Với độ hot của “Đào, phở và piano”, trong buổi giao lưu với Dương Thụ và Đặng Nhật Minh, đạo diễn Phi Tiến Sơn xúc động khi bộ phim của mình được quan tâm. Nhưng theo ông, gọi “Đào, phở và piano” là “hiện tượng gây hiệu ứng phòng vé” thì hơi quá.
– Điều gì khiến ông quyết định làm bộ phim do nhà nước đặt hàng – “Đào, phở và piano”?
Với tôi, làm phim “Đào, phở và piano” không xuất phát từ việc Nhà nước đặt hàng mà bởi tình yêu với Thủ đô. Vì vậy tôi đã viết kịch bản này, qua nhiều khâu cũng xin được kinh phí làm phim do Nhà nước đặt hàng.
Thú thật, tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bản thân luôn thầm hứa phải làm gì đó vì Hà Nội. Tôi thấy mình có một món nợ với mảnh đất này. Nếu không vì sự thôi thúc, tôi đã làm phim khác kiếm được nhiều tiền hơn.
– Dù đang ở Mỹ nhưng chắc hẳn ông cũng biết rằng bộ phim hiện đang rất hot tại Việt Nam; được gọi là “hiện tượng phòng vé”?
Qua bạn bè và mạng xã hội biết được phim của mình đang rất hot. Tôi rất bất ngờ và xúc động vì sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đối với bộ phim lịch sử “Đào, phở và piano”. Nhưng nếu gọi đây là “hiện tượng, gây hiệu ứng phòng vé” thì có vẻ hơi quá lời. Bởi theo tôi, sự thành công, lan tỏa của bộ phim đến từ tiềm thức dân tộc, tiềm thức yêu nước, tiềm thức quan tâm lịch sử đã có sẵn và chúng tôi – ekip phim là chất xúc tác để công tắc đó bật lên, gọi là đốt lên một nén lửa và nó bùng lên được, đó là điều ngoài mong đợi.
Sau sự bùng nổ của “Đào, phở và piano”, tôi nhận được nhiều lời mời của các hãng sản xuất phim tư nhân nhưng tôi không nhận lời, bởi con đường này khó đi.
– Ông có thể nói cụ thể hơn về những khó khăn thực hiện “Đào, phở và piano”?
Khó khăn khi làm phim lịch sử là bắt buộc phải tôn trọng lịch sử. Tuy nhiên, trên thực tế việc ghi nhận lịch sử nhiều khi không hoàn toàn chính xác gây khó khăn cho đội ngũ sáng tạo.
Ví dụ như khi thực hiện phân cảnh người lính thả pháo vào nồi gang để phân tán sự chú ý của giặc, tôi đã mời một cựu chiến binh tới để tham vấn về tình huống này. Tuy nhiên, chính bản thân của người này cũng không thể nhớ chính xác. Các bạn thấy đấy, đến người trong cuộc cũng không nhớ chính xác. Chúng tôi tính toán cần tạo hiệu quả cho hình ảnh và âm thanh. Họa sĩ thiết kế chọn nồi đồng bởi đấy là món đồ đặc trưng của Hà Nội, vừa tạo ấn tượng về âm thanh, vừa gửi gắm được hồn cốt dân tộc. Nếu ai bảo tôi chứng minh thời đấy người dân làm vậy thì tôi chịu.
Không chỉ thế, việc giải trình chi phí và phương án thiết kế bối cảnh, đạo cụ của phim không dễ dàng. Trong khi bộ phim đòi hỏi sự tốn kém trong việc tái hiện không gian đường phố đổ nát vì bom đạn; những chiến lũy được dựng từ giường tủ, bàn ghế… trên phố phường. Ví dụ, khu phố cổ Hà Nội trong “Đào, phở và piano” được dựng hoàn toàn tại một khu đất trống trong doanh trại quân đội ở Vĩnh Phúc. Đội ngũ thiết kế mỹ thuật dựng một con đường với vỉa hè, những bức tường đổ nát, chiến lũy. Họ dựng một số căn nhà rồi phá đổ, vẽ biển hiệu, làm sơn bong tróc và trầy xước cho đúng thời đại. Xe tăng, tàu điện cũng được đặt làm riêng. Chính tôi cũng choáng váng khi nhìn thấy phim trường.
Thế nhưng phim vẫn khó tránh khỏi “sạn”. Đối với những “hạt sạn” khán giả chỉ ra, ví dụ như cục nóng điều hòa lọt vào khung hình, nam đạo diễn mong khán giả thông cảm và thấu hiểu những khó khăn, thiếu sót của các nhà làm phim lịch sử. Bởi việc dựng lại đúng hoàn toàn so với bối cảnh lịch sử không phải điều dễ dàng nên tôi hi vọng khán giả sẽ xem phim với tâm thế rộng mở, chấp nhận những chi tiết ước lệ, sáng tạo nếu nó không phải sai sót quá lớn.
– Nếu so “Đào, phở và piano” với phim ra rạp cùng thời như “Mai” thì có thể thấy sự chênh lệch rõ ràng giữa phim nhà nước và phim thị trường. Theo ông, làm thế nào để phim chính thống tìm chỗ đứng, tiếp cận thị trường?
Phim chính thống và phim thị trường dường như hàng ngày càng xa nhau vì mục đích làm phim khác nhau. Phim thị trường mục đích làm sao để bán càng nhiều vé doanh thu càng cao, có lãi để tái đầu tư. Còn một bên là phim chính thống, phim nhà nước mang yếu tố tuyên truyền, giáo dục, truyền tải thông điệp giá trị,… Thế nhưng cách phát hành lại chưa đến gần khán giả. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để 2 dòng phim này tiến lại gần nhau?
Nói thật thì nhiều nhà sản xuất tư nhân ngại làm dòng chính thống vì sợ đụng chạm hoặc vướng sự thật lịch sử, lo ngại có được duyệt không,… Điển hình như “Đất rừng phương Nam” mới đây chẳng hạn, có vướng mắc vấn đề lịch sử dù không quá lớn nhưng cũng dấy lên làn sóng làm các nhà sản xuất nhụt ý chí.
– Vậy theo ông, phim lịch sử, phim đặt hàng muốn lan tỏa rộng rãi thì vấn đề nằm ở khâu sản xuất hay phát hành?
Với riêng phim Nhà nước, từ khi xóa bỏ bao cấp, Nhà nước chỉ chú trọng khâu sản xuất, còn bỏ lửng khâu phát hành, chỉ giữ lại một rạp quan trọng nhất là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Hiện nay, phát hành phim lịch sử do nhà nước đặt hàng, có thể nói phim “Đào, phở và piano” càng đắt vé, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia càng lỗ. Điều này xảy ra bởi “Đào, phở và piano” là phim nhà nước đặt hàng, mọi doanh thu của phim sau đó sẽ được nộp hết về ngân sách nhà nước và chủ rạp không được chia phần trăm doanh thu.
Đây là lý do “Đào, phở và piano” khó được chiếu trên toàn quốc, chỉ đến khi các rạp tư nhân chủ động làm đơn xin chiếu phim và nộp hết doanh thu vé phim về ngân sách nhà nước, phim này mới được phát hành rộng rãi tại nhiều cụm rạp.
Nếu cứ vận hành theo cách như trên thì vừa tốn công, tốn sức của đoàn làm phim, đồng thời cũng là một ứng xử chưa tốt, phần nào đó coi thường khán giả và lãng phí tiền của Nhà nước. Khán giả là khách hàng. Từ giờ trở đi, tôi nghĩ Nhà nước sẽ để ý khâu phát hành này hơn… Tôi hy vọng các nhà sản xuất phim sẽ thấy được khán giả quan tâm đến lịch sử, quan tâm đến niềm tự hào dân tộc và được Nhà nước động viên, ủng hộ. Từ đó, sẽ có những bom tấn có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa chính trị, ý nghĩa nhân văn cao.
- 5 cách luyện nên đứa trẻ hoạt ngôn, khéo ăn khéo nói có cả thiên hạ
- Xuất hiện “cô đồng ngửi cau” ở Hà Nội, hút hàng triệu lượt xem trên mạng
- Sự thật phía sau sở thích được vợ hôn “chỗ ấy” của đàn ông. Đọc đi để biết chiều chàng
- Trẻ nên thuê nhà ở thành phố, cuối đời về quê ở nhà to
- Cách đặt tên cho con theo phong thủy, 12 con giáp, tứ trụ, thần số học