Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
108 lượt xem

Quảng Nam: Nuôi loài vừa khỏe lại còn đẻ ra tiền triệu, anh công nhân mừng rỡ

“Thỏ hiền lành, dễ thương, lại không mất nhiều diện tích nuôi. Thức ăn thì có sẵn quanh nhà rất dễ kiếm. Nếu so với gà, heo thì nuôi thỏ nhàn hơn mà hiệu quả kinh tế cũng khá tốt”, anh Thương chia sẻ.

Về nhà nuôi thỏ, bỏ làm công nhân

Anh Phạm Tấn Thương (25 tuổi) ở thôn Trung Đàn, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh sinh ra trong một gia đình thuần nông khó khăn. Đi làm công nhân may cho một công ty tại TP Tam Kỳ nhưng trong thâm tâm anh luôn nuôi hoài bão làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Đến năm 2019, anh tình cờ được một người bạn rủ mua giống thỏ Newzealand về nuôi thử nghiệm. Lúc đó, anh cũng chỉ dám mua 2 con về nuôi cảnh. Nhưng bất ngờ, sau vài tháng, thỏ lại sinh sản nhanh. Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loài vật này, anh đã quyết định mua thêm 10 con thỏ để phát triển đàn.

Đàn thỏ đầu tiên bị ốm nhiều, thiệt hại gần hết vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc, anh Thương đã không nản chí mà tiếp tục lên mạng để học hỏi kinh nghiệm, mua thêm sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi về đọc và tìm nơi nhập giống thỏ chất lượng.

Khi đã đủ kinh nghiệm, anh quyết định nghỉ việc ở công ty, về nhà xây dựng trang trại để nâng số lượng thỏ giống lên 100 con. Lần này, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, hệ thống chuồng trại được xây dựng khoa học, đảm bảo vệ sinh nên đàn thỏ phát triển tốt.

Tại địa phương lúc đó rất ít người chăn nuôi loài vật này, vì vậy thỏ bán ra khá được giá, anh Thương đã đạt được những thành công đầu tiên. Tiếp nối thành công đó, mỗi năm anh Thương đều tập trung vốn để tăng dần số lượng thỏ. Đến nay, anh đã sở hữu trại thỏ 350m2 với 100 con thỏ sinh sản và 500 con thỏ thương phẩm.

Loài vật hiền “đẻ” ra tiền

Anh Thương chia sẻ, muốn thỏ luôn khỏe mạnh, người nuôi cần chú ý xây dựng chuồng trại thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Thỏ là loại ưa sạch, nên chuồng trại phải thường xuyên được khử trùng, dọn vệ sinh, không để tồn phân khiến thỏ dễ mắc các bệnh ngoài da.

Bệnh thường gặp ở thỏ là bệnh cầu trùng nhưng chỉ cần cho uống thuốc định kỳ, cân đối lượng thức ăn thì sẽ phòng được. Bên cạnh đó, thỏ rất yếu về đường ruột, nên thức ăn, nước uống phải sạch.

Thức ăn cho thỏ chủ yếu là cỏ, lá… và được bổ sung thêm bột chăn nuôi. Chuồng nuôi được anh Thương thiết kế hệ thống nước tự động để cho thỏ uống.

Hơn nữa, người nuôi cần nắm được thời điểm sinh sản, chăm sóc thỏ sau sinh. Chu kỳ mang thai của thỏ kéo dài từ 29-31 ngày, nếu thỏ mẹ mang thai đến ngày 32 thì cần kiểm tra để có biện pháp can thiệp.

“Loài thỏ này rất mắn đẻ, một con đẻ 6-7 lứa/năm, mỗi lứa được 5-8 thỏ con. Nhưng nuôi thỏ sinh sản cũng rất khó vì phải đảm bảo được nhiệt độ và nguồn thức ăn sạch để tránh gây bệnh cho thỏ mẹ và con”, anh Thương nói.

Thỏ con sau khi sinh 30-35 ngày đã có thể cai sữa. Giai đoạn này người nuôi nên quyết định lấy giống hoặc chuyển qua nuôi thương phẩm. Nếu nuôi thỏ thương phẩm thì 55-65 ngày đã có thể xuất bán.

Còn đối với thỏ giống, trại anh thường được nông dân, người đam mê chăn nuôi ở nhiều nơi đến tham quan. Không chỉ cung cấp giống, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc và hướng dẫn tận tình cho người mua.

” Thỏ được bán với giá 90.000-150.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng tôi có thể thu nhập 10-15 triệu đồng, tiền sẽ được xoay vòng liên tục để mua thức ăn, thuốc chăm đàn thỏ”, anh Thương bộc bạch.

Bài viết cùng chủ đề: