Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
114 lượt xem

Nuôi đàn “thuỷ quái” to bự tối ngày lặn dưới ao bèo, một nông dân ở Sơn La thu tiền tỷ

Khi đến thăm mô hình nuôi ba ba gai của một nông dân ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, nhiều người ví đây là đàn “thuỷ quái”. Mô hình này có khoảng 700 con ba ba gai nặng từ 20kg trở lên. Nhờ nuôi ba ba gai, nông dân này thu tiền tỷ mỗi năm.

Trong chuyến công tác đến huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, chúng tôi được lãnh đạo huyện Sông Mã đưa đi thăm một mô hình nuôi ba ba gai ở bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Giới thiệu với đoàn công tác, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Sông Mã cho biết: Đây là mô hình nuôi ba ba gai của gia đình anh của anh Nguyễn Mạnh Trung. Đây là một trong những mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của huyện Sông Mã.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (áo trắng), Bí thư Huyện uỷ Sông Mã dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi ba ba gai của anh Nguyễn Mạnh Trung ở bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo Bí thư Huyện uỷ Sông Mã, với giá bán từ 130.000 đến 140.000 đồng/con ba ba gai giống và 600.000 đồng/kg ba ba gai thương phẩm, mô hình nuôi ba ba gai trên địa bàn huyện Sông Mã đã giúp nhiều hộ dân làm giàu, nâng cao thu nhập. Qua đó, góp phần giúp huyện Sông Mã hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Lúc này, anh Trung và gia đình vừa mới bắt được một con ba ba gai đực khủng nặng 22kg ở dưới ao lên để bán cho thương lái.

“Đây là con ba ba gai đực nặng khoảng 22kg. Tuổi của con ba ba khủng này khoảng 13 năm. Sáng nay, phải vật lộn mãi mới đưa được nó lên bờ để ngày mai bán cho khách với giá 600.000 đồng/kg”, anh Trung nói.

Anh Nguyễn Mạnh Trung giới thiệu con ba ba gai đực khủng nặng 22kg với chúng tôi. Ảnh: Tuệ Linh.

Chỉ tay về khu ao nuôi ba ba gai của gia đình, anh Trung cho biết: Hiện gia đình có 7 ao nuôi ba ba gai với diện tích khoảng 4.000 m2. Trong đó ba ba gai bố mẹ khoảng 700 con, trọng lượng trung bình từ 20kg trở lên; ba ba thương phẩm có khoảng 800 con; ba ba gai giống có khoảng 8.000 con.

Khu ao nuôi ba ba gai của anh Trung được phủ kín bèo. Bèo có tác dụng hút chất thải và giữ cho môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm, giúp ba ba gai sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Tuệ Linh.

Anh Trung thông tin: Từ đầu năm đến nay, gia đình đã xuất bán được 5.000 con ba ba gai giống và thu được gần 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí khoảng 180 triệu đồng, lãi hơn 500 triệu đồng.

Đầu ra của ba ba gai giống được anh Trung bán cho khách ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.

Với ba ba gai thương phẩm, đầu năm đến nay, gia đình anh Trung bán được 900kg. Với giá từ 500 – 600.000 đồng/kg, thu hơn 500 triệu đồng. Trừ chi phí, lãi hơn 300 triệu đồng. Đầu ra ba ba gai thương phẩm, anh Trung bán cho các nhà hàng trong tỉnh và Thủ đô Hà Nội.

Toàn bộ phần mai con ba ba khủng của anh Trung có màu vàng óng ả. Ảnh: Tuệ Linh.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi ba ba gai, anh Trung cho biết thêm: Để nuôi thành công ba ba gai, quan trọng là nước phải sạch, nước chảy ra chảy vào liên tục và có đường thoát nước; phía trên phải phủ kín bèo. Vì bèo có tác dụng hút chất thải và giữ cho môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm.

Thức ăn của ba ba gai chủ yếu là dùng một số loại cá xay nhuyễn với cám rồi nặn thành từng viên đắp lên máng bê tông, cốt thép, sau đó ba ba gai sẽ tự lên ăn.

Từ lúc ba ba nở trong trứng đến khi xuất bán thương phẩm phải mất 4 năm nuôi. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo anh Trung, ở miền Bắc chỉ có 2 nơi nuôi được ba ba gai sinh sản, đó là huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La và huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ba ba gai thường để trứng vào tháng 5. Từ lúc mới nở đến lúc xuất bán phải mất 4 năm nuôi, trọng lượng đạt khoảng 4kg/con.

Để ba ba gai có đầu ra ổn định, anh Trung cùng với nhiều hộ dân nuôi ba ba gai đã thành lập HTX Hương Sơn nhằm liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Qua đó, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho cho người nông dân.

Bài viết cùng chủ đề: