Trong ký ức của nhiều người, hình ảnh ông bà thường gắn với những câu chuyện cổ tích, đồng quà tấm bánh… Sự chăm chút yêu thương của ông bà dành cho các cháu đôi khi còn hơn cả mẹ cha.
Cha tôi là con trai trưởng, nên từ hơn 30 năm nay năm nào cũng tổ chức giỗ. Thường rất nhiều mâm và nhiều họ hàng tới sum họp. Cha có 5 anh chị em, gia đình họ mạc ở Hà Nội lẫn ở quê đông, ai cũng giữ truyền thống trong gia đình.
Đã lâu rồi từ ngày rời quê hương để sống và làm việc ở nước ngoài, tôi không còn dự giỗ ông nội, vì về thăm nhà không trúng ngày. Tôi viết và gửi cha mẹ những kỷ niệm về ông để thay nén hương tưởng nhớ ông, và nhớ lại cả tuổi thơ tôi, luôn thấp thoáng bóng ông nội.
Ký ức ùa về
Tôi nhận ra mình biết thật ít về ông. Ông mất hồi tôi lên 10, còn nhỏ để hỏi han tìm hiểu về những điều không tai nghe mắt thấy. Tôi mang tiếng quê Nghệ An, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cha mẹ bận công việc nên ít có thời gian mang con về.
Ngày xưa, mỗi lần về đường xá xa xôi không đơn giản. Chỉ 300 km, ngày nay đi trong một ngày thì hồi trước đi tàu là hơn 2 ngày, sau đó thêm 100 km đi ô tô từ Vinh về nơi rừng rú. Tàu hồi đó lê thê dừng nhiều hơn đi. Chen b.ẹp r.uột, kín tàu ngổn ngang người nằm ngồi, bao gạo, khoai, sắn khắp nơi, phải ngồi nghiêng. Có lần cha mắc võng vào thanh để hành lý để tôi có chỗ ngủ, phía trên cửa sổ. Con bé gầy gò cứ đập đều đều vào vách tàu theo nhịp rung lắc.
Nhưng tôi rất thích đi tàu, vì tôi có thể ngắm cảnh dọc đường, và nhất là vì tôi không bị say. Nếu đi ô tô thì tôi sẽ say, nôn ọe lử lả từ lúc lên xe tới lúc xuống, nghĩa là 2 ngày tròn. Khi về đến quê tôi nằm bẹp ít nhất 2 ngày nữa, xanh tái dẹt lét như thực vật. Tôi bị v.iêm ph.ổi ngay từ ngày đầu đi nhà trẻ, suýt ch.ết, nên cả tuổi thơ ốm vặt liên miên. Sổ y bạ dày hơn tiểu thuyết ngôn tình.
Hình ảnh tuổi thơ nhớ rõ nhất là nằm ốm một mình chờ cha mẹ về. Nhìn vơ vẩn lên trần nhà mái tranh, vách đất, cảm thấy chiếu cứng ê ẩm dưới người, dần dừ vì sốt. Thời gian như không trôi, nhỏ từng giọt chậm…, vô cùng chậm…, theo tiếng thạch sùng tắc lưỡi. Nhưng kỷ niệm ốm khá ngọt ngào vì có một miếng thịt nạc nhỏ cầm tay mà bình thường theo suất ăn bao cấp hiếm có. Tôi tỉ mỉ tước từng sợi thịt như tước mực khô, một miếng thịt luộc có thể nhấm hàng giờ.
Ốm ở Hà Nội khác ở quê lắm
Đó là cái khác nhau giữa ốm ở nhà ngoài Hà Nội và ốm ở quê. Say xe xong nằm ốm ở quê không có thịt cầm tay. Khoảng trống mênh mông hơn vì căn nhà 3 gian rộng hênh. Vắng đến r.ợn người, ngoài ông bà chỉ là sân vườn mênh mông, vườn chè, rừng rú, mỗi nhà cách nhau một quả đồi, chỉ tiếng chim thi thoảng. Ông nội tính lặng lẽ, ít nói, trông gầy và nghiêm. Tôi hơi sợ ông và không khơi chuyện bao giờ. Chỉ trả lời khi ông hỏi. Mà hồi đó tôi rất ít nói, khi xa nhà, xa bạn bè. Kể cả lúc ở nhà tôi cũng hay lủi thủi chơi búp bê một mình trong góc nhà, vẽ những câu chuyện tưởng tượng trong đầu, đối thoại với chính mình. Vì trẻ con khu tập thể hay bị nhốt trong nhà, chứ thả ra thì tôi cũng ba chân bốn cẳng nhót đi chơi chắt chuyền nhảy dây từ lâu, tôi vốn hiếu động.
Khỏi ốm xong tôi cũng loanh quanh chơi một mình vì phía quê nội ít trẻ con xung quanh. Bọn nó cũng đi chăn trâu cắt cỏ ra đồng hết. Tôi bị cấm đi theo vì sợ ra sông Lam chết đuối, hoặc lên rú lạc đường. Có cha mẹ về cùng còn đỡ, chứ vài lần thả tôi ở quê mùa hè là tôi chỉ biết ngồi đếm từng ngày chờ tới lúc được say xe 2 ngày và ốm 2 ngày nữa để ra Hà Nội.
Lần cuối cùng về quê lâu lúc ra tôi say xe chết đi sống lại. Sẵn có tí vi.rus vi trùng nh.iễm khi đi bế em ở trên dì, tôi đổ bệnh v.iêm g.an v.i trùng. Nằm viện mất hai tháng và khi ra viện bị bác sĩ tuyên án. Bệnh này là bệnh nhà giàu, luôn phải ăn uống đủ, không được lao lực, tránh mọi hoạt động thể chất mạnh. Bác sĩ nói thế làm tôi và cả nhà nghĩ tôi không bao giờ hoạt động mạnh được nữa. Tôi bị rút ra khỏi đội aerobic của lớp, và trong một thời gian khá lâu không được tham gia thể dục – chạy nhảy cho tới khi quên đi, lại hoạt động bình thường. Mẹ cũng giận cha vì lần đó là cha đưa tôi về, nên từ đó tôi không về quê dài ngày lần nào nữa.
Những điều tôi biết về ông thật ít ỏi
Khỏi nói vì thế nên tôi biết rất ít về ông. Tôi còn không biết tên thật của ông. Theo lệ ở quê bố mẹ được gọi theo tên con đầu lòng, là ông bà Liên. Tôi biết ông là y tá vì cha kể và nhiều lần thấy hộp ti.êm của ông. Những ống ti.êm đủ cỡ, hồi đó còn luộc ống ti.êm và kim ti.êm chứ không dùng đồ sử dụng một lần. Thỉnh thoảng ông ra Hà Nội chơi. Tôi nhớ nhất lần đi theo ông ra bách hóa trong khu. Ông đội mũ cối, dáng gầy và khắc khổ. Ông nhặt mua toàn bộ miếng g.an lợn trơ trọi trên quầy đá lạnh heo hắt và cô bán hàng sưng sỉa, mang về cho nhà ăn cải thiện. Tôi ấn tượng vì mọi người ở quê ra thường là nhà chủ sẽ đối đãi ăn uống toàn bộ, nhất là ông bà thì ai đời lại phải tự mua. Ông độc lập và khác hẳn mọi ông bà khác ở quê.
Cha mẹ luôn bảo ông là người rất tiến bộ, luôn coi trọng nhất là việc học hành của các cháu. Ông luôn dạy, nghèo gì thì nghèo cũng phải cho con học ở trường lớp tốt nhất. Ông rất quý mẹ tôi vì mẹ chỉ đẻ 2 đứa, để nuôi dạy cho tốt. Dù lúc đó ở nhà quê mọi người đông con hơn nhiều.
Ông mất lúc tôi 10 tuổi vì u.ng th.ư d.ạ d.ày. Cha tôi, mẹ và anh trai tôi đều về quê nhiều tuần trong những ngày cuối của ông. Chẳng nhớ vì sao tôi không về, có thể vì tôi vẫn còn ốm yếu quá. Khi tang lễ hậu sự cho ông xong, cha rưng rưng bảo tôi. Con ơi, ông di chúc dành lại cho con cái xe đạp. Mấy món đồ khác đều rất nhỏ, chỉ có cái xe là đáng giá nhất. Ông yêu quý vì con ngoan và học giỏi, ông muốn động viên con nhất!
Tôi bàng hoàng không tin nổi. Vì sao ông lại cho tôi, khi ông lúc đó có 11 đứa cháu ruột? Tôi, đứa cháu gái tên còn không ghi trong gia phả vì con gái là ngoại tộc. Tôi, đứa cháu ốm yếu nhất, lặng lẽ nhất, ít gặp ông, ít gần gũi với ông. Và từ đâu đó giờ nhìn lại mới nhận ra, sự ưu tiên đặc biệt ấy, sự động viên công khai ấy, là một phần giúp tôi vượt lên khỏi cô bé lặng lẽ, ốm yếu, đầy những hoài nghi cố giấu về bản thân, thành một người cởi mở tự tin như bây giờ. Cái cởi mở tự tin giúp tôi sống vui và hòa nhập dễ dàng ở mọi nơi trên xứ người, rất quan trọng trong cuộc đời xa Tổ quốc.
Tôi nhìn cha khóc trước bàn thờ ông. Nức nở ào ạt không kìm chế, những giọt nước mắt đàn ông. Không, những giọt nước mắt của một người con mất cha. Tôi chợt nhận ra cha có khuôn mặt và dáng người rất giống ông… Những câu chuyện ông mất như thế nào, đời ông đặc biệt ra sao, giờ ngập đầy, mà tôi sẽ kể ra. Dù vẫn chưa có một tấm ảnh nào của ông sẵn có trong máy để minh họa. Nhưng tôi sẽ kể bằng những kỷ niệm chập chờn trong tuổi thơ và những lời của cha. Với lòng biết ơn người ông đã tin tôi, sau khi đi xa còn cho đứa cháu gái mờ nhạt ốm yếu sự động viên to lớn lúc vào đời.
- Ảnh “đắt giá” về các cửa hàng ở Hà Nội năm 1950
- Những người khôn đều mua chung cư ở, chỉ còn kẻ dại mua nhà đất chịu ẩm thấp, ruồi muỗi, côn trùng đốt
- Cuộc sống nhộn nhịp Sài Gòn – Hà Nội năm 1980
- Bán vội nhà mới mua chuyển sang chung cư vì “ghê sợ” hàng xóm “Chí Phèo”
- 4 “điểm vàng” của một người đàn ông chắc chắn thành công luôn sở hữu