Ba tôi bán đất vườn, người mua đến đặt tiền cọc nhưng sau đó lật kèo, tố ngược bị lừa.
Đọc những bài viết về nạn cò đất làm ăn chộp giật, tôi thấy việc cò rao bán đất kiểu treo đầu dê bán thịt chó, rao nhà đất ở chỗ này nhưng dẫn đi chỗ khác không là gì so với trường hợp của gia đình tôi.
Vài năm trước đây, ở quê tôi rộ lên tin quy hoạch khu công nghiệp nên giá đất tăng vùn vụt. Anh em tôi lập nghiệp ở xa, ba mẹ tôi ở quê đã già nên rao bán 1.200 m2 đất vườn để dành dưỡng già vì ông bà không còn sức canh tác.
Mới rao bán hôm trước thì hôm sau có đến hỏi mua ngay. Ba tôi dắt đi xem đất, họ tỏ vẻ rất hài lòng, ưng ý nên liền làm thủ tục đặt cọc. Do không nghĩ ngợi sâu xa nên lúc làm hợp đồng đặt cọc không có công chứng, hai bên chỉ ký tên điểm chỉ.
Hai bên thoả thuận đặt cọc số tiền 150 triệu đồng, sau một tuần lễ bên mua sẽ thanh toán tất cả số tiền còn lại và bên bán chịu trách nhiệm làm thủ tục sang tên sổ đỏ.
Đến hạn làm thủ tục, từ sáng ba tôi đã ngồi đợi họ đến nhà để cùng nhau đi làm thủ tục. Cứ ngỡ một bên giao tiền, một bên làm thủ tục giao sổ như mong đợi vậy mà từ sáng tới trưa không thấy họ đến, ba tôi gọi điện nhưng không bắt máy.
Vài ngày sau họ đến và bảo rằng ba tôi buôn gian bán dối, đất vườn mà bảo đất ở trong khu dân cư. Họ đòi trả tiền cọc và đền thêm một khoản tiền tương đương, tức tổng cộng 300 triệu đồng. Ba tôi tá hoả, cãi nhau thì họ doạ sẽ kiện ra toà. Vì trong tờ giấy thoả thuận có kèm câu “đất ở trong khu dân cư hiện hữu”.
Bị gài bất ngờ, ba tôi đành hoà hoãn, hẹn họ hôm sau trở lại vì tiền cọc đã dùng vào việc khác, xoay tiền liền không kịp. Hôm sau, anh em tôi về nhà, tranh cãi kịch liệt thì họ mới xuống nước, chỉ đòi lại đúng số tiền đã cọc.
Cũng may tôi có kinh nghiệm nên nhận ra đây là chiêu gài bẫy của họ. Lúc cãi, tôi nói thẳng họ chỉ là cò đất, tranh thủ đặt cọc giữ chỗ để lướt sóng kiếm lời chứ không phải người có nhu cầu thực sự. Khi không tìm được người để sang tay, họ sẽ bẻ kèo và đòi lại tiền cọc bằng cách gài bẫy như vừa kể.
Gia đình tôi cũng chủ quan do hạn chế am hiểu pháp luật cộng với việc không chuyển nhượng, mua bán đất đai thường nên ba mẹ tôi không nắm rõ các quy phạm pháp luật, cũng như không đọc kỹ hợp đồng.
Nếu tôi không hay biết sự việc và không có kinh nghiệm, cộng với việc yếu bóng vía, ba mẹ tôi có lẽ đã đền cọc cho họ vì người dân ở quê rất sợ khi nghe nhắc đến kiện cáo, ra toà.
Với những cơn sốt đất xảy ra thường xuyên như hiện nay, người mua lẫn người bán cần tỉnh táo và cẩn thận khi ký kết giao kèo, hợp đồng. Tốt nhất là tham khảo luật sư, thuê họ làm hợp đồng đặt cọc, đi công chứng… để tránh rắc rối pháp lý. Vì bây giờ chiêu trò nào cũng có thể xảy ra.
- Ngưỡng mộ và cảm phục những mẹ dám nghỉ việc ở nhà nuôi con, vì đó là sự hy sinh!
- Bình Phước: Anh nông dân chọn lối đi riêng với giống bò ta truyền thống, con nào con nấy cơ bắp cuồn cuộn, cao ngang chủ
- Bộ Công Thương: Giá ô tô Việt Nam đắt gấp 2 Thái Lan, Indonesia, chất lượng “thua” xe nhập
- Chàng xe ôm chở miễn phí người già, người khuyết tật suốt 5 năm
- Quan niệm “con gái giống cha giàu bà họ, con trai giống mẹ khổ ba đời” có thật sự đúng?