Người ta cho rằng những vấn đề của trẻ phản ánh sự sai lầm trong phương pháp giáo dục của cha mẹ.
Gần đây tôi rất chán nản vì con gái. Thấy con làm bài thi không tốt, tôi muốn đưa đi chơi thư giãn. Con nói bên ngoài có quá nhiều người, chỉ muốn ở nhà. Cuối cùng tôi thuyết phục được con đi dạo ở công viên gần đó, con bám lấy tôi như hình với bóng. Tôi dặn vài câu rồi bảo con đọc thêm sách và xem trước nội dung học kỳ sau, con giận và trách tôi suốt ngày chỉ bắt học, nghe rất chán nản.
Cuối cùng, con bé nói thêm: “Con ghét đến trường, thầy cô và các bạn cùng lớp đều không thích con. Con học không giỏi, chỉ muốn ở nhà và không đi đâu cả”. Nghe xong, tôi như chết lặng tại chỗ, tôi thực sự không hiểu tại sao con gái tôi vốn học giỏi lại chán học và thù địch với thế giới bên ngoài đến vậy. Nếu cứ tiếp tục như vậy, sau này con sẽ làm gì, làm sao hòa hợp với người khác và có được chỗ đứng trong xã hội?
Người ta cho rằng những vấn đề của trẻ phản ánh quan điểm sai lầm trong phương pháp giáo dục của cha mẹ. Lúc đầu tôi không hiểu, nhưng phải đến khi nghe được chia sẻ của ông Đổng Vũ Huy – một giáo viên, blogger nổi tiếng, chia sẻ trong một lần livestream, tôi mới nhận ra: Trẻ em ngày nay được ăn no, mặc đẹp nhưng khả năng chống chịu căng thẳng kém.
Trẻ con ngày nay mong manh hơn bạn nghĩ
Nói về trải nghiệm livestream ban đầu của mình, Đổng Vũ Huy vẫn nhớ như in. Khi đó ông chưa nổi tiếng, phòng phát sóng trực tiếp cũng ít người, toàn bộ khu bình luận tràn ngập những bình luận công kích ngoại hình của ông: “Xấu như vậy lại ra ngoài bán hàng, làm ảnh hưởng tâm trạng người khác, ai mà thèm mua”. Đây là lần đầu tiên Đổng Vũ Huy nhìn thấy nội dung như vậy, rất đau lòng. Ông chạy vào nhà vệ sinh điều chỉnh lại tâm trạng, nhìn vào gương lại càng thấy buồn hơn, vì những gì người kia nói đều là sự thật.
Lần đầu bị mắng sẽ cảm thấy khó chịu, lần thứ hai sẽ hơi khó chịu, một thời gian sẽ quen dần. Nhớ lại trải nghiệm đó, Đổng Vũ Huy cho biết bản thân là người “da mặt dày” nên kiên trì đến tận bây giờ.
Nghe xong những chia sẻ, tôi không khỏi khâm phục ông, chẳng trách Đổng Vũ Huy có thể nhanh chóng chuyển từ vai trò giáo viên thành người dẫn chương trình, đồng thời tạo dựng được thương hiệu độc lập của riêng mình. Đằng sau cuộc chiến này tất cả là về tâm lý, xem ai là người cứng rắn nhất.
Trẻ em ngày nay thực sự không giỏi chống chọi với áp lực, chỉ cần vấp ngã một chút là trở nên uể oải, thụ động, mệt mỏi. Nếu nói những lời gay gắt hơn một chút, chúng sẽ tức giận ngay lập tức, hoặc đóng cửa không giao tiếp hoặc bó đi, không liên lạc. Thậm chí, chúng còn đổ lỗi mọi vấn đề cho gia đình, trách bố mẹ không dạy được, không hiểu và tạo áp lực quá lớn cho mình.
Mặc dù môi trường học tập và điều kiện sống hiện nay thực sự rất căng thẳng đối với trẻ nhưng không phải lúc nào điều này cũng là cái cớ để trốn tránh vấn đề. Xã hội tương lai sẽ chỉ trở nên khắc nghiệt và tàn khốc hơn. Dù điểm thi của con bạn có cao đến đâu và có được một công việc tốt, nếu không có đủ khả năng chống chọi với áp lực, nó sẽ bị thế giới đào thải, dù có kiếm được bao nhiêu tiền cũng vô ích.
Nhà vô địch Olympic Đặng Á Bình nói: “Không phải áp lực nào cũng có thể tránh được. Khó khăn, thách thức là điều chúng ta phải đối mặt. Nếu chúng ta trốn tránh mà không giải quyết thì vấn đề sẽ luôn ở đó”. Cuộc sống không như ý và áp lực từ học tập là những vấn đề nan giải mà mọi đứa trẻ đều sẽ gặp phải.
Thay vì đầu tư tiền bạc cho con vào được trường tốt, tốt hơn hết bạn nên giúp con học cách có ý chí kiên cường, kiên trì trước mọi mưa gió, đối mặt với những thử thách và dũng cảm vượt qua khó khăn. Bởi vì con đường phía trước cuối cùng sẽ phải chiến đấu bằng đôi tay và tiến về phía trước bằng cả hai chân của chính mình. Trái tim càng mạnh mẽ thì trẻ sẽ càng tự tin hơn.
Có một câu nói trên Internet: “Từ “da mặt mỏng” đến “da mặt dày”, thực chất là một quá trình trong đó một người dần dần trưởng thành về mặt tinh thần và dần dần nâng cao trí tuệ cảm xúc của mình. Đó cũng là quá trình một người đi từ thất bại đến thành công”.
Mặc dù cha mẹ nào cũng hy vọng con trai hóa rồng và con gái hóa phượng, nhưng tiền đề là phải nuôi dưỡng sự cứng rắn của trẻ, để dù đi đâu, gặp phải vấn đề gì, chúng cũng có thể đương đầu và trở nên mạnh mẽ hơn. Để đạt được mục tiêu này, tôi đã lập ba kế hoạch giáo dục con gái mình:
1. Hãy là chỗ dựa vững chắc và đồng hành khi con gặp khó khăn
Khả năng chịu đựng sự thất vọng thấp không có nghĩa là trẻ không đủ năng lực mà là trẻ cần sự giúp đỡ và hỗ trợ từ người khác, đặc biệt là khi trẻ không có động lực để tiếp tục và mất tự tin trong việc học tập và trưởng thành.
Lúc này, sự đồng hành của cha mẹ là đặc biệt quan trọng. Hãy để con trút bỏ cảm xúc và bày tỏ sự không hài lòng, khó chịu và thất vọng. Khi thấy mình dù có tệ đến đâu thì bố mẹ vẫn luôn quan tâm, yêu thương mình, con sẽ dần yên tâm hơn và không ngại đối mặt với những vấn đề của chính mình. Hãy là nơi trú ẩn an toàn vững chắc cho con bạn. Cảm giác an toàn có thể mang lại bất cứ lúc nào chính là lớp áo giáp mạnh mẽ nhất mà một đứa trẻ có thể mặc.
2. Nói nhiều lời động viên, khẳng định hơn để xây dựng lại sự tự tin cho con
Ngày nay, quá trình trưởng thành của trẻ đầy áp lực và vất vả, là cha mẹ, chúng ta đừng nên nói những lời tiêu cực. Hãy khuyến khích thay vì nản lòng và khẳng định thay vì phủ nhận. Khi con bạn do dự và sợ hãi, hãy học cách dùng những lời nói và hành động ấm áp để xoa dịu trái tim con.
Một cô gái đến từ Hàng Châu làm bài thi không tốt, tâm trạng rất buồn, bố mẹ cô không nói gì mà chuẩn bị những món ăn ngon để khen thưởng, động viên. Nhìn thấy sự bất ngờ này, đôi mắt cô gái lập tức sáng lên. Nhận thức của trẻ về giá trị của bản thân phần lớn xuất phát từ thái độ của cha mẹ. Khi được bố mẹ chấp nhận và thừa nhận với tình yêu thương, trẻ sẽ cảm thấy mình xứng đáng, tự tin hơn để làm những gì mình có thể.
3. Hãy để trẻ chịu khó khăn chúng có thể chịu đựng được
Khả năng chống lại căng thẳng của trẻ giống như một chiếc lò xo, chỉ đàn hồi sau khi được kéo ra. Nếu bạn luôn tạo cho trẻ một môi trường an toàn và không có sự thất vọng, trẻ sẽ chỉ cảm thấy thoải mái và mất đi dũng khí để đón nhận thất bại. Muốn con trở nên mạnh mẽ, chịu đựng được căng thẳng, cha mẹ phải “tàn nhẫn”, sẵn sàng để con chịu đựng áp lực, những thất bại trong khả năng của mình.
Ví dụ, cho con tham gia các dự án thể thao, làm việc nhóm, nếu con thất bại hoặc bị thương, miễn là con có thể tự mình giải quyết thì hãy để con làm. Chỉ khi trải qua mùi vị của thất bại và thất vọng, trẻ mới có thể hiểu được chỗ cần cải thiện và tiến bộ, đồng thời trở nên cứng rắn và mạnh mẽ khi đối mặt với thử thách.
Tất cả các bậc cha mẹ đều biết: Dù có yêu con đến đâu, bạn cũng không thể luôn ở bên con, bảo vệ và chăm sóc con đến hết cuộc đời. Vì vậy, vì lợi ích của trẻ, chúng ta phải tạo cho trẻ một nền tảng phát triển vững chắc để trẻ có thể bình tĩnh giải quyết các tình huống khác nhau. Chỉ khi con cái dày dặn hơn, tinh thần dẻo dai hơn thì cha mẹ mới thực sự yên tâm cho con sống cuộc sống tự do, tự lập.
- Hà Giang: Trồng cây ra củ thẳng đuồn đuột trên đất cằn, thương lái đến “hốt” 60.000 đồng/kg ngay tại vườn
- Nghịch lý: Cha mẹ bao bọc, đáp ứng mọi yêu cầu con lại vô tình tạo ra "những đứa trẻ vô ơn"
- Nên chọn phạm vi lái xe điện phù hợp là bao nhiêu?
- Tìm hiểu Đăng ký xe có mã QR, những điểm người dân cần lưu ý khi xuất trình CSGT
- Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: “Đừng để khi ngoảnh lại con không còn bên mình nữa”