Lần theo dấu ong giữa rừng tràm
Theo chân nhóm thợ săn ong của anh Huỳnh Thanh Phương ở xã Hồ Đắc Kiện (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), chúng tôi được tận mắt chứng kiến hành trình gian nan tìm kiếm và thu hoạch tổ ong vò vẽ. Để vào rừng, nhóm thợ phải di chuyển bằng ghe xuyên qua những con kênh nhỏ. Nhờ kinh nghiệm quan sát đường bay của ong, họ nhanh chóng xác định được vị trí tổ.
“Ong bay lên xuống nhiều thì tổ ở gần. Bay thẳng, bay chậm là đang đi kiếm ăn. Còn bay loạn xạ thì tổ có thể đã bị người khác lấy rồi”, anh Phương chia sẻ.
Sau khi phát quang bụi rậm và xác định tổ ở tầm thấp, cả nhóm mặc đồ bảo hộ cao su kín mít từ đầu đến chân để tránh bị đốt. “Ong vò vẽ rất dữ, nếu đốt có thể gây sốc, nguy hiểm đến tính mạng nên phải bảo hộ. Mà mặc đồ này nóng như ở trong lò xông hơi”, anh Phương nói.
Tiếng động của nhóm nhanh chóng thu hút sự chú ý của đàn ong, chúng túa ra bay thẳng vào nhóm. Với thao tác nhanh gọn, chỉ chưa đầy 5 phút, nhóm đã thu hoạch xong tổ ong và rút lui an toàn. Khi đã cách xa khu vực nguy hiểm, họ mới dám cởi đồ bảo hộ, gương mặt ai nấy đều lấm tấm mồ hôi.
“Chúng tôi tuyệt đối không dùng lửa hay khói để tránh nguy cơ cháy rừng, nhất là mùa khô. Tổ nhỏ thì chừa lại, chỉ lấy tổ lớn để duy trì nguồn ong”, anh Phương cho biết.
Anh Phương chia sẻ, mùa săn ong vò vẽ kéo dài từ tháng 6 đến cuối tháng 12 âm lịch. Trung bình mỗi ngày nhóm thu được 4-7 tổ, mỗi tổ nặng từ 2-3kg, tổ lớn có thể tới 5kg.

Trong nhóm còn có chị Nguyễn Thị Nhanh – người phụ nữ duy nhất. Dù không phải nghề chính, nhưng chị thường theo nhóm vào rừng cuối tuần. “Sống cạnh rừng từ nhỏ, thấy các anh đi hoài rồi mình mê. Ban đầu mặc đồ bảo hộ không quen nóng không chịu nổi, có lần còn bị ong đốt, nhưng đi có thêm thu nhập thì vui”, chị cười nói.
Chuyển mùa săn mật ong rừng
Anh Nguyễn Chí Thanh – một thợ chuyên làm nghề lấy mật ong rừng – cho biết, từ tháng 11 đến khoảng cuối tháng 4, khi rừng tràm vào mùa hoa, nhóm lại chuyển sang khai thác mật ong rừng vì đây là thời điểm cho mật chất lượng tốt nhất.
“Ong thường làm tổ trên cây lớn, có cành ngang, thoáng gió. Nhìn hướng ong bay là có thể đoán được vị trí tổ”, anh Thanh chia sẻ.

Anh Thanh cho biết để lấy mật, thợ dùng khói nhang xua ong bay đi. Ong ruồi hiền, gặp khói là bay, không cần bảo hộ nhiều. Nhưng với ong mật dữ hơn thì cần mang găng tay, áo dài tay và che kín mặt. Ngoài ra, thợ phải biết chừa lại phần tổ để ong sinh sản tiếp, bảo vệ nguồn mật lâu dài.
“Ong xây tổ rất nhanh. Sau 20 ngày đã có thể cho mật, nhưng để đạt chất lượng cao thì cần đợi hơn 30 ngày. Hiểu quy luật này giúp người thợ có được mùa mật ổn định và khai thác bền vững”, anh Phương nói.
Mật ong sau khi thu hoạch được vắt thủ công, lọc sạch và đóng chai. Mật ong rừng tràm có màu vàng nhạt, thơm nhẹ, vị ngọt thanh. Giá bán dao động từ 500.000 – 650.000 đồng/lít, riêng mật ong ruồi quý hơn có thể lên đến 1 triệu đồng/lít. Với ong vò vẽ, thợ thường tách nhộng để bán làm thực phẩm, ong già thì dùng để ngâm rượu, giá khoảng 300.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nông thôn.
Theo anh Thanh vào mùa khô, các nhóm thợ luôn nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng. “Chúng tôi không dùng lửa trong rừng. Sống nhờ rừng thì phải giữ rừng. Nếu cháy thì không chỉ ong, mà cả cái nghề cũng mất”, anh cho biết.
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/theo-dau-tho-san-ong-giua-rung-tram-1517422.ldo