cơ, sản xuất tập trung và phát triển sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Phạm Đình Chung, thành viên HTX Long Phú cho biết, anh có gần 2ha sầu riêng, trước đây anh làm theo kiểu truyền thống, tới kỳ chăm sóc là cửa hàng mua phân về bón là xong. Tuy nhiên, qua thực tế canh tác nhận thấy, việc sử dụng phân bón hóa học, cây chỉ tốt được trong 3 năm đầu, tới những năm tiếp theo cây bắt đầu xuống sức và bị sâu bệnh tấn công.

Từ ngày biết HTX, anh đã tình nguyện tham gia, nhờ được ông Nguyễn Hữu Năm hướng dẫn tận tình từ quy trình đến ghi chép nhật ký sản xuất, hiện mỗi ha sầu riêng đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh 300 triệu đồng/năm.

“Mình làm hướng hữu cơ yêu cầu phải bón phân chuồng số lượng lớn, phòng trừ sâu bệnh hoàn toàn bằng các chế phẩm sinh học nên tốn kém nhiều hơn, nhưng cây phát triển rất tốt, phẩm chất trái cao, ăn ngon, đặc biệt giá bán cao hơn thị trường và được HTX đến tận vườn bao tiêu”, anh Trung phấn khởi nói.

Được biết, HTX Long Phú là một trong các HTX được Sở NN-PTNT Bình Phước chọn làm đầu tàu dẫn dắt sầu riêng Bình Phước xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi Trung Quốc chính thức ký nghị định thư.

Ông Năm chia sẻ bí quyết làm nông nghiệp hữu cho thành viên HTX Long Phú. Ảnh: Trần Trung.

Bày tỏ vinh dự này, ông Nguyễn Hữu Năm chia sẻ, không phải từ bây giờ ông mới chuẩn bị cho mã vùng trồng, mà từ trước ông đã phải chuẩn bị tất cả để đảm bảo theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông cũng đã từng thông qua các đơn vị trung gian để xuất khẩu sầu riêng qua Đài Loan bằng đường tiểu ngạch, đi Campuchia… Hiện nay, sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cơ quan chức năng đã cấp mã số vùng trồng cho tất cả các HTX và người trồng sầu riêng đủ điều kiện, là một trong những đơn vị của Bình Phước được chọn làm thủ tục, bà con ai nấy đều rất phấn khởi.

“Thực ra mà nói, nếu xuất khẩu đúng quy trình của Trung Quốc thì nhiều người dân trồng sầu riêng của mình còn bỡ ngỡ. Thế nhưng, riêng bản thân tôi với nhiều năm canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP thì thấy không khó. Tất nhiên ban đầu còn bỡ ngỡ, sau này khi đi vào quy trình 1 – 2 năm thì rất bình thường. Để làm được quy trình này, mình phải ý thức được mục đích của nó là bảo vệ sức khỏe người trồng và kể cả người tiêu dùng trong và ngoài nước. Là nông dân, mình phải nắm bắt được điều này và phải cố gắng làm theo những gì nhà nước yêu cầu thì mới làm ăn lâu dài được”, ông Nguyễn Hữu Năm chia sẻ.

HTX Long Phú đã sẵn sàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Hồng Thủy.

Hiện đa số vườn sầu riêng của HTX đạt 5 -7 năm tuổi, tổng sản lượng HTX vụ vừa qua đạt trên 400 tấn, dự kiến trong các niên vụ tiếp theo đạt khoảng 1.000 tấn/năm, nếu xuất khẩu tốt, sẽ có nhiều bà con trong vùng xin tham gia, diện tích và sản lượng còn sẽ tăng nhiều. Tới đây, HTX sẽ xây dựng kho đông lạnh để phù hợp với điều kiện của các nhà nhập khẩu.

Bài viết cùng chủ đề: