Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
11990 lượt xem

Nuôi mẹ già cùng 2 chị tâm thần, người cha gục ngã khi con trai 10 tháng mắc bệnh nan y: Bán hết ruộng vẫn không đủ tiền chữa!

Từ khi phát hiện mắc căn bệnh hiểm nghèo, Thành Đạt nằm viện nhiều hơn ở nhà, cứ cách 3-4 bữa con lại cùng cha lên BV Nhi đồng Thành phố để điều trị.

“Con mình mà, sao bỏ cho được, có vay mượn, cầm cố nhà cửa anh cũng phải cứu con. Giờ chỉ biết hi vọng những đợt vô hóa chất tiếp theo, phép màu sẽ xuất hiện”, anh Nguyễn Sĩ Phú (38 tuổi) ôm đứa con trai vào lòng, bất lực.

Nguyễn Thành Đạt (10 tháng tuổi) là đứa con trai út của anh Phú cùng chị Phạm Thị Kim Hoàng. Không may mắn như những đứa trẻ bình thường khác, khi được 2 tháng tuổi, Đạt lên cơn sốt, viêm phổi nặng, đến bệnh viện kiểm tra mới biết bé bị chứng thực bào máu (một bệnh lý hiếm gặp và có ảnh hưởng rất nguy hiểm, trẻ mắc hội chứng này thường phát triển nhiều triệu chứng trong những tháng hoặc năm đầu đời như: sốt, lách to, gan to, giảm lượng tế bào máu, bất thường về thần kinh).

8 tháng ròng chạy chữa, hi vọng chợt lóe lên rồi dập tắt, bệnh tình của Đạt mỗi ngày một nặng hơn.

Sau vẻ ngoài kháu khỉnh của Thành Đạt, ít ai biết được cứ vài ngày con lại phải lên BV Nhi đồng để điều trị

“Thằng bé kháu khỉnh lắm, vậy mà…”

Ngồi trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong ấp Nguyệt Trường, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, anh Phú lục lại đống giấy tờ điều trị bệnh thực bào máu của đứa con trai út, nhẩm tính từng ngày đến lần nhập viện tiếp theo của con.

Từ khi phát hiện mắc căn bệnh hiểm nghèo, Thành Đạt nằm viện nhiều hơn ở nhà, cứ cách 3-4 bữa con lại cùng cha lên BV Nhi đồng Thành phố để điều trị.

Quệt những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, anh Phú cho biết khi được 2 tháng tuổi, Thành Đạt đau ốm liên tục, gia đình đưa đi khám ở Trà Vinh không khỏi mới chuyển lên BV Nhi đồng Thành phố. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy Đạt mắc hội chứng thực bào máu trên nền bệnh viêm phổi, rối loạn đông máu, xuất huyết não… Sau một thời gian điều trị, các bệnh nền đã ổn định, riêng chứng thực bào máu vẫn không thuyên giảm.

“Nhập viện Nhi đồng để hóa trị cho bé được 8 tuần, bác sĩ bảo bệnh thực bào máu đã hết. Nhưng đến khi tái khám thì bệnh của con anh tái hoạt lần 2, phải vô hóa trị tiếp…, lần này là 40 tuần mới biết được có hết hay không”, anh Phú nghẹn lời.

Nằm trên chiếc võng xếp say sưa bú sữa bình, Thành Đạt đưa đôi mắt tròn xoe nhìn mọi người, chốc chốc lại múa tay chân, cười đùa cùng cha mẹ. Ít ai biết được đằng sau vẻ ngoài bụ bẫm, đáng yêu kia, con phải từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh quái ác. Mà ngay chính cha mẹ con cũng chẳng biết làm cách nào để giúp con thoát khỏi đau đớn này.

Bà Ba (nội của Thành Đạt) xót xa khi đứa cháu phải chịu nhiều đau đớn

“Lúc trước cứ 2 tuần thì bé lên bệnh viện để hóa trị 1 lần, giờ thì 1 tuần lên 1 lần, cứ ở bệnh viện 4 ngày rồi về nhà 3 ngày, còn hơn 30 lần hóa trị nữa, anh chỉ mong có một điều kỳ diệu đến với con mình”, anh Phú xúc động.

Theo anh Phú, việc vô hóa trị lúc này đối với Thành Đạt là điều kiện bắt buộc để giữ lấy mạng sống cho con, nếu sau 40 lần hóa trị không chịu thuốc, cách cuối cùng là phải ghép tế bào gốc cho Đạt.

Công việc đồng áng, làm thuê của chị Kim Hoàng cũng dừng lại để lo chăm sóc cho Đạt

Cha còn nuôi mẹ già và 2 chị tâm thần, tiền đâu để cứu con?

Lời tâm sự chua chát của anh Phú khi nhắc đến hoàn cảnh của gia đình khiến chúng tôi nghẹn lòng. Với thu nhập chính từ 3 công ruộng, trước khi phát hiện bệnh tình của Đạt, cuộc sống của gia đình anh Phú ổn định, 2 đứa con lớn Nguyễn Quang Đại (11 tuổi) và Nguyễn Hoàng Yến (6 tuổi) đều được cắp sách đến trường.

Tuy phải gồng gánh phần trách nhiệm lo cho người mẹ già 71 tuổi cùng 2 người chị mắc bệnh tâm thần nhưng chưa bao giờ anh Phú than phiền.

Ngồi cạnh 2 đứa con gái không tỉnh táo của mình, bà Lê Thị Ba chua chát khi bản thân bà có 4 người con (3 gái, 1 trai) nhưng cả 2 người con gái lớn đều mắc phải chứng bệnh tâm thần, nửa tỉnh nửa mê khiến cuộc sống của bà chưa một ngày hết khổ.

Ngoài việc lo cho 3 đứa con, anh Phú phải gồng gánh chăm cả mẹ già và 2 chị tâm thần

Nguyễn Thanh Lan (41 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc Điệp (39 tuổi), mấy chục năm qua chỉ biết quanh quẩn ở nhà, mọi sinh hoạt đều do một tay bà Ba lo liệu.

“Con Lan nó đỡ hơn còn tỉnh táo, chứ con Điệp thì khổ lắm, cứ la hét, ngày thì ngủ, tối đến lại đi lang thang để mọi người đi tìm. Mấy năm nay cũng nhờ thằng Phú lo cơm nước, tiền đồ ăn thức uống chứ không có nó, 2 đứa này chết rồi”, bà Ba nghẹn lời.

Cuộc sống vất vả khiến bà Ba nhiều lúc chỉ mong mình chết sớm đi để đỡ gánh nặng cho anh Phú

Theo bà Ba, dù biết một mình đứa con trai không thể nào xoay xở khi vừa phải nuôi con, nuôi mẹ, lại đèo bồng thêm 2 chị gái tâm thần nhưng vì đã lớn tuổi, bà không thể phụ giúp gì thêm.

“Mỗi tháng 2 đứa này có được 405 ngàn tiền trợ cấp xã hội, bà khi trước còn đi lặt hẹ cho người ta, chứ cả năm nay không làm được nữa, chỉ lên xuống phụ nó trông mấy đứa cháu khi đi bệnh viện chữa bệnh cho thằng Đạt thôi. Khổ lắm con ơi, thằng cu nhỏ cứ bệnh hoài, nhìn nó mà bà đau xót lắm”, bà Ba tâm sự.

Để có tiền hóa trị cho Đạt, ngoài khoản dành dụm của 2 vợ chồng mười mấy năm trời, anh Phú còn đi vay mượn bà con hàng xóm (hơn 60 triệu đồng), đất ruộng của nhà cũng phải đi cầm cố để nuôi hi vọng chạy chữa cho Đạt.

“Anh cũng không biết cầm cự đến khi nào nữa, vay mượn khắp nơi rồi chỉ sợ người ta không cho mình vay nữa. Nhưng thằng bé là con mình thì phải cứu chứ sao mà bỏ được”, anh Phú bật khóc.

Ôm đứa em nhỏ vào lòng, Quang Đại – Hoàng Yến thỏ thẻ tâm sự với em. Tuy mới học lớp 4 nhưng Đại đã phần nào hiểu được mọi chuyện trong gia đình. Những ngày cha mẹ đưa em trai lên TP.HCM nhập viện, Đại trở thành người anh cả cùng bà nội chăm sóc 2 cô cùng đứa em gái.

“Con thích sau này trở thành bác sĩ vì con muốn chữa bệnh cho em con. Con thương em lắm, mỗi lần em bệnh khóc, con cũng khóc theo luôn. Con ước em con khỏe lại, ở nhà đừng có đi bệnh viện nữa…”, Đại nói.

Nhìn những hình ảnh của Thành Đạt, chúng tôi ước rằng có thể làm gì đó để giúp con nuôi hi vọng tiếp tục được sống tiếp, ít nhất là có tiền để chữa bệnh thực bào máu

Trong căn nhà trống, tiếng khóc của Thành Đạt khiến chúng tôi chạnh lòng. Chẳng biết cha mẹ con còn có thể xoay xở thêm bao nhiêu lâu nữa để tiếp tục đưa con đi bệnh viện, hóa trị cho đủ 40 tuần theo liệu trình có sẵn… Và có hi vọng nào cho chứng thực bào máu trong cơ thể con hoàn toàn biến mất.

Mong rằng phép màu sẽ đến với Thành Đạt và cả gia đình anh Phú

Mong rằng thông qua bài viết này, quý độc giả gần xa có thể quan tâm, hỗ trợ gia đình anh Phú để có điều kiện chữa trị cho Thành Đạt, chạy lo cơm ngày ba bữa cho mẹ già cùng 2 chị tâm thần.

Danh mục: Cha

Bài viết cùng chủ đề: