Quy hoạch siêu cảng biển Trần Đề tiếp nhận tàu chở hàng đến 160 ngàn tấn

Tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Sóc Trăng đến năm 2030 khoảng hơn 61.500 tỷ đồng, trong đó trên 19.600 tỷ đồng cho hạ tầng hàng hải công cộng, 41.906 tỷ đồng cho các bến cảng kinh doanh dịch vụ.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đã quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cảng cá Trần Đề. Ảnh: INT

Theo đó, cảng biển Sóc Trăng gồm các khu bến Kế Sách, Đại Ngãi, Trần Đề và các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão.

Trong đó, bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề quy hoạch hàng hóa thông qua từ 24,6 – 32,5 triệu tấn, có 1 bến cảng gồm từ 2 – 4 cầu cảng với tổng chiều dài từ 800 – 1.600m, chưa bao gồm cầu cảng chuyển tiếp phía bờ tại cửa Trần Đề.

Cụ thể, gồm bến cảng phục vụ Khu công nghiệp Trần Đề, có 2 cầu cảng tổng hợp, hàng rời với tổng chiều dài 260m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 2.000 tấn, cỡ sà lan, phương tiện thủy trọng tải đến 5.000 tấn phù hợp với tĩnh không công trình vượt sông, đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa từ 1 – 1,1 triệu tấn.

Bến cảng Superdong Trần Đề – Sóc Trăng có 2 cầu cảng hành khách với tổng chiều dài 83m, tiếp nhận tàu cao tốc trọng tải 200 tấn.

Đặc biệt là cảng ngoài khơi cửa Trần Đề, được quy hoạch từ 2 – 4 cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời với tổng chiều dài trọng tải đến từ 800 – 1.600m, tiếp nhận tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 tấn, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 tấn, đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa từ 24,6 – 32,5 triệu tấn.

Ngoài ra còn đầu tư các cầu cảng tiếp chuyển phía bờ tại Trần Đề có quy mô và tiến trình đầu tư phù hợp với quy mô đầu tư bến cảng ngoài khơi theo quy hoạch, nhằm hỗ trợ hoạt động khai thác cảng.

Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 1.331ha, chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics gắn liền với cảng và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 148.486ha.

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Sóc Trăng đến năm 2030 khoảng 61.513 tỉ đồng, gồm vốn đầu tư hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 19.607 tỉ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 41.906 tỉ đồng.

Theo quyết định của Bộ Xây dựng, những dự án ưu tiên đầu tư gồm: Hạ tầng bến cảng ngoài khơi Trần Đề (luồng tàu, đê chắn sóng, cầu vượt biển), khu neo đậu tránh trú bão, đài thông tin duyên hải, hệ thống giám sát hàng hải VTS… Ngoài ra, Sóc Trăng cũng sẽ đầu tư bến cảng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, kêu gọi đầu tư các bến cảng tại khu bến ngoài khơi Trần Đề.

Quy hoạch đi kèm hàng loạt giải pháp khác, như hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác quốc tế…

Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Sóc Trăng thuộc Nhóm cảng biển số 5: gồm 12 cảng biển là cảng biển Cần Thơ, cảng biển Tiền Giang, cảng biển Bến Tre, cảng biển Đồng Tháp, cảng biển An Giang, cảng biển Hậu Giang, cảng biển Vĩnh Long, cảng biển Trà Vinh, cảng biển Sóc Trăng, cảng biển Bạc Liêu, cảng biển Cà Mau và cảng biển Kiên Giang.

Nhóm cảng biển số 5 mục tiêu đến 2030, khả năng lưu chuyển hàng hóa từ 86 triệu tấn đến 108 triệu tấn; hành khách từ 10,5 triệu lượt đến 11,2 triệu lượt; sẽ đầu tư tổng số 85 bến cảng.

 

Nguồn: https://tapchixaydung.vn/quy-hoach-sieu-cang-bien-tran-de-tiep-nhan-tau-cho-hang-den-160-ngan-tan-20201224000030369.html