Thổi lên nồng độ cồn vì uống siro hoặc ăn sữa chua nếp cẩm là trường hợp có thể xảy ra trên thực tế, nhưng ít gặp, và vẫn có cách để chứng minh với cơ quan chức năng.
Ngoài rượu bia, chúng ta có thể vô tình đưa cồn vào cơ thể thông qua một số loại đồ uống khác, như coca-cola hay nước hoa quả lên men. Ngoài ra, việc ăn các thực phẩm có lên men rượu như: sữa chua nếp cẩm, nước trái cây lên men; hoặc các món ăn có sử dụng rượu trong quá trình chế biến (tôm hấp bia, thịt sốt vang…); và các loại hoa quả có hàm lượng đường cao (mít, vải, sầu riêng,…) cũng có thể khiến hơi thở xuất hiện nồng độ cồn, dù chỉ ở mức rất thấp.
Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021-NĐ-CP), người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn ở mức trên 0mg/lít khí thở sẽ bị phạt, tức là không có “vùng xanh” như nhiều nước trên thế giới, và mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển ô tô ở Việt Nam hiện nay rất cao.
Việc này khiến nhiều tài xế lo ngại nguy cơ bị “dính án” nồng độ cồn oan. Tuy nhiên, không như với rượu bia, hàm lượng cồn (ethanol) do các loại đồ uống và thực phẩm khác tạo nên trong cơ thể rất thấp và dễ bay hơi, nên sẽ biến mất hoàn toàn chỉ sau một thời gian ngắn (15-30 phút).
Nồng độ cồn trong máu/khí thở phụ thuộc vào cả các yếu tố, như cân nặng của người uống, tốc độ uống, thời gian uống và loại đồ uống. Về mặt khoa học, nồng độ cồn, dù ở mức nào cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thần kinh, gây thiếu tỉnh táo, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn.
Theo tính toán, sau 6-12 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong máu, sau 12-24 giờ vẫn đo được nồng độ cồn trong khí thở, sau 36 giờ vẫn đo được trong nước tiểu, và sau 72 giờ vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.
Với trường hợp nồng độ cồn trong khí thở rất thấp và bạn chắc chắn rằng bản thân không sử dụng rượu bia trong vòng 24 giờ thì có thể nghi ngờ máy đo không chính xác và yêu cầu được kiểm tra lại.
Việc kiểm tra lại nồng độ cồn nên được thực hiện sau khoảng 15-30 phút để đảm bảo hàm lượng ethanol trong khí thở do các loại thực phẩm và đồ uống ngoài bia rượu bay hơi hết.
Nếu thấy bị oan thì tài xế cũng có thể yêu cầu được kiểm tra lại bằng phương pháp xét nghiệm máu.
Dân trí
- Xe điện và những tiềm ẩn rủi ro khi sử dụng
- Giúp con thoát “hội chứng nghỉ hè” bắt đầu năm học mới
- Những tác nhân có ngay trong nhà khiến con dậy thì sớm nhưng nhiều cha mẹ chủ quan
- "Vỡ mộng chung cư": Lấp liếm chuyện căn hộ bị thấm dột, nước bẩn hay phí dịch vụ, pháp lý không rõ ràng…
- Lâm Đồng: Mở mày mở mặt nhờ trồng lan rừng, chàng trai 8X sở hữu thu nhập 200-300 triệu/tháng