Xác định không thể có nhà nếu mang tư tưởng ‘kiếm tha lâu có ngày đầy tổ’, tôi vay ngân hàng mua nhà trả góp dù lương 15 triệu đồng.
Đợi tiết kiệm đủ tiền mới mua nhà hay vay mua trả góp từ sớm? Đó là câu hỏi lớn với nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay. Ông bà ta có câu: “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Với riêng tôi, nếu cứ chờ đủ tiền để mua bằng tiền gom góp từ lương hàng tháng thì chắc chẳng bao giờ mua được nhà, trừ khi lương tháng của bạn vài trăm triệu đồng. Còn nếu chỉ mang tư tưởng “Kiến tha lâu có ngày đầy tổ”, giấc mơ có nhà sẽ ngày càng xa vời.
Tôi đã chọn vay tiền để mua căn nhà đầu tiên và sau đó là đất. Đôi khi đặt mình vào vai “con nợ”, tôi lại cảm thấy mình có thêm động lực để cố gắng vượt bậc. Vì gia đình, con cái, chúng ta có thể mất đi vài cái thú vui, cơ hội đi du lịch như nhiều người khác (chọn hưởng thụ trước), nhưng khi chân đã mỏi, tôi tự hào rằng mình đã làm được những thứ mà khi còn trẻ mình không thể nghĩ có thể đạt được.
Nói thật, nếu không làm vậy thì có lẽ suốt đời này tôi chỉ ở nhà thuê.
Tôi là một kỹ sư IT. Tất nhiên, với mức lương cho vị trí công việc này (chỉ có 15 triệu đồng một tháng), tôi không thể mua nhà chỉ bằng việc tích lũy. Để thực hiện giấc mơ có nhà riêng, tôi đã vay ngân hàng, trả góp. Có năm, không có tiền tiêu Tết nhưng hai vợ chồng đều vui vì mình đã có cái nhà của riêng mình. Khi cuộc sống bị ép lại do tài chính khó khăn, phải trả nợ mỗi tháng, chúng tôi tự ý thức phải cố gắng hơn và luôn tin rằng đây là sự lựa chọn đúng đắn.
Lúc tôi mua, căn nhà chỉ có giá 400 triệu đồng, nhưng may mắn, sau bốn năm, giá trị của nó đã lên 1,2 tỷ đồng, còn tôi cũng đã trả hết nợ. Nếu không nhờ dám vay mua nhà trước đó, thì đến bao giờ tôi mới có thể sở hữu tiền tỷ như vậy nếu chỉ đi làm nhân viên bình thường? Hiện nay, với cách này, tôi thậm chí không chỉ có duy nhất một ngôi nhà. Nói vậy để các bạn thấy việc gánh nợ mua nhà đã mang đến cho tôi thành quả thế nào?
Tôi chỉ khuyên các bạn một điều rằng, vay nợ là cách nhanh nhất để bạn sở hữu nhà đất. Tuy nhiên, bạn cũng cần tính toán kỹ khoản vay, chỉ trả ngân hàng trong khoảng 60% lương của cả hai vợ chồng cộng lại thôi, để còn tiền sinh sống và tích lũy chút ít nếu có sự cố xảy ra.
Cuộc đời đôi khi cũng phải liều một chút, chẳng ai muốn nợ nần, nhưng nếu không làm thế thì bao giờ bạn mới có cái mình muốn? Khi biến cố xảy đến, bạn cần đến tiền trong khi vẫn đang nợ ngân hàng mua nhà, đó sẽ là một thử thách, nhưng quan trọng là bạn vẫn có một tài sản cố định để làm chỗ dựa, đó là căn nhà của mình.
Một số người có tư tưởng “cứ hưởng thụ trước đi, thuê trọ nhà lớn còn hơn gánh nợ mua nhà nhỏ”. Nhưng họ chẳng bao giờ nghĩ rằng, chỉ cần không may mất việc hay đồng tiền lương bị cắt giảm do dịch bệnh thì tiền nhà sẽ là cả một vấn đề lớn. Khi đó, hy sinh sự vui chơi trước mắt để có cái nhà chui vào mà không phải trả tiền hàng tháng mới là một sự hạnh phúc, nhất là những ai đã có gia đình. Trẻ không cố gắng thì già sẽ khổ thôi. Ông bà ta nói “An cư lập nghiệp” là không sai chút nào.
- Khi 1đứa trẻ bị cha mẹ chỉ trích hay đ.á.nh chửi: Nó không dừng yêu cha mẹ mà dừng yêu "chính bản thân mình"
- Hà Tĩnh: Bỏ nghề buôn, lão nông nuôi con “được săn lùng ráo riết”, nuôi 3 tháng bán 6 triệu đồng/con
- Đặt cọc mua nhà rồi hủy, 1 năm sau quay lại đòi đền cọc: Điều bên bán cần lưu ý
- Cha mẹ cũng tránh mắng con vào 6 thời điểm sau: Ranh giới giữa việc "hối lỗi và bất mãn" cực kỳ mong manh
- Ngoài đời làm gì có mẹ chồng, chị em dâu như thế!