Sau một đêm soi đèn đi tìm, người ta có thể kiếm về tiền triệu nhờ giá bán cao.
Nấm chẹo – đặc sản quý của Lạng Sơn
Được coi là một trong những loại đặc sản quý của Lạng Sơn, những năm gần đây, vào khoảng tháng 5-6 dương lịch, thương lái khắp các tỉnh lại đổ xô về các cánh rừng xứ Lạng để thu gom nấm Chẹo.
Để thu mua được nhiều nấm, thương lái sẵn sàng ăn, ngủ hàng tuần tại các bản, người dân bản địa cũng kiếm được hàng triệu đồng mỗi ngày nhờ đi hái nấm. Đây là “đặc sản” được người dân Lạng Sơn hái về bán mà hốt bạc, ngày nay càng hiếm và khó tìm. Nấm chẹo là nấm mọc dưới tán cây Chẹo hoặc cây Dẻ.
Mới gần 7 giờ sáng, anh Vi Văn Chung, trú tại xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) đã hái về 2 chiếc giỏ đầy ăm ắp những cây nấm màu đỏ. Nhìn bề ngoài, chúng không khác gì cây nấm độc, thế nhưng đây lại là loại nấm được bà con dân bản nơi đây coi như “vàng đỏ”. Nếu may mắn, mỗi người có thể kiếm về hàng triệu đồng mỗi ngày nhờ đi hái nấm.
Theo anh Chung, đây là loại nấm mọc dưới tán cây Chẹo hoặc cây Dẻ, có màu đỏ, hình như chiếc ô, thơm, ngon và có vị thuốc nam nên gọi là nấm Chẹo. Để hái được nhiều nấm nhất và ngon nhất, anh phải vác đèn pin đi vào cánh rừng cách nhà 5km từ lúc 2-3 giờ sáng để hái.
Cầm từng cây nấm như những chiếc ô lên, anh Chung cho biết, nấm thường mọc vào gần sáng nên những cây nấm được hái từ 4 giờ đến 8 giờ sáng, có hình cái ô, chưa xòe to ra, trên mũ vẫn còn nguyên lớp phấn được thu mua với giá cao nhất, khoảng 300-350.000 đồng/kg.
Nếu đi muộn, sẽ chỉ hái được những cây nấm đã xòe to ra hoặc đứt, gẫy, không còn nguyên vẹn, bán với giá từ 150-200.000 đồng/kg.
Để tìm được nấm ngon phải hái lúc nửa đêm, khoảng 2-3h sáng. Nấm Chẹo có màu đỏ tươi, hình cây ô, to bằng chiếc bát ăn cơm và đặc biệt là có vị thuốc nam khi chế biến.
Một số khu vực tập trung nhiều nấm Chẹo gồm vùng thuộc Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang… Loại nấm này chỉ mọc 2 lần/năm, từ tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch. Chúng được ví như “vàng ròng” vì giá bán cao lại hiếm, để hái được khá vất vả. Giá bán cao nhất với loại nấm này còn tươi, nguyên mũ nấm là 300.000 đồng -350.000 đồng/kg.
Khi hái không được nhổ toàn bộ mà phải để lại gốc nấm. Từ đây, những cây nấm mới sẽ tiếp tục mọc nữa. Khi cầm nấm phải hết sức nhẹ nhàng bởi nấm Chẹo rất dễ vỡ. Loại nấm này được thương lái đặc biệt là thương lái Trung Quốc truy lùng mua nhiều.
Sấy nấm chẹo khô, thương lái Trung Quốc trả 1,5-2 triệu đồng/kg
Là thương lái thu mua nấm Chẹo của người dân quanh huyện Văn Quan (Lạng Sơn), anh Lưu Văn Trường, trú tại thôn Nà Lốc, xã Tú Xuyên cho biết, giá nấm tươi được anh thu mua với giá trung bình khoảng 200.000 đồng/kg nấm tươi.
“Sau khi mua về, tôi sấy khô và bán cho thương lái Trung Quốc với giá khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Trung bình cứ 5-6kg nấm tươi, sấy trong 6-7 giờ sẽ được 1kg nấm khô”, anh Trường chia sẻ.
Theo anh Trường, loại nấm này thường mọc vào mùa hè và chỉ nở rộ trong vòng 1 tuần/tháng, vòng đời của chúng cũng chỉ kéo dài 1-2 ngày rồi thối rất nhanh nên thương lái thường tận dụng thời gian nấm nở rộ, đi thu mua về rồi sấy khô, bảo quản rồi bán cho thương lái Trung Quốc.
Cũng theo anh Trường, trước đây, người dân quanh vùng thường tận dụng thời gian đi rẫy, đi rừng hái nấm về ăn chơi, làm thực phẩm dùng trong bữa ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, nấm Chẹo được thương lái lùng mua với giá cao để xuất đi Trung Quốc. Vì vậy, mỗi khi vào mùa nấm, người dân lại đổ xô đi hái nấm về bán cho thương lái.
“Nhà nào có rừng Chẹo, rừng Dẻ, giữ được nấm không bị hái trộm thì thu hoạch được khoảng 3-4 lần/vụ. Nhiều nhất có người hái được 20kg nấm/ngày, bán được 4-5 triệu đồng ngon ơ”, anh Trường tiết lộ.
- Chồng ngoại tình cảm thấy thế nào khi đối mặt với vợ? 3 người đàn ông nói sự thật
- Ô tô chạy ngược chiều trên phố, khách nước ngoài phải thốt lên: ‘Điên rồ’!
- Bí kíp khiến vùng đất “khỉ ho cò gáy” sinh lãi trăm triệu
- Các anh muốn chị em ‘lên mây’ thì cần biết 4 điều khiến chị em thờ ơ chuyện ấy, số 4 là nỗi ám ảnh!
- Nhiều người trẻ “vỡ mộng” với mức chi tiêu sau khi “bỏ phố về vườn”