Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
127 lượt xem

Tiền Giang: Trồng thứ cây cảnh dạng hiếm, 9X có thu nhập “khủng”

Nhờ sự đam mê, cần cù, sáng tạo, anh Lê Tấn Thanh Bình (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã vươn lên làm giàu với nghề nhân và tạo dáng linh sam độc, lạ phục vụ giới chơi cây kiểng trong nước.

Sau mùa Tết Nguyên đán 2023 bội thu, anh Bình lại rút vào hoạt động trong khu vườn nhân giống linh sam nằm biệt lập giữa những vườn dừa cao chót vót.

Luôn sáng tạo để có sản phẩm lạ

Trong giới chơi linh sam núi ở Việt Nam, hầu như ai cũng biết đến nghệ nhân Trần Thắng (Thắng “đổ”, TP.HCM). Những sản phẩm linh sam “đổ” của ông Thắng lạ vô cùng, giá trị lên đến nhiều trăm triệu đồng mỗi chậu.

Với tôi, người thành công sau ông Thắng “đổ” cho đến giờ chỉ có thể là anh Lê Tấn Thanh Bình. Dù còn khá trẻ, nhưng ở anh Bình sự sáng tạo làm ra sản phẩm linh sam mới rất mãnh liệt. Mỗi lần tôi đến thăm lại thấy anh có sản phẩm linh sam độc, lạ. Ví như lần này, vô tình phát hiện bộ đế (bộ rễ) cây kim quýt có thể uyển chuyển làm được nhiều thế dáng cây kiểng khác nhau, anh Bình đã ứng dụng cho bộ đế cây linh sam hồng và đã thành công vượt ngoài mong đợi.

Nếu như trước đây, để tạo dáng linh sam, các nghệ nhân căn cứ dáng cây định hình sẵn, tuy nhiên với cách tạo bộ đế cây linh sam của anh Bình, người chơi kiểng có thể tạo bất cứ thế dáng cho cây linh sam.

Hôm tôi đến thăm, thấy anh Bình đang treo chổng ngược cây linh sam con lên trần nhà rồi lui cui cắt tỉa bộ đế. Để chuẩn bị cho việc tạo bộ đế cây linh sam, 4 năm trước anh Bình đã trồng 10.000 gốc cây linh sam hồng. Qua sơ tuyển, anh Bình đang cho thu hoạch 600 gốc linh sam để tạo bộ đế.

Theo anh Bình, trong nghề chơi kiểng, tiêu chuẩn cây đẹp là: Nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ giống. Làm được bộ đế linh sam, người chơi kiểng sẽ uyển chuyển làm các thế dáng sinh động, hút hồn hơn, như: Dáng đổ, đổ treo, dáng bay, dáng huyền; chơi phong cách, cành rớt, cho rễ bám đá… tùy theo sở thích, tư duy mỗi người chơi linh sam. Hiện mỗi bộ đế linh sam anh Bình làm có giá 3,5-5 triệu đồng.

Ngoài việc bán bộ đế linh sam, anh Bình còn dành hơn 2 công đất để trồng linh sam thành phẩm. Từ những bộ đế linh sam anh đang làm sẽ được cho vào chậu trồng. Số linh sam này sẽ mất thêm 5-7 năm tỉa tót, uốn nắn nữa để cho ra thành phẩm nghệ thuật.

Lùng sục mua linh sam lạ về nhân giống

Anh Bình cho biết, anh theo nghề làm linh sam từ 6 năm trước. Hiện trong khu vực làm linh sam giống và thành phẩm rộng 3.200m2 của anh Bình có khoảng 20.000 chậu linh sam với 5 nhóm gồm: Linh sam bông hồng, linh sam trắng chùm Ninh Thuận, linh sam bông trắng phớt hồng, linh sam cuốn hồng, nhị hồng lá ớt, linh sam siêu bông ưu điểm. Tuy nhiên, hiện chỉ có linh sam bông hồng là đang “ɦot” trên thị trường. Loại linh sam này ít gai, bông to, lá đẹp.

Theo anh Bình, đây là những giống linh sam độc, lạ được anh sưu tầm đưa về trồng và nhân giống để bán. Cứ nghe phong thanh ở đâu có giống linh sam lạ là anh đi tìm mua ngay để về nhân giống. Anh Bình cho biết, giống linh sam độc lạ thường rất đắt, khi mua anh phải trả vài triệu đồng cho một cành. Vừa rồi anh mua 33 nhánh linh sam hồng với giá 66 triệu đồng.

Ngoài sở hữu giống linh sam lạ, trại linh sam của anh Bình còn được dân chơi linh sam đánh giá cao ở phong cách làm bộ đế với chùm rễ nôm dài. “Khách hàng biết đến tôi nhiều là cách làm bộ rễ nôm dài. Thường để có bộ rễ nôm dài, tôi làm mất nhiều năm” – anh Bình chia sẻ.

Anh Bình cho biết, muốn làm bộ rễ nôm dài cho linh sam phải mất nhiều năm. Một bộ rễ linh sam dài 60cm, anh Bình phải mất khoảng 5 năm làm. Cứ khi thấy rễ linh sam dài thêm chục cm, người làm linh sam lại tháo bầu, cuộn rễ linh sam, rồi cho vào bầu lại. “Phải mất 5 lần cuộn rễ thì cây linh sam mới có bộ rễ dài 60cm” – anh Bình cho biết.

Theo ông Thắng “đổ”, cây linh sam là loại cây quý hiếm, có giá trị cao, được thị trường rất ưa chuộng. Bởi cây linh sam có lá nhỏ, nhuyễn rất đẹp. Thân linh sam có vỏ sần sùi, dễ tạo chi, cắt tỉa. Cành linh sam thường vặn vẹo có dáng cây cổ thụ nên được khai thác để tạo dáng cây bonsai.

Tuy nhiên, sau thời gian khai thác phục vụ dân chơi bonsai, linh sam tự nhiên gần như cạn kiệt. Giới chơi linh sam nghệ thuật như ông “Thắng đổ” phải cần đến người trồng linh sam như anh Bình để mua phôi linh sam về làm sản phẩm nghệ thuật.

Theo anh Bình, nghề trồng linh sam là nghề ít vốn, nhưng thu lời tốt và nhanh. Khoảng 2 tháng sau khi trồng, người trồng chỉ cần bán nhánh linh sam đã lấy lại vốn. Tại trại linh sam của anh Bình, mỗi năm anh Bình bán ra thị trường khoảng 1.000 chậu thành phẩm và 10.000 cây giống.Mỗi chậu linh sam có giá từ vài chục ngàn cho đến vài triệu đồng, tùy theo giống và mức độ nghệ thuật. Riêng giống linh sam, mỗi cây giống được bán với giá 5.000 đồng. Chỉ riêng dịp tham gia chợ hoa Tết Nguyên đáng 2023 tại Mỹ Tho (Tiền Giang) vừa qua, anh Bình có doanh thu khoảng 100 triệu đồng nhờ bán linh sam núi.

“Ngoài làm phôi linh sam bán cho giới chơi nghệ thuật, tôi còn phải làm linh sam phục vụ thị trường bình dân. Gu của thị trường bình dân là cây linh sam phải có tàng to, bông nhiều” – anh Bình chia sẻ.

Bài viết cùng chủ đề: