Những ngày này, khắp nơi ở làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê) luôn rộn ràng, tấp nập. Người nuôi cá hối hả vào mùa tát ao, thả lưới, trong khi nhiều đoàn xe từ khắp các tỉnh, thành đổ về chợ cá chép nằm ngay giữa làng để thu mua.
Rộn ràng nuôi cá tiễn ông Công ông Táo về chầu
Chỉ còn ít ngày nữa đến ngày tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp âm lịch), những ngày này người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đang tất bật xuống ao bắt cá cung cấp ra thị trường.
Gia đình ông Nguyễn Huy Luận, người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề nuôi cá cho biết, năm nay, dịch bệnɦ Covid đã ổn định nên các hộ gia đình nuôi nhiều cá hơn, đạt năng suất cao hơn. Gia đình ông Luận dự kiến thu được hơn 1 tấn cá chép đỏ. Toàn bộ số cá này đã được thương lái đặt hàng trước, sau khi trừ chi phí cho thu nhập hơn 60 triệu đồng, giúp ông đón tết Quý Mão vui vẻ đầm ấm.
Ông Luận cho biết, ngay từ tháng 6 âm lịch hàng năm, gia đình đã bắt đầu thả nuôi cá chép đỏ. Năm nay thời tiết thuận lợi cá phát triển tốt, đạt năng suất khá cao.
Cũng như ông Vui, gia đình ông Nguyễn Công Vui (làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) năm nay nuôi 2 ao cá chép đỏ. Dự kiến nhà ông cung cấp ra thị trường khoảng 2 tạ cá và đã được thương lái đặt mua hết cách đây hơn 1 tháng.
Ngoài ra, ông Vui còn thu gom cá của các hộ trong làng, chở đi bán buôn tại các tỉnh, thành khác như Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Cá khi bắt khỏi ao đưa về bể sẽ được phân thành 2 loại: loại 40 con/kg và loại 50 – 60 con/kg, giá bán tại làng từ 100.000-150.000/kg.
Là thương lái thu mua cá trong tỉnh Phú Thọ, chị Trần Thị Tố Uyên (37 tuổi) đã đến từ sớm để lấy 50kg cá chép đỏ để kịp vận chuyển quãng đường xa.
“Tôi buôn cá đã được hơn 3 năm. Năm nào cũng độ dịp này, tôi cũng đánh xe đến làng Thủy Trầm để chọn mua cá đẹp về bán lại, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Theo như tôi đánh giá, năm nay chất lượng cá có phần nhỉnh hơn, giá cả so với năm 2022 cũng không có gì biến động. Giá cá chép hiện tôi mua 110.000 đồng/kg, càng gần ngày ông Công ông Táo, giá dự kiến sẽ càng tăng” – chị Uyên cho biết.
Để biết về nguồn gốc làng nghề nuôi cá chép đỏ, phóng viên đã tới hộ gia đình ông Bùi Đình Chữ – Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm tìm hiểu. Ông Chữ kể, vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước, người dân xã Tuy Lộc ra sông Hồng chọn các giống cá tự nhiên như cá trôi, trắm, măng, nhồng, chép, mè… về thả vào ao ương nuôi. Quá trình ương nuôi đã lẫn loài cá lạ, tuy thuộc giống cá chép nhưng toàn thân có màu đỏ đẹp, người dân bèn giữ lại nuôi làm cảnh.
Sau đó, đến những năm đổi mới, văn hóa tín ngưỡng truyền thống Tết “ông Công ông Táo” phát triển, người dân trong vùng thấy cá chép đỏ đẹp nên dùng để thay cá chép ta cúng ông Công ông Táo dịp Tết 23 tháng Chạp. Nghề nuôi cá chép đỏ hình thành và dần dần nổi tiếng từ đó.
Cá chép đỏ “vượt” cổng làng ra cả nước
Nhờ nuôi cá chép đỏ, làng Thủy Trầm ngày càng nổi tiếng gần xa. Những ngày tháng Chạp, từng đoàn xe từ khắp các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nội, Thái Nguyên… đổ về đây để thu mua cá.
Có mặt tại chợ cá giữa làng Thủy Trầm, anh Trịnh Văn Quyết ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “3 năm nay, năm nào tôi cũng về đây thu mua khoảng 5 – 6 tấn cá để về cung cấp cho bà con nhân dân trong huyện. Cá chép Thủy Trầm đẹp mắt, khỏe mạnh, có thể vận chuyển được đường dài và được rất nhiều người ưa thích”.
Chính vì nghề nuôi cá chép đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao nên các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn ô, đổi thửa, củng cố xây dựng bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng.
Cuối năm 2017, UBND xã Tuy Lộc đã quyết định thành lập Hợp tác xã Cá chép đỏ và Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm, với mục đích hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh cây, con giống nói chung và con cá chép đỏ nói riêng.
Niềm vui càng nhân lên với người dân Tuy Lộc khi tháng 12/2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ đã công bố và bàn giao văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cá chép đỏ Thuỷ Trầm” cho Hợp tác xã Cá chép đỏ và Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thuỷ Trầm.
Đây là bước tiến lớn, giúp cá chép đỏ Thủy Trầm được chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, là căn cứ pháp lý khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm trên thị trường. Từ đây, người dân Tuy Lộc có thể đẩy mạnh sản xuất, kết nối tiêu thụ, mang cá chép đỏ vượt qua cổng làng, tiếp tục vươn xa.
Năm nay, sản lượng cá làng nghề dự kiến cung cấp ước tính khoảng 50 tấn, đáp ứng nhu cầu mua cá của bà con nhân dân các tỉnh.
- Đứa trẻ sau này có thành công hay không, nhìn từ 4 chi tiết bố mẹ đón con tan học là biết ngay
- Nhà của cha mẹ là nhà của con, nhưng nhà của con chưa bao giờ là nhà của cha mẹ
- Kỳ thú: Những món ăn vỉa hè độc lạ những năm 1991-1992 ở Hà Nội
- 6 điều cha mẹ có thể làm khi con tuổi "teen" bắt đầu biết yêu
- Ông bà ta dặn kĩ: 3 kiểu đàn bà ‘ô uế’, lỡ gặp phải nhớ coi chừng, đừng dây dưa chỉ thiệt