Vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Bà con dân tộc Bru – Vân Kiều đầu tư chăn nuôi lợn rừng và cho thu nhập cao, thoát nghèo.
Bà con nông dân ở xã biên giới Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) chủ yếu thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi Đảng ủy xã Hóa Sơn ra nghị quyết về phát triển chăn nuôi, bà con nơi đây đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi, cuộc sống ngày càng khấm khá.
Anh Đinh Minh Thân (39 tuổi, ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho biết: “3 năm trước, từ nghị quyết phát triển chăn nuôi của Đảng ủy xã Hóa Sơn, tôi được xã hỗ trợ giống lợn rừng…”.
Ban đầu nhà anh Thân không có vốn nên chỉ nuôi được 2 con. Sau đó, anh mạnh dạn vay vốn theo chương trình cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa được 90 triệu đồng rồi đầu tư trang trại, mua thêm đàn lợn rừng…
“Đến nay, tổng đàn lợn rừng của tôi hơn 50 con, mỗi năm thu lãi từ việc bán lợn rừng đạt hơn 100 triệu đồng. Hiện tôi đã thoát khỏi hộ cận nghèo và trả một phần nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa. Thời gian tới, tôi tiếp tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng chăn nuôi lợn rừng”, anh Thân nói.
Còn chị Phan Thị Chỉ (38 tuổi, ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), cho hay: “Từ giống lợn rừng mà UBND xã Hóa Sơn hỗ trợ, tôi tập trung chăn nuôi và tăng đàn. Ban đầu, việc chăn nuôi còn nhỏ lẻ, sau khi bàn với chồng vay vốn để mở rộng chăn nuôi, tôi đã đi vay và tiếp cận được nguồn vốn từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa được 120 triệu đồng. Có vốn trong tay, gia đình tôi làm chuồng trại quy mô hơn, mua thêm vài chục con lợn rừng về thả”.
“Sau 3 năm nuôi lợn rừng, hiện tôi có hơn 20 con lợn rừng, mỗi năm xuất bán lợn rừng tôi lãi gần 100 triệu đồng. Việc nuôi lợn rừng mang lại cho gia đình tôi công việc, thu nhập ổn định và nay đã thoát nghèo, không còn sống nương tựa vào rừng”, chị Chỉ cho biết.
Cả làng vay vốn nuôi lợn rừng
“Vào năm 2015, Đảng ủy xã Hóa Sơn ra nghị quyết về chăn nuôi. Ban đầu, bà con chưa mặn mà lắm, còn sống nương tựa vào rừng. Đến năm 2018, được sự hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo bền vững, như: Chương trình 135, Chương trình 30a…UBND xã Hóa Sơn đã hỗ trợ giống lợn rừng cho bà con.
Không dừng ở việc nuôi nhỏ lẻ, bà con trong xã đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa để làm chuồng trại, mua thêm lợn giống, phát triển chăn nuôi.
Hiện xã Hóa Sơn có hơn 431 hộ chăn nuôi lợn, trong đó, hơn 100 hộ nuôi lợn rừng có quy mô. Trung bình, mỗi hộ dân ở xã Hóa Sơn thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm nhờ việc nuôi lợn rừng” – ông Đinh Hồng Tuyên – Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ.
“Hóa Sơn là một xã biên giới, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây, khi nghị quyết chăn nuôi đi và thực tiễn, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm khá mạnh, đạt gần 10%/năm. Đây là kết quả đáng ghi nhận về sự thay đổi từ nếp nghĩ, cách làm trong công tác xóa đói, giảm nghèo của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây”, ông Tuyên cho biết.
- Hết thời “đánh bắt xa bờ”, nhà đầu tư BĐS quay về khu trung tâm
- Đàn bà có 4 thứ càng nhỏ thì đàn ông càng nghiện
- Hà Nội quy định căn hộ chung cư diện tích 70-100m2 chỉ 3 người ở
- “7 phần cứng rắn, 3 phần cưng chiều”: Quy tắc giáo dục con vô cùng hiệu quả
- 3 loại cây dại từng bị hắt hủi hóa thuốc quý, nên “thủ sẵn” trong nhà phòng khi cần