Nhắc đến vùng đất Lương Tài – Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) là nói đến những khu đồng trũng với nhiều đầm ao nuôi trồng thủy sản. Nhiều nông dân mạnh dạn thử sức với những cây, con giống và kỹ thuật mới để làm giàu từ ruộng trũng.
Đầu năm 2021, sau thời gian dài quanh quẩn với mấy mẫu lúa năng suất thấp, anh Nguyễn Văn Thêm, thôn Phương Thanh (xã Phú Hòa) tính đến việc cần phải thay đổi phương kế làm ăn.
Anh đi một vài nơi có thổ nhưỡng tương tự và được giới thiệu về mô hình trồng sen Nhật lấy củ. Theo đó, cây sen dễ trồng trên các diện tích đất sâu, trũng có nước quanh năm.
Toàn bộ cây sen đều có thể trở thành sản phẩm thương mại như củ sen, bát sen, nhụy sen dùng làm nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm; lá sen dùng để gói thực phẩm…
Anh mạnh dạn chuyển đổi 4 mẫu ruộng sang trồng sen, nuôi cá, đầu tư hơn 200 triệu đồng mua giống sen Nhật từ Đồng Tháp chuyển ra. Sau 6 tháng đưa vào sản xuất, cây sen sinh trưởng tốt, không tốn công chăm sóc hay vật tư phân bón, nếu khéo kỹ thuật có thể cho thu hoạch 1 năm 2 vụ, năng suất đạt 1,2 đến 1,5 tấn/ sào.
Đầu ra của cây sen khá rộng, một số doanh nghiệp và thương lái còn đến ký hợp đồng từ trước với giá từ 30.000đ đến 35.000đồng/kg củ.
Kết thúc năm đầu tiên, tổng diện tích trồng sen cho doanh thu gần 1 tỷ đồng cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và nuôi cá.
Từ thành công của mình, anh thêm mở rộng diện tích trồng sen lấy củ ở một số diện tích ruộng trũng thuê của huyện Gia Bình, thành phố Bắc Ninh và một số tỉnh lân cận, tạo việc làm thường xuyên từ 3 đến 5 lao động, thu nhập từ 9 đến 10 triệu đồng/tháng. Thời gian này, anh đang tiếp tục triển khai các hạng mục kết hợp trồng sen và làm du lịch sinh thái để đa dạng nguồn thu.
Thành danh với những ao cá thâm canh, sản lượng cao nhưng ông Nguyễn Xuân Thu, thôn Đổng Lâm (xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) cũng không ít lần điêu đứng, lúc thì gặp dịch bệnh, khi thì mất giá, thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Thu tích cực tìm hiểu về phương thức canh tác vừa có thể tận dụng được diện tích sản xuất, vừa hạn chế bị ép giá khi thu hoạch ồ ạt. Sau khi được gợi mở từ Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh, đầu năm 2022, ông quyết định đầu tư đưa vào nuôi thử nghiệm mô hình nuôi trai lấy ngọc trong ao nước ngọt.
Ông Thu chia sẻ: “Trước đây, đa phần mọi người chỉ biết tới việc nuôi trai lấy ngọc trong môi trường nước mặn. Tôi đi thăm khá nhiều mô hình để nắm bắt về kỹ thuật cũng như nhận thấy thị trường của loại trai này tiềm năng, giá trị kinh tế cao. Quan trọng hơn, tôi nghĩ nếu mình không dám thử, ngại thay đổi thì khó mà phát triển kinh tế hơn được”.
Hiện trên diện tích ao gần 6.000 m2, ông Thu đang nuôi thả 10.000 con trai lấy ngọc, giá giống 60.000 đồng/con. Đây là giống trai đã được cấy ngọc và thuần dưỡng phù hợp với môi trường ao đất. Do đang thử nghiệm nên ông thả với mật độ thưa, thuận tiện cho quá trình theo dõi hàng tuần, hàng tháng.
Quá trình nuôi, ông được Trung tâm Khuyến nông và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật, con giống. Đến nay, sau 4 tháng thử nghiệm, con trai cho thấy khả năng thích nghi tốt với môi trường ao đất, giúp cải tạo nguồn nước khi trai tự kiếm thức ăn từ lớp phù du trong ao.
Ngoài ra, ông vẫn duy trì thâm canh đàn cá truyền thống trắm, chép, trôi mè… để lấy ngắn nuôi dài, bảo đảm thu nhập cho gia đình. Dự kiến, sau 24 tháng trai sẽ cho thu hoạch 3-4 viên ngọc/con, giá trị kinh tế tăng vượt trội.
Nguồn: Dân việt
- Bỏ phố về quê vì không thể mua được căn hộ 50m2: Ước mơ “an cư lạc nghiệp” khó thực hiện được khi ở thành phố lớn
- Lý Nhã Kỳ: “Tôi có 400 tỷ, 5 két sắt kim cương từ 2 thập kỷ trước, giờ giàu hơn nữa”
- Vĩnh Long: Lão nông sống khỏe, đút túi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng thanh trà ngọt
- Cả họ, cả làng ăn núi ngủ rẫy một tháng, hái cà phê lấy tiền tiêu Tết
- 7 thói quen của người phụ nữ xinh đẹp, làm được 3 điều cũng giúp nhan sắc thăng hạng từng ngày