Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
86 lượt xem

Thả rông trâu bò cho ăn cỏ dại, ông nông dân Gia Lai thu về gần 1,5 tỷ đồng/năm

Ông Huỳnh Văn Ánh, tỷ phú nông dân trú tại xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã có thu nhập hàng tỷ đồng/năm nhờ công việc chăn nuôi trâu bò thả rông.

Từ người nuôi trâu bò thả rông…

Ông Huỳnh Văn Ánh sinh ra và lớn lên tại xã Bình Sa (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Ở vùng quê nghèo, đất cằn sỏi đá, nhà lại ít đất sản xuất nên vào năm 1990, ông đưa cả gia đình vào xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp.

Ở nơi đất khách quê người, ông Ánh cần mẫn khai hoang được 4 ha đất tại xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) để làm trang trại nuôi bò và làm đồng cỏ để bò ăn. Sau đó, ông mua 1 con bò cái của người dân địa phương để về nuôi.

Nhờ chịu thương chịu khó lao động, qua nhiều năm, đàn bò của ông sinh sôi, phát triển nhân lên thành vài chục, rồi vài trăm con. Thời cao điểm năm 2007-2008, đàn bò của gia đình ông có lúc lên đến 700-800 con. Ngoài ra, ông Ánh còn nuôi thêm cả com trâu.

Mỗi ngày, vào khoảng 6h sáng, đàn trâu bò sẽ được ông thả trên cánh đồng cỏ, đến khoảng 17h chiều thì chúng sẽ tự quay trở về chuồng. Ngoài ra vào mùa khô, đồng cỏ khan hiếm thì ông Ánh bổ sung thêm rơm khô cho đàn trâu bò ăn để có chất dinh dưỡng.

Trong chăn nuôi, ông Ánh cũng đặc biệt chú trọng khâu phòng trừ dịch bệnh. Mỗi tuần, ông lại phun khử trùng chuồng trại một lần; 6 tháng/lần lại tiêm vắc-xin phòng chống các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, đau mắt đỏ…Ngoài ra, ông cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát.

Để duy trì công việc, gia đình ông phải thuê thêm nhân công tại địa phương để phụ giúp việc chăm sóc, chăn thả bò.

“Ở xã Ayun này, tôi thấy đồng cỏ khá mênh mông, bát ngát và gần sông suối nên nguồn thức ăn và nước uống luôn dồi dào cho trâu bò. Công việc chăn nuôi cũng khá nhàn hạ nữa. Buổi sáng tôi cứ thả rông đàn trâu bò, đến chiều tối thì chúng tự mò về chuồng. Có một số hôm không thấy chúng về thì tôi vẫn phải đi lùa.

Bên cạnh đó, khí hậu ở đây cũng ở khá mát mẻ quanh năm và không rét buốt như ngoài miền bắc nên việc chăn nuôi cũng thuận lợi. Chính vì vậy, đàn trâu bò của tôi con nào con nấy đều mập mạp, căng tròn”, ông Ánh chia sẻ về công việc chăn nuôi trâu bò.

Hiện tại, trang trại của ông Ánh có khoảng 200 con bò và 50 con trâu và tất cả đều là giống bản địa. Mỗi năm, ông thường xuất bán khoảng 50 con bò và 20 con trâu, giá bán trung bình từ 15-20 triệu đồng/con bò và từ 25-40 triệu đồng/con trâu. Theo ước tính, gia đình ông thu về gần 1,5 tỷ đồng/năm.

…đến ông chủ Hợp tác xã

Không chỉ phát triển chăn nuôi, ông Ánh hiện còn trồng 8ha cây trồng các loại như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, ngô, sắn.

Trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, ông Ánh nhận thấy, nếu chỉ làm ăn đơn lẻ theo hộ gia đình thì sẽ gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi vay vốn, tiêu thụ sản phẩm….Vì vậy, ông đã chủ động tìm hiểu mô hình hợp tác xã rồi đi vận động một số hộ kinh doanh, trồng trọt và chăn nuôi để liên kết lại thành hợp tác xã. Năm 2017, Hợp tác xã Nông – Lâm nghiệp xã Ia Hrú được thành lập với 20 thành viên do ông Ánh làm Giám đốc.

Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, hợp tác xã đã dần đi vào ổn định. Hiện, hợp tác xã đã phát triển và sản xuất một số sản phẩm cung ứng ra thị trường như hạt tiêu đen, dầu đậu nành, cà phê Trung Sơn, gạo Khe Lau…Trong đó, gạo Khe Lau đã được đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh. Mỗi năm, doanh thu của hợp tác xã gần 1 tỷ đồng, qua đó tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người dân địa phương.

Với những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, ông Ánh mới đây được vinh dự là 1 trong 100 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Bình chọn chung khảo Trung ương bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.

Bài viết cùng chủ đề: