Không những mang lại thu nhập ổn định cho các hộ gia đình, mô hình nuôi ong mật tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa còn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường hệ sinh thái.
Hàng triệu cây bần, cây đước, rồi sú vẹt hàng chục năm tuổi đã trở thành môi trường phát triển lý tưởng của các loài thủy sinh và nhất là bầy ong mật đã và đang mang lại thu nhập lớn cho các hộ gia đình.
Giữa hạ, về với cánh rừng ngập mặn xanh mướt trải dài hơn 3 km ở cửa sông xã Nga Tân, huyện Nga Sơn mới thấy được ý nghĩa quan trọng của “lá chắn xanh” trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Thời điểm này, hàng triệu cây bần, sú vẹt… đang đua nhau nở hoa và tỏa hương khắp cả một vùng.
Đây được xem là cơ hội duy nhất trong năm để người dân mang bầy ong mật ra “an cư” trong môi trường phát triển lý tưởng này.
Chuyện nuôi ong quy mô lớn để làm giàu tại miền núi, vùng đồi thì nhiều, song mang hàng nghìn đàn ong đến bãi lầy nơi cửa sông, mép biển có lẽ là mô hình hiếm. Điều này đã được nhiều người dân thức thời ở các xã Nga Tân, Nga Thủy, Nga Thanh triển khai trong ít năm gần đây, cho hiệu quả kinh tế bất ngờ. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, thậm chí làm giàu nhờ liên tục nhân đàn và khai thác mật ong.
Những người tham gia quay mật ong ở đây cho biết, mùa hoa nở rộ là từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, còn lại hoa nở rải rác đến gần hết mùa đông. Những tháng hoa nở nhiều, có khi chỉ một tuần, chủ các đàn ong đã tiến hành quay mật một lần bởi lúc này, mật sản sinh rất nhanh. Những ngày tháng 8 này, tần số quay mật ít dần do chỉ còn phần ít hoa nở muộn.
Chị Trần Thị Yến, một người nuôi ong ở rừng ngập mặn xã Nga Thủy, cho biết: Một đàn ong, trung bình cho thu hoạch khoảng 20 kg mật mỗi năm, với giá trung bình 100.000 đồng/kg. Chỉ cần phát triển 100 đàn, người nuôi ong ở đây đã có thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Ngoài bán mật, nhiều hộ còn nhân đàn mới với giá trên dưới 1 triệu đồng mỗi đàn.
Ở ven khu rừng này, hàng chục gia đình coi việc đặt nuôi ong là nghề chính, là giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế hộ để làm giàu.Đến nay, tổng số đàn ong được nuôi ngay trong rừng ngập mặn nơi đây đã lên tới 2.000 đàn, dự kiến trong thời gian tới, số đàn còn tăng thêm.
Ngoài ra, những hộ nuôi trồng thủy sản của các xã Nga Tân, Nga Thủy cách đó hàng trăm mét, cũng nuôi từ dăm bảy đàn đến hàng chục đàn ong ngay tại trang trại của mình để tận dụng nguồn hoa rừng, góp thêm cho thu nhập gia đình.
- Bán 1.000m2 đất quê để mua chung cư ở thành phố, sau 3 năm hối hận
- Bà Nhân Vlog bất ngờ muốn nhận con nuôi ở Nhật
- Hà Giang: Thuần hóa bò khổng lồ thành ‘cỗ máy in tiền’, nông dân vùng cao thu 3 tỷ/năm
- Hà Nội: Quán trà đá, tiệm hoa tươi tranh thủ bán xăng
- Nên mua “nhà nhỏ” trong ngõ to hay “nhà to” trong ngõ nhỏ?