Hải Phòng là địa phương có quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng top 5 cả nước, Hải Dương xếp vị trí thứ 11. Cả hai địa phương đều có thế mạnh về phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/04/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên gọi là thành phố Hải Phòng và đặt trung tâm chính trị – hành chính tại thành phố Hải Phòng.
Với nhiều sự tương đồng cùng những tiềm năng, thế mạnh nổi bật của từng địa phương, việc hợp nhất Hải Dương – Hải Phòng có nhiều thuận lợi, tạo thêm động lực, nguồn lực phát triển.
Sau khi hợp nhất, TP Hải Phòng mới có quy mô kinh tế lớn thứ 3 cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội với khoảng 660.000 tỷ đồng; thu ngân sách cũng sẽ đứng thứ 3 với khoảng 140.000 tỷ đồng. Thành phố mới sẽ là một động lực phát triển của đất nước.

Trước ngày “về chung nhà”, TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đều có kinh tế phát triển năng động.
Theo số liệu của Cục Thống kê, quy mô GRDP theo giá hiện hành của Hải Phòng trong 6 năm trở lại đây luôn trong xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2019, GRDP của Hải Phòng ở mức gần 248.417 tỷ đồng thì năm 2024 đã đạt ngưỡng 445.995 tỷ đồng, tăng 79,5% (tương đương tăng 197.578 tỷ đồng), đứng thứ 5 cả nước.
Trong cơ cấu GRDP của Hải Phòng, công nghiệp và xây dựng chiếm 52,6%, dịch vụ 38,49%. Với Hải Dương, công nghiệp và xây dựng chiếm 56,05%, dịch vụ 26,52% trong cơ cấu GRDP.
Trong quý I/2025, kinh tế Hải Phòng vẫn giữ vững phong độ với GRDP tăng 11,07% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 6 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô kinh tế ước tính quý I/2025 đạt 61.360 tỷ đồng, tăng 14,30% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,52%, đóng góp 0,04% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,74%, đóng góp 7,03%; khu vực dịch vụ tăng 9,4%, đóng góp 3,46%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10%, đóng góp 0,54% vào mức tăng trưởng chung.
Với tỉnh Hải Dương, năm 2024, Hải Dương có quy mô GRDP năm 2024 đạt 212.386 tỷ đồng, xếp thứ 11 cả nước về quy mô GRDP.
Trong quý I/2025, GRDP tăng 10,87% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng. Quy mô kinh tế ước đạt 30.192 tỷ đồng, tăng 10,94% so với cùng kỳ năm trước.
Trong lĩnh vực kinh tế, tổng giá trị sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,87%, vượt mục tiêu quý I/2025 là 4%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,01% và khu vực dịch vụ tăng 7,98%.
Ba tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương ước đạt hơn 9.820 tỷ đồng, vượt mục tiêu của quý I (mục tiêu là 9.375 tỷ đồng), bằng 36% dự toán năm.
Hải Dương và Hải Phòng đều là các địa bàn công nghiệp trọng điểm.
Xét về dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Hải Phòng luôn nằm trong top đầu các địa phương thu hút dòng vốn FDI ở nước ta.
Trong khi đó, Hải Dương thu hút 711 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 54,8% so với năm 2023. Trong đó, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 68 dự án mới, tổng vốn khoảng 431 triệu USD.
Tỉnh Hải Dương hiện có 542 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn hơn 10,3 tỷ USD, có nhiều khu công nghiệp lớn như Đại An, Phú Thái, Tân Trường, VSIP, An Phát… đang thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư. Tỉnh đặt mục tiêu đến 2030 phát triển 33 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.661 ha và một khu kinh tế chuyên biệt dọc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Trong khi đó, Hải Phòng luôn nằm trong top đầu các địa phương thu hút dòng vốn FDI ở nước ta. Năm 2024, thành phố này thu hút 118.255,3 tỷ đồng, bằng 120,86% dự toán Trung ương giao, bằng 110,77% so với dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao.
TP Hải Phòng là cửa ngõ xuất nhập khẩu chính phía Bắc với cụm cảng biển nước sâu Lạch Huyện, cảng Hải Phòng cùng hệ thống kho bãi, logistics quy mô quốc tế. Hiện nay, phần lớn hàng hóa sản xuất tại tỉnh Hải Dương đều vận chuyển qua Hải Phòng để xuất khẩu và khoảng 80% nông sản của Hải Dương được lên kế hoạch xuất qua cảng Hải Phòng.
Trung tâm Chính trị – Hành chính thành phố mới được đầu tư quy mô, hiện đại ở TP Thủy Nguyên, nằm ở vị trí trung gian giữa TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương chuẩn bị hoàn thành sẵn sàng đáp ứng yêu cầu làm việc của tổ chức, bộ máy của địa phương khi hợp nhất.
Nhiều chuyên gia đánh giá, sự kết hợp giữa Hải Dương và Hải Phòng được kỳ vọng sẽ tạo ra một vùng kinh tế mạnh mẽ, tận dụng tối đa các lợi thế về hạ tầng, vị trí địa lý và tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối ưu, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích của cả hai địa phương, đồng thời duy trì và phát huy những chính sách ưu việt đã có.
Hải Phòng hiện có diện tích hơn 1.507km2, dân số hơn 2,7 triệu người, trong khi Hải Dương rộng hơn 1.662km2, dân số khoảng 1,97 triệu người. Sau khi sáp nhập tỉnh, đơn vị hành chính mới sẽ có tổng diện tích xấp xỉ 3.169km2 và quy mô dân số lên đến hơn 4,6 triệu người, vượt trội so với phần lớn các địa phương trên cả nước.
Việc hợp nhất, sáp nhập tỉnh Hải Dương và Hải Phòng không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn kết hợp những thế mạnh riêng biệt của từng địa phương, tạo nên một vùng kinh tế tổng hợp với tiềm năng lớn.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/sap-nhap-hai-phong-va-hai-duong-suc-manh-kinh-te-top-3-ca-nuoc-d125890.html