Người xưa thường nói: “Muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Vậy mà có những thanh niên tốt nghiệp đại học lại cất bằng rủ nhau về quê nuôi vịt. Bị cười chê là những “gã khùng” nhưng rồi thương hiệu vịt đặc sản Cổ Lũng không những được bảo vệ mà còn mở ra cơ hội làm giàu.
Cử nhân đội nón đi chăn vịt
Hà Văn Sinh, trú tại bản La Ca, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa tốt nghiệp đại học. Ở một vùng đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, tốt nghiệp trung học phổ thông đã hiếm, có được bằng đại học như Sinh lại càng hiếm hoi. Nhiều người cứ ngỡ, với bằng cấp của mình, Sinh sẽ bỏ nghề nuôi vịt để tìm đến một đơn vị sản xuất nông nghiệp nào đó đầu quân. Thế nhưng, Sinh vẫn đi tiếp con đường ít ai nghĩ đến, tiếp tục đội nón đi… chăn vịt.
Ngày Sinh quyết định trở về quê lập nghiệp bằng nghề chăn vịt, bố mẹ, người thân đều ngăn cản. Thế nhưng Sinh quyết tâm giữ lựa chọn của mình.
Từ đó, ở Cổ Lũng xuất hiện một thanh niên, dù nắng hay mưa cũng đội nón đi khắp các bản làng “săn” trứng vịt Cổ Lũng. Thời điểm này, việc tìm ra một con vịt Cổ Lũng “nguyên bản” không dễ. Nhưng sau một thời gian đi khắp vùng núi các xã Cổ Lũng, Lũng Niêm, Thành Sơn, Thành Lâm, cuối cùng Sinh cũng sở hữu những con vịt bố mẹ Cổ Lũng chính hiệu. Đem về nuôi, Sinh chăm chút lũ vịt cẩn thận, quan sát từng ngày, chỉ mong sao chúng không sinh bệnɦ và đẻ trứng để đem đi ấp.
Những lứa trứng đầu tiên được Sinh nâng niu, bảo quản cẩn thận sau đó đem ra thị trấn cách hơn chục km, tìm đến lò để ấp. Chúng nở ra nhưng 10 con cũng chỉ được một vài con còn giữ được những đặc điểm của vịt Cổ Lũng như cổ rụt, chân thấp, xương vóc nhỏ…
Thời gian đầu, Sinh cho chúng ăn cám công nghiệp khoảng 1 – 2 tháng, tiêm phòng các loại vacxin. Khi chúng đã được gần 1kg, Sinh đội nón, lùa chúng ra dòng suối Nủa, quan sát cách tìm mồi và xem chúng lớn lên từng ngày. Sinh thấy vui vì đã tìm thấy ánh sáng cho lựa chọn của mình.
Sau nhiều lần chọn lựa, cuối cùng Sinh cũng có được lứa vịt sinh sản như ý. Dần dần, những mẻ trứng mang đi ấp từ hàng chục, lên hàng trăm quả. Quá trình nhân giống, Sinh nhận thấy vịt Cổ Lũng tuy đẻ thưa nhưng trứng to, vịt con có khả năng thích ứng rất tốt với môi trường bản địa. Nếu tuân thủ quy trình nuôi thì tỷ lệ thành công rất cao.
Đàn vịt của Sinh cứ thế tăng dần lên, từ hàng trăm đến hàng nghìn con. Những lứa vịt thương phẩm đầu tiên xuất chuồng, thương lái tranh nhau mua với giá 170 – 190 nghìn đồng/con.
Vịt nuôi đến đâu bán hết đến đó, thương lái đến tận nhà thu mua. Nhiều lúc khan hàng, Sinh không biết phải tìm nguồn từ đâu. Lúc này, Sinh bắt đầu nghĩ đến việc liên kết cùng dân bản nuôi giống vịt bản địa này vừa để cung ứng ra thị trường vừa phát triển kinh tế.
Học theo Sinh, không chỉ các hộ lân cận ở La Ca mà nhiều hộ dân ở Cổ Lũng, Lũng Niêm, Thành Sơn, Thành Lâm cũng mua giống vịt Cổ Lũng về nuôi.
Nếu ở La Ca có Sinh thì ở bản Khuyn có Lục Văn Nam, người tốt nghiệp trường cao đẳng Nông lâm nhưng vẫn về đi… chăn vịt. Đến nay, sau 5 năm khởi nghiệp bằng nghề chăn vịt, Nam đã sở hữu một trang trại vịt hàng nghìn con, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Liên kết nuôi vịt thu lãi 100 triệu đồng/năm
Có những thời điểm, đàn vịt Cổ Lũng trên địa bàn huyện Bá Thước chỉ còn trên dưới 1 nghìn con và chỉ mới phát triển về số lượng từ 4 – 5 năm nay. Đó cũng là thời điểm Hà Văn Sinh nâng quy mô nuôi của mình lên mỗi lứa 200 – 300 con. Để đảm bảo lúc nào cũng có hàng xuất bán, Sinh nuôi gối lứa, mỗi năm cũng nuôi được 5 – 6 lứa, tính ra cũng lãi ròng trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Nhưng vịt gia đình nuôi không đủ cung ứng cho thị trường, Sinh bắt đầu bàn với dân bản cùng nuôi. Để dân bản yên tâm, Sinh cam kết sẽ cấp con giống, thức ăn sau đó thu mua toàn bộ vịt thương phẩm. Sau một vài lứa nuôi thấy lãi, dân bản đã chủ động mua con giống, mua thức ăn, nhờ Sinh hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, kỹ thuật chăm sóc vịt Cổ Lũng.
Sinh cho biết: “Thực ra, nuôi vịt Cổ Lũng cũng không khó. Nó vốn là vật nuôi bản địa nên không cần thời gian thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng. Đăc biệt, nguồn nước suối Nủa ở đây chảy quanh năm, trong vắt, nhiều thức ăn nên vịt chóng lớn, thịt thơm ngon. Ngoài việc tiêm phòng đầy đủ vacxin thì vịt thả trên dòng suối này gần như không có dịch bệnɦ gì đáng kể”.
Theo Sinh, vịt Cổ Lũng thơm ngon, ngoài việc bản thân nó là giống vịt đặc sản thì còn bởi được ăn nguồn thức ăn suối Nủa phong phú đa dạng. Trước đây, dân bản nuôi hoàn toàn tự nhiên, tỷ lệ sống thấp nhưng nay, vịt con được úm, thời gian đầu ăn cám, phòng vacxin đầy đủ nên đủ sức đề kháng, tỷ lệ nuôi sống cao. Khi vịt đạt trọng lượng gần 1kg, người nuôi độn thêm các thức ăn như thân cây chuối thái nhỏ, rau, cỏ với cám ngô, gạo. Đến thời kỳ xuất bán (tháng thứ 5 – 6 trong chu kỳ nuôi), vịt được ăn hoàn toàn tự nhiên bằng thức ăn từ cây chuối, rau rừng, uống nước suối Nủa. Nhiều hộ ở bản La Ca đã sắm máy băm chuối nên nuôi việc nuôi vịt Cổ Lũng ngày càng nhàn.
Để khuyến khích dân bản nuôi vịt Cổ Lũng, năm 2017, Sinh thành lập Hợp tác xã Phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng. Sinh chịu trách nhiệm tư vấn xây dựng chuồng trại, chăm sóc, trị bệnɦ cho các đàn vịt của các hộ xã viên và tìm đầu ra cho vịt thương phẩm. Hợp tác xã hiện có 12 hộ xã viên tham gia, mỗi hộ xã viên bình quân cung ứng ra thị trường khoảng trên 1 nghìn con vịt mỗi năm.
“Nhận nhiệm vụ tìm đầu ra cho vịt thương phẩm cũng có một chút áp lực. Thứ nhất, con đặc sản chỉ thực sự dễ đầu ra khi nuôi với số lượng vừa phải. Nuôi nhiều, nhiều hộ cùng nuôi thì đã thành sản phẩm hàng hóa nên cần có đầu ra ổn định thì dân bản mới yên tâm. Hiện nay, sản lượng bán ra đều đặn mỗi ngày trên dưới 100 con, cũng đang dễ bán, được các nhà hàng du lịch ở Bá Thước hay thành phố Thanh Hóa đặt mua”, Sinh tâm sự.
Từ chỗ bị mai một, đặc sản vịt Cổ Lũng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở địa phương. Những cử nhân “khùng” cũng đã tạo lập cơ nghiệp từ chăn vịt đồng thời mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân ở quê nhà.
- Dân thành phố không thể sống ở quê: Ngày lễ về chơi thôi mà như hành xác vì quê quá bẩn
- Mua đất 38m2, tôi hối hận khi xây nhà nhiều tầng vì các rủi ro "khó lường"
- 4 mẫu phụ nữ lý tưởng luôn hấp dẫn đàn ông dù ở bất kỳ độ tuổi nào
- Vì sao nói: Ông bà cha mẹ “chịu thiệt” 3 phần, con cháu hưởng phúc 7 phần?
- Bậc phụ huynh nên nhớ rằng: không nói 3 điều sau mới là tốt cho con cái