Con heo đen là giống bản địa ở xã Sơn Điền (huyện Di Linh, Lâm Đồng). Với chất lượng thịt đặc biệt thơm ngon nên đã thành đặc sản, được thị trường ưa chuộng. Hiện bà con dân tộc thiểu số nơi đây đang mở rộng quy mô chăn nuôi để tạo sinh kế, tăng thu nhập.
Heo dễ nuôi, thức ăn dễ tìm
Là một trong những hộ có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi heo đen bản địa, chị Ka Dổm (thôn Bờ Nơm) phấn khởi cho biết, việc chăm sóc heo đen bản địa khá đơn giản, chủ yếu tận dụng các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như rau lang, cây chuối, sắn, bắp, cám gạo.
Heo đen giống bản địa ít bị dịch bệnɦ, nuôi trong khoảng hơn 6 – 8 tháng có thể xuất chuồng, thông thường heo trưởng thành khi đạt trọng lượng khoảng 30 kg là thịt ngon nhất. Do heo nuôi thả trong môi trường tự nhiên bán hoang dã nên chậm phát triển, bù lại giá thịt tương đối cao (khoảng 130 – 160 nghìn đồng/kg).
Chị Ka Dổm mới vừa xuất chuồng lứa heo 5 con được 20 triệu, tiền bán heo đủ cho gia đình chị trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày và mua phân bón chờ đến mùa cà phê thu hoạch. Hiện tại, gia đình tiếp tục duy trì đàn heo 8 con, trong đó có 1 con heo nái.
Còn anh K’Bổi có gần 10 năm nuôi heo bản địa, mỗi năm thu về hơn 80 triệu đồng từ tiền bán heo giống và heo thịt. Anh K’Bổi cho biết, để nuôi heo, anh đầu tư chuồng trại tại vườn cà phê, xung quanh rào lưới B40 tạo không gian thoáng đãng để heo có thể tự do đi lại.
Nguồn thức ăn cho heo được tận dụng như cám gạo, canh cơm thừa và các loại rau, củ, quả, chuối cây có sẵn trong vườn. Trại heo nhà anh có 2 con heo nái giống, bình quân 1 con nái đẻ từ 10 – 15 heo con mỗi năm, ngoài bán heo giống ra, anh để nuôi thịt, loại heo này thịt rất nạc, thơm và ngọt nên trong các đợt tết, thương lái đến tận nhà mua với giá cao gấp 2 – 3 lần so với heo thịt ngoài thị trường.
“Từ nuôi heo đen, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, cuộc sống dần đổi thay, các con có quần áo và cặp sách mới đến trường, nhà cửa được sắm sửa đầy đủ các vật dụng, như: ti vi, tủ lạnh, xe máy…”, anh K’Bổi cho biết.
Mở rộng quy mô nuôi heo trang trại
Nhiều hộ dân ở Sơn Điền đã lập trang trại với hàng chục con heo như gia đình ông K’Đêm, ông K’Bốp (thôn Con Sỏ)… Từ đây, có thể thấy được cách nghĩ, cách làm của người nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi.
Ông K’Xuân – Chủ tịch UBND xã Sơn Điền cho biết, người dân Sơn Điền sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và có nghề chăn nuôi heo đen truyền thống. Loại heo này có chất lượng thịt thơm ngon, hiện đang được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, trong những năm trước, việc chăn nuôi chủ yếu tự phát, quy mô không ổn định, nuôi theo kinh nghiệm, tập quán chăn nuôi thả rông nên hiệu quả kinh tế không cao và ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân.
Vì vậy, để nâng cao nhận thức, tạo sinh kế cho đồng bào nghèo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương trong việc phát triển giống heo đen, 2 năm trở lại đây, xã bắt đầu khuyến khích người dân tự nhân giống phát triển chăn nuôi quy mô lớn, bảo đảm heo đen trở thành hàng hóa chủ lực, là đặc sản của địa phương.
Từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, UBND xã đã hỗ trợ cho người dân vay để đầu tư chuồng trại, con giống và nhân rộng mô hình. Đồng thời, cử đội ngũ khuyến nông viên tập huấn kỹ thuật chăm sóc và kiến thức phòng, điều trị các bệnɦ thông thường nhằm tiết kiệm chi phí chăm sóc và đàn heo phát triển tốt, nâng cao lợi nhuận cho các hộ chăn nuôi. Hội Nông dân xã thường xuyên đến tận nhà của các hộ nuôi heo để động viên, giúp đỡ và hướng dẫn cách thức chăm sóc và cách phòng, trừ dịch bệnɦ cho heo…
Theo ông K’Xuân, heo đen là một trong những giống heo có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với nhiều điều kiện sống. Ban đầu, người dân chỉ nuôi để phục vụ gia đình, đến nay, trong xã đã có 50 hộ nuôi với hơn 400 con.
“Việc nhân rộng và phát triển mô hình nuôi heo đen bản địa đã làm thay đổi nhận thức của người dân về việc chăn nuôi heo theo hướng chuyên nghiệp để nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập. Đồng thời cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng thương hiệu heo đen Sơn Điền, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân”, ông K’Xuân phấn khởi cho hay.
Nuôi heo đen đặc sản đang tạo sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số ở Sơn Điền. Giống heo bản địa này có sức đề kháng tốt, nguồn thức ăn cũng đơn gian nên phù hợp với điều kiện của người dân vùng núi. Việc mở rộng quy mô nuôi, vừa bảo tồn giống heo đen bản địa và hình thành tư duy sản xuất hàng hóa trong chăn nuôi.
Theo Thương hiệu và sản phẩm
- Đề xuất cán bộ cấp cao được cho thuê nhà công vụ diện tích cao nhất 500m2
- Trẻ em ngày nay "khổ" vô cùng: "Sướng về vật chất nhưng chịu rất nhiều áp lực về tinh thần"
- 6 quy tắc kỳ lạ khiến thiếu nữ thời xưa không bao giờ sợ "ế chồng"
- Thông tin chính thức liên quan tin đồn nghệ sĩ Hoài Linh nhập viện vì đột quỵ, tình trạng nguy cấp
- Thái Nguyên: Nuôi loài bò “vai u thịt bắp, siêu to khổng lồ” anh nông dân thu về hàng trăm triệu