Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
109 lượt xem

Phát triển loại hạt "nhiều gai" có công dụng ngăn chặn thiếu máu, lãi vài trăm triệu/năm

Đặc sản hạt dẻ Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) là thương hiệu lâu năm nổi tiếng khắp cả nước. Loại hạt dẻ này không bảo quản được lâu, nên sau khi thu hoạch phải chế biến ngay. Hạt dẻ là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, giàu dinh dưỡng, có công dụng hỗ trợ hình thành hồng cầu, ngăn chặn thiếu máu…

Những năm gần đây nhờ sự quan tâm, đầu tư của địa phương, hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) ngày càng khẳng định được chất lượng và giá trị trên thị trường nông sản Việt.

Thứ hạt đặc sản chế biến nhiều món ngon

Trùng Khánh được mệnh danh là xứ dẻ vì nơi đây có điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu mát mẻ quanh năm, các sườn đồi được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi cùng nhiều dòng sông, con suối cung cấp nguồn phù sa và nước tưới dồi dào, thích hợp cho cây dẻ sinh trưởng, phát triển.

Mùa dẻ Trùng Khánh rơi vào tháng Chín, tháng Mười âm lịch hằng năm. Độ cuối thu là thời điểm hạt dẻ bắt đầu chín rộ, tách vỏ và tự rụng xuống gốc báo hiệu mùa thu hoạch đã đến.

Hạt dẻ Trùng Khánh vỏ dày cứng, màu nâu tươi, nhiều lông tơ, bên trong là lớp vỏ lụa mỏng bao lấy nhân vàng ươm.

Mỗi quả dẻ có từ 3 – 4 hạt to bằng ngón chân cái. Loại hạt dẻ này không bảo quản được lâu, chỉ để được chừng một tháng nên sau khi thu hoạch phải chế biến ngay.

Hạt dẻ là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, mang đậm bản sắc ẩm thực của đồng bào dân tộc miền núi.

Một số món ngon từ hạt dẻ như: xôi hạt dẻ, cốm hạt dẻ, bánh hạt dẻ, chân giò hầm hạt dẻ…Chắc hẳn bất cứ du khách nào từng thưởng thức đều không thể quên vị ngọt bùi, mềm bở và hương thơm nồng nàn của hạt dẻ Trùng Khánh.

Đặc biệt, hạt dẻ Trùng Khánh đã lọt vào “Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam” do Hội đồng Thẩm định Top Việt Nam, Viện Kỷ lục Việt Nam bình chọn.

Hạt dẻ Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) ngày càng khẳng định được chất lượng và giá trị trên thị trường.

Hiện nay, huyện Trùng Khánh có trên 240 ha trồng cây dẻ, trong đó có hơn 170 ha cây dẻ đã cho thu hoạch hạt. Cây dẻ được trồng tại nhiều tại các xã: Chí Viễn, Ngọc Khê, Ðình Minh, Phong Châu, Ðình Phong…

Sản lượng hạt dẻ của huyện Trùng Khánh hằng năm ước đạt trên 100 tấn, giá bán hạt dẻ trung bình từ 100.000 – 150.000/kg.

Thương lái vào vườn đặt tiền trước mua hạt dẻ Trùng Khánh
Cây dẻ đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân huyện Trùng Khánh, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình trồng cây dẻ lấy hạt.

Hạt dẻ Trùng Khánh vốn nổi tiếng thơm ngon, nhưng sản lượng hạt dẻ thu được hằng năm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Thay vì bán tại các chợ phiên, hạt dẻ Trùng Khánh được thương lái đến thu mua tận vườn theo đơn đặt hàng trước.

Bà Nguyễn Thị Nụ, chủ quầy kinh doanh hạt dẻ tại chợ Xanh (Thành phố Cao Bằng) cho biết: Vào mùa hạt dẻ Trùng Khánh, nhiều khách hàng nhờ tôi tìm mua hạt dẻ Trùng Khánh để làm quà, nhưng năm nay dẻ mất mùa nên rất hiếm.

Để phát huy thế mạnh cây dẻ, đưa hạt dẻ trở thành sản phẩm hàng hóa mũi nhọn của địa phương, trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng, huyện Trùng Khánh có nhiều giải pháp để mở rộng diện tích cây dẻ, trong đó có việc phát triển vùng sản xuất tập trung nhằm đưa thương hiệu hạt dẻ vươn xa ra ngoài tỉnh. Thực hiện Đề án Nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn năm 2030, UBND tỉnh Cao Bằng xây dựng Kế hoạch phát triển cây dẻ Trùng Khánh, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu hình thành vùng sản xuất tập trung cây dẻ có quy mô 1.000 ha.

Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, phát triển diện tích trồng mới 900 ha cây dẻ, cải tạo, trồng thay thế 100 ha dẻ hiện có; cây dẻ giống đưa vào sản xuất, sử dụng 70% cây giống nhân bằng phương pháp ghép, 30% cây giống được nhân bằng hạt…

Cũng theo Đề án, diện tích trồng cây dẻ của các xã trong vùng sản xuất tập trung như: thị trấn Trùng Khánh, Đình Phong, Phong Châu, Chí Viễn, Khâm Thành, Đàm Thủy, Ngọc Khê bình quân đạt 25 ha/năm/xã. Đồng thời, khai thác mô hình du lịch sơn thôn mùa dẻ, phát triển cây dẻ gắn với quảng bá khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao.

Du khách tham quan, trải nghiệm hoạt động thu hoạch và nướng hạt dẻ ngay tại vườn ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Hiện nay, cây dẻ ở Trùng Khánh vẫn được bà con trồng theo lối quảng canh, năng suất thấp. Để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất, tỉnh, huyện chú trọng hỗ trợ bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây phát triển tốt, nâng cao sản lượng và chất lượng hạt dẻ…

Nhân rộng diện tích cây dẻ gắn với phát triển du lịch cộng đồng
Địa phương có lộ trình hỗ trợ mỗi xã trọng điểm xây dựng 1 hợp tác xã sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm từ hạt dẻ như rượu, bánh kẹo… Đồng thời, thiết lập quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hạt dẻ Trùng Khánh”.

Xây dựng chuỗi liên kết, kênh bán hàng hạt dẻ tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh; tổ chức đưa sản phẩm hạt dẻ tham gia sàn giao dịch nông sản trong tỉnh và một số thành phố lớn; quảng bá thương hiệu gắn với du lịch, bán hàng qua mạng, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội nhằm thu hút khách hàng trong và ngoài nước.

Đề án cũng tăng cường các hình thức liên doanh, liên kết, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ các sản phẩm từ cây dẻ.

Vườn dẻ của chị Nguyễn Phương Thảo, xóm Bản Đà, thị trấn Trùng Khánh có khoảng 50 cây dẻ. Năm được mùa, mỗi ngày vườn dẻ cho thu hoạch khoảng 200 kg hạt với giá bán 150.000 đồng/kg.

Chị Thảo chia sẻ: Nhận thấy lợi ích kinh tế và làm du lịch từ cây dẻ. Hằng năm, vào mùa hạt dẻ gia đình tôi lại mở vườn cho du khách đến tham quan, trải nghiệm hoạt động thu hoạch và nướng hạt dẻ ngay tại vườn. Dịch vụ du lịch vườn dẻ này thu hút đông đảo khách du lịch, góp phần quảng bá thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh vươn xa.

Hy vọng bằng những giải pháp thiết thực, cây dẻ Trùng Khánh sẽ sớm trở thành cây kinh tế mũi nhọn, góp phần giảm nghèo cho bà con và đưa thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh vươn xa, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của huyện nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung.