Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
104 lượt xem

Rộ xu hướng mua đất nghĩa trang "báo hiếu": Nghèo khó cũng “mua trả góp”

Mặc dù chi tiêu trong gia đình còn phải cất lên đặt xuống mọi thứ nhưng nhiều gia đình vẫn quyết tâm mua đất nghĩa trang để cha mẹ hay chính bản thân yên tâm nhắm mắt.

Nghèo cũng phải lo hậu sự

Không chỉ đại gia mới có điều kiện mua đất nghĩa trang “tặng” cha mẹ. Để tạo điều kiện hỗ trợ tối đa đến người cao tuổi, người nghèo, gia đình chính sách, không có thu nhập… các công ty cung cấp dịch vụ nghĩa trang còn cung cấp dịch vụ “mua mộ phần trả góp” khi khách hàng không có điều kiện chi trả một lần.

Như trường hợp của vợ chồng anh chị Hường Thiện (ở Xa La, Hà Nội), bố mẹ anh chị quê ở Huế nhưng mong ước khi nhắm mắt xuôi tay được “nằm” ở công viên nghĩa trang ngoài Bắc để được gần con cháu. Anh Thiện là con một, nhiều lần hai cụ tâm sự rằng, “bằng giá nào cũng phải mua cho kì được “mảnh đất” gần nhà để bố mẹ vẫn còn được gặp con cháu, chứ không được đưa hai thân già vào trong Huế”. Biết mong muốn của bố mẹ là vậy nhưng với đồng lương vợ chồng làm nhà nước cũng khiến anh chị suy nghĩ.

Hai cụ hiện cũng đã gần 80 tuổi, cụ ông bị bán thân bất toại từ hơn một năm nay nên có thể “đi” bất cứ lúc nào vì vậy anh chị phải chuẩn bị tinh thần từ trước. Vậy là dù “nghèo” vợ chồng anh chị cũng phải bươn bả để lo hậu sự cho bố mẹ về sau. Anh Thiện tâm sự: “Bố mẹ sinh thành ra mình, bao năm chăm sóc nuôi dưỡng cho mình rồi lại lo cho các cháu nhiều. Vợ chồng dù có khó khăn, tôi cũng cố gắng tìm chỗ an nghỉ tốt cho bố mẹ. Nghĩa tử là nghĩa tận, việc mua đất xây mộ xuất phát từ lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên thôi mà”.

Nghĩ vậy, vợ chồng anh Thiện đã cố gắng tích góp rồi chạy đôn chạy đáo đi tìm đất cho bố mẹ. Nghe ai mách đất chỗ này “mua” được phần cho bố mẹ, anh chị lại dáo dác đến đặt vấn đề nhưng vì giá cả quá cao, vượt khả năng chi trả của vợ chồng nên đành thôi. Cuối cùng anh chấp nhận phương án mua trả góp ở công viên nghĩa trang tại tỉnh Hòa Bình. Sau gần 2 năm trả góp, đúng tháng Vu Lan vừa rồi anh đã làm thủ tục lấy mộ phần cho cha mẹ trong niềm hân hoan của cả nhà.

Không chỉ con cái đi mua đất nghĩa trang cho cha mẹ, nhiều người cao tuổi cũng tự đi mua mộ phần cho mình. Với tâm nguyện khi sống biết được sau này chắc chắn sẽ nằm cạnh nhau lúc khuất núi, vợ chồng bác Khuê muốn mua một khuôn viên mộ đôi ở công viên nghĩa trang. Tuy nhiên, khi đi thăm quan dù đã rất ưng ý nhưng vì không đủ tiền chi trả phần mộ một lần, vợ chồng bác đành quyết định mua trả góp đất hậu sự. Bác Khuê đặt cọc trước 50% số tiền phần mộ của mình rồi hàng tháng trả góp 1 triệu đồng. Sau khoảng hơn 1 năm, hai bác đã tìm được nơi “an nghỉ” xứng đáng.

“Khi trẻ làm quần quật cố gắng xây dựng được một căn nhà kiên cố để ở, lúc về già thì chỉ mong có nơi yên tĩnh để lo hậu sự. Vợ chồng tôi quê gốc ở Hưng Yên, bao năm đi xa quê rồi không thể lúc chết con cái đưa thi thể về “xí đất” nghĩa trang để chôn được. Các nghĩa trang quy hoạch lại lộn xộn nên tôi tính mua một khu đất mới trong khuôn viên nghĩa trang để con cháu lo hậu sự cho mình sau này. Ở đây họ không bới lên, đào xuống ảnh hưởng đến những ngôi mộ xung quanh. Sống mình còn muốn yên thân huống chi là lúc chết”, bác Khuê cho hay.


Kích cầu bằng… “trả góp”

Mua nhà cõi âm cầu kỳ hơn mua đất ở

Nhiều người quan niệm, mua nhà cõi âm cho cha mẹ không chỉ là cho cha mẹ ở khi đã khuất núi mà “ngôi nhà” ấy còn liên quan rất lớn đến việc làm ăn, học hành của con cháu sau này. Vì vậy, nhiều người đã phải đi lại hàng chục lần, thậm chí thuê thầy phong thủy đi xem thế đất, xem hướng. Có người 2-3 năm mới mua được lô đất ưng ý.

Không kém cạnh các chủ đầu tư dự án bất động sản cho người sống, các chủ dự án công viên nghĩa trang cũng đưa ra nhiều chính sách bán hàng “hấp dẫn” nhằm kích cầu thị trường. Cách đây không lâu, Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu, chủ dự án Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) đã khiến nhiều người bị sốc với “chiêu độc” là bán đất hậu sự trả góp. Hình thức này khi ấy dường như đã đánh trúng tâm lý người có nhu cầu nên chương trình đã thu hút được rất nhiều người cao tuổi tìm hiểu, mua hàng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại công viên nghĩa trang Vĩnh Thạnh có phần linh động hơn trong việc mở rộng đối tượng trả góp khi mua đất nghĩa trang. Không chỉ với người trẻ đi mua để báo hiếu cha mẹ mà người già cũng có thể tự mua trả góp mộ phần cho mình. Đại diện công viên nghĩa trang Vĩnh Thạnh cho biết: “Phần lớn khách hàng khi mua mộ phần cho cha mẹ, người lớn tuổi thường trả một lần do huy động anh em họ hàng nên vấn đề tài chính giải quyết được. Họ quan niệm cái gì nợ được chứ không an tâm khi nợ tiền đất nghĩa trang. Tuy nhiên, cũng có những gia đình không có khả năng chi trả một lần để lo hậu sự cho người thân, chúng tôi áp dụng chương trình trả góp giảm gánh nặng cho họ”.

Theo đó, sẽ có hai dạng hợp đồng trả góp khi công ty chứng minh được khả năng chi trả cho khách hàng. Thứ nhất, với khách hàng trả góp theo sổ tiết kiệm. Khách hàng sẽ đưa ra con số trả góp theo tiền lãi của sổ tiết kiệm. Hình thức này không phải đặt cọc tiền mặt, khi tích lũy hàng tháng trả hết số tiền lô đất, công ty sẽ cấp giấy chứng nhận “sổ đỏ” cho lô đất ấy. Tối đa của chính sách tiết kiệm rơi vào 18 tháng. Với khoản trả góp thông thường, khách hàng phải đặt cọc 20 – 25% hợp đồng, sau phần còn lại trả hàng tháng tùy theo hợp đồng lớn hay nhỏ.

Được biết, khách hàng dù mua bất kì mảnh đất cho dù đắt hay rẻ cũng đều nhận được các dịch vụ trọn gói. Chẳng hạn như chăm sóc mộ hàng ngày như cắt cỏ, thắp hương, lau mộ cho các cụ được mát mẻ… là điều các nghĩa trang truyền thống chưa có được.

Lo hậu sự là chuyện gia đình nào cũng sẽ phải tính đến. Đây có thể coi là một hình thức kinh doanh linh hoạt nhưng cũng đã góp phần giải quyết nhu cầu của nhiều gia đình khi mà quỹ đất nghĩa trang đang ngày càng bị thu hẹp.

Bài viết cùng chủ đề: