Câu chuyện sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu Trung Quốc tưởng đã “đầu xuôi đuôi lọt” sau khi những lô hàng đầu tiên đã thông quan thuận lợi. Nhưng hiện nay, trái sầu riêng Việt vẫn còn bộ lộ nhiều bất cập.
Nổi cộm là việc cạnh tranh thiếu lành mạnh của doanh nghiệp, dù chưa có cơ sở đóng gói nhưng vẫn vào các khu vực có mã số vùng trồng để tranh mua đẩy giá cao hơn 5.000 – 20.000 đồng/kg khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính lâm vào thế bí.
Doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng bị “ghè đá” vào chân
Những tháng qua, thông tin sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch qua tất cả cửa khẩu của Trung Quốc mang tới niềm vui lớn cho ngành sầu riêng trong nước. Bên cạnh đó là rất nhiều những rủi ro, thách thức trong phát triển bền vững thị trường 1,4 tỷ dân này.
Doanh nghiệp phản ánh đã triển khai vùng trồng và cam kết thu mua sầu riêng với giá cao hơn thị trường từ 1.000 – 3.000 đồng/kg, nhưng trong quá trình buôn bán, những doanh nghiệp không có cơ sở đóng gói lại thông báo thu mua giá cao hơn 5.000 – 20.000 đồng/kg, điều này đã gây nhiễu thông tin trong quá trình mua bán của doanh nghiệp làm ăn chân chính với các HTX, nông hộ.
Tại diễn đàn “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản – thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc” vừa diễn ra, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho biết đến thời điểm hiện tại, diện tích sầu riêng của địa phương đạt khoảng 10.000 ha (trong đó có 7 mã số vùng trồng với khoảng 500 ha) và có 3 mã cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, trong thời gian qua, ngành sầu riêng Đồng Nai còn tồn tại một số thách thức.
Theo thông tin từ các nhà xuất khẩu tại Đồng Nai, dù vẫn là giống sầu riêng Dona nhưng so với giống của Thái Lan, giống sầu riêng đang được gieo trồng tại Đồng Nai vẫn có sự chênh lệch cả về chất lượng, tỉ lệ ăn được lẫn mẫu mã. Cùng với đó, do thiếu thông tin về thị trường nên đầu ra chưa ổn định. Do thiếu các tín hiệu từ thị trường, sản xuất tại Đồng Nai có sự chênh lệch lớn so với nhu cầu của các nước xuất khẩu.
Trong khi ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Vina T&T Group, cho biết tập đoàn lần đầu xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Trong quá trình triển khai theo Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này, Vina T&T đã triển khai các vùng trồng tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước…, cam kết với các hộ dân mua giá cao hơn so với giá thị trường từ 1.000 – 3.000 đồng tùy khu vực và tình hình.
Tuy nhiên, ông Phú nêu vấn đề bất cập trong quá trình buôn bán, các doanh nghiệp không có cơ sở đóng gói thông báo mua giá cao hơn 5.000 – 20.000 đồng, điều này đã gây nhiễu thông tin trong quá trình mua bán của công ty với các HTX, nông hộ.
“Công ty cũng đã có khuyến nghị với nông dân rằng, khi xây dựng được mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, mã này sẽ được bán ra cho doanh nghiệp, được ký xác nhận với chính quyền xã, hộ thành viên và HTX, xác nhận nguồn hàng và được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, ông Phú cho biết.
Gian lận trong sử dụng chứng nhận mã số vùng trồng sầu riêng
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phú thông tin hiện đã sảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng người dân để sử dụng chứng nhận mã số vùng trồng sầu riêng sai mục đích sẽ dẫn tới những hậu quả.
“Hiện tại, có một số doanh nghiệp lợi dụng sự không hiểu biết của người dân, ký giấy ủy quyền để làm mã sử dụng sai mục đích, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc quy hoạch vùng trồng và triển khai cho việc xuất khẩu”, ông Phú nêu vấn đề.
Theo đại diện Công ty Vina T&T, phía công ty hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng miễn phí, hỗ trợ đáp ứng các tiêu chuẩn để vùng trồng đạt chứng nhận VietGAP, đáp ứng yêu cầu phía Trung Quốc. Như vậy, công ty mong muốn nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc liên kết nông dân, HTX với doanh nghiệp.
Liên quan tới vấn đề minh bạch trong quản lý sầu riêng xuất khẩu, ông Trần Văn Thắng, đại diện HTX Nông nghiệp Xanh Krông Pắc, Đắk Lắk kiến nghị cơ quan quản lý kiểm soát chặt mã số vùng trồng để đảm bảo uy tín và chất lượng cho nông sản Việt nói chung và sầu riêng nói riêng. Bên cạnh các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng,… HTX mong muốn tiếp cận được thông tin về nhu cầu của thị trường Trung Quốc như mẫu mã, độ ngọt, màu sắc,…
Thị trường ngày càng khó cần tính đường xa cho sầu riêng Việt
Theo ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính, đây là thị trường không thua kém thị trường Mỹ và châu Âu trong tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng. Những rào cản thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm này rất nghiêm túc và rõ ràng.
“Để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngoài giá cả thì chất lượng sản phẩm cũng cần được nâng cao”, ông Nghĩa cho biết. Theo đó, đại diện Công ty Đồng Giao kiến nghị sớm hay muộn đối với thị trường Trung Quốc sẽ áp dụng kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên chúng ta càng sớm khuyến cáo đến nông dân về tiêu chuẩn phía bạn thì sẽ thuận lợi cho công tác xuất khẩu về sau.
Riêng đối với sầu riêng, ông Nghĩa cho rằng cần xúc tiến cả mặt hàng cấp đông sang Trung Quốc vì giá trị sản phẩm xuất khẩu rất cao. Lúc cao điểm, giá sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc có thể đạt 13.000 – 15.000 USD/tấn sản phẩm.
“Sắp tới khi Trung Quốc bắt đầu kiểm soát được dịch và mở cửa với thế giới, thì nhu cầu trong ngành rau, củ, quả sẽ tăng lên rất cao. Nếu chúng ta sớm đón đầu làn sóng tiêu thụ này thì sẽ rất tốt”, ông Nghĩa cho biết.
Ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, kể từ khi sầu riêng Việt Nam được phép vào thị trường Trung Quốc vào tháng 9 năm nay, sầu riêng Việt Nam đã từng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Tuy nhiên, những tháng sau đó, một số tình huống bất thường xảy ra. Việc xảy ra những tình trạng này rất bất lợi cho sự phát triển lâu dài của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, rất mong phía Việt Nam lưu ý”, ông Bob Wang bày tỏ.
Với kinh nghiệm 15 năm xây dựng thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, TS. Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam hiểu quá ít về thị trường Trung Quốc. Do đó, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết, trước khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào thị trường 1,4 tỷ dân, việc cần làm trước tiên là phải bảo hộ thương hiệu. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi tư duy, không nên bán những gì mình có mà nên nghiên cứu nhiều hơn thị trường mình cần thâm nhập.
Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc đã tạo cơ hội rất lớn cho trái sầu riêng Việt Nam. Không chỉ được lợi khi giá sầu riêng tăng cao, mà người dân và doanh nghiệp còn được tiếp cận và áp dụng quy trình sản xuất đạt chuẩn từ đó nâng cao chất lượng loại nông sản giá trị này. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần ngăn chặn những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh gây ảnh hưởng tới thương hiệu của sầu riêng Việt Nam.
- Đồng Tháp: Thu lãi 2 tỷ đồng/năm khi cho cá chép ăn đồ nhập ngoại để “vỗ giòn”
- Xếp hàng 2 ngày chờ đăng kiểm, sắp được nhận tem thì công an ập vào khám xét
- Trải nghiệm 400 km, đại gia bán luôn Mercedes-Maybach GLS 600: Lãi cả tỷ đồng nhờ biển số đẹp
- Đất ở không thiếu nhưng giá "trên trời": "Người đẻ chứ đất không đẻ" chỉ là lý luận của giới "cò" đất mà thôi.
- Đầu tư hơn 800 tỷ, làm 5 năm không xong 15 km đường