Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
127 lượt xem

Toyota quyết chơi sống còn với xe điện: Sẽ thay đổi mọi thứ kể cả ‘Toyota Way’ – hệ thống đỉnh cao nghệ thuật sản xuất, cứ 50 giây cho ra đời 1 chiếc xe

Gã khổng lồ Toyota sắp tiến hành một cuộc đại tu hoàn chỉnh hướng tới kỷ nguyên xe điện.

Tờ Bloomberg nhận định, khi Toyota – nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới chuyển sang kỷ nguyên xe điện, dường như hãng đưa ra một lời cảnh báo cho toàn ngành công nghiệp: Đã đến lúc phải suy nghĩ lại về hoạt động sản xuất truyền thống.

Vào tuần này, Toyota đã tiết lộ kế hoạch mới của mình dưới thời Giám đốc điều hành sắp tới Koji Sato. Họ đưa ra một số thay đổi to lớn trong toàn bộ hoạt động kinh doanh khi hãng đẩy mạnh hơn nữa cho hoạt động điện khí hóa. Công ty sẽ cải tổ các giám đốc điều hành cấp cao, sắp xếp lại cơ cấu quản lý (đặc biệt là toàn nam giới) và tập trung vào điện khí hóa và ô tô thông minh.

Sato giới thiệu kế hoạch với một tuyên bố táo bạo: “Chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ cách thức kinh doanh, từ sản xuất đến bán hàng và dịch vụ”. Ông cho biết để cung cấp xe điện cho những người muốn lái, công ty “phải hợp lý hóa cấu trúc của ô tô”, đồng thời cho biết thêm rằng Lexus – thương hiệu xe sang do ông lãnh đạo – sẽ dẫn đầu quá trình chuyển đổi lần này.

Là một phần của kế hoạch, công ty sẽ tái cấu trúc hệ thống sản xuất xe của mình tại Kyushu và ra mắt Lexus EV thế hệ tiếp theo vào năm 2026. Tất cả các thành phần trong những mẫu xe này, “từ pin và nền tảng cho đến cách chế tạo ô tô” sẽ được hướng đến xe điện.

Có thể thấy, không giống như chiến lược truyền thông mờ nhạt về xe điện trong một khoảng thời gian dài trước đây, thông điệp của Toyota hiện rất rõ ràng: Đây là một quá trình chuyển đổi công nghệ, không chỉ là một bài tập về việc sản xuất phương tiện khác.

Trong một số trường hợp, sẽ hợp lý hơn nếu các nhà sản xuất ô tô phá bỏ một nhà máy thay vì cố chuyển đổi sang nhà máy sản xuất xe điện.

Điều đó có nghĩa là những thay đổi đối với sản xuất sẽ không chỉ là những thay đổi dần dần ra khỏi động cơ đốt trong; đúng hơn, nó sẽ là một cuộc đại tu hoàn chỉnh. Sato thừa nhận rằng những khác biệt cơ bản – cách năng lượng được chuyển đổi và sử dụng cũng như tính khí động học – có nghĩa là mỗi bộ phận và quy trình sẽ phải được điều chỉnh cho phù hợp với xe điện.

Nhận thức đó và sự thừa nhận công khai lần này của Toyota và ban lãnh đạo được đánh giá là dấu mốc rất quan trọng. Xe điện không chỉ là một phương tiện khác hoàn toàn. Khi các nhà sản xuất ô tô trên khắp thế giới chạy đua để theo kịp các cam kết sản xuất, cam kết chi hàng tỷ USD cho hành trình điện khí hóa của họ, thì đây là một cuộc kiểm tra thực tế vô cùng cần thiết.

Sản xuất ô tô thời đại mới không phải là một cuộc dạo chơi dễ dàng – và đó là một phần lý do khiến việc mở rộng quy mô trở nên khó khăn. Mặc dù nhìn bề ngoài có vẻ như việc tạo ra EV là một phần mở rộng của phương tiện ICE, nhưng thực tế không phải vậy. Về lý thuyết, xe điện có ít thành phần hơn rất nhiều, vì vậy chúng sẽ đơn giản hơn để sản xuất.

Thực tế là, cấu trúc thân xe không giống như cấu trúc truyền thống, cách lắp ráp cũng khác. Xe điện cần một bộ thiết bị điện tử và hệ thống dây điện hoàn toàn mới, trong khi các bộ phận yêu cầu các phương thức xử lý và bảo quản khác nhau, đồng thời được chế tạo bằng các loại máy khác.

Thậm chí trong một số trường hợp, sẽ hợp lý hơn nếu các nhà sản xuất ô tô phá bỏ một nhà máy thay vì cố chuyển đổi sang nhà máy sản xuất xe điện. Ngoài ra, phần lớn quá trình sản xuất xoay quanh pin, chiếm gần 40% đến 50% chi phí và là một trở ngại lớn về công nghệ.

Quá trình sản xuất EV phức tạp là lý do tại sao, có lúc, nhà sản xuất ô tô truyền thống Volkswagen AG phải mất 30 giờ để tạo ra một trong những chiếc ID.3 EV mới của họ. Trong khi đó, với Tesla – một công ty chỉ sản xuất xe điện, chỉ mất 1/3 số giờ đó để sản xuất được 1 chiếc xe mặc dù họ còn đang gặp phải một số khó khăn về chuỗi cung ứng.

Đối với một công ty được ca ngợi về năng lực hệ thống sản xuất, được gọi là “Toyota Way”, đây sẽ là một thay đổi lớn. Tập đoàn đã liên tục điều chỉnh và sắp xếp hợp lý các quy trình sản xuất của mình để tăng hiệu quả. Họ đã giới thiệu dòng sản phẩm thân xe linh hoạt vào năm 1985 và ra mắt toàn cầu một thập kỷ sau đó; Họ đã thử nghiệm hệ thống cung cấp phụ tùng cố định giúp cắt giảm chi phí nội bộ và cuối cùng trở thành dây chuyền sản xuất nhanh nhất từ trước đến nay, cho ra đời một chiếc xe cứ sau 50 giây.

Nhưng có một khía cạnh khác của việc sản xuất xe điện. Kế hoạch mới của Toyota cũng tập trung vào ô tô thông minh và công nghệ dành cho chúng. Như Simon Humphries, giám đốc thương hiệu mới đã nói, “mọi người muốn kiểm soát trải nghiệm của chính họ” và điều đó có nghĩa là công ty sẽ phải tăng tốc độ tích hợp phần cứng và phần mềm để người lái xe có thể điều chỉnh EV cho phù hợp với nhu cầu đa dạng của họ.

Những chiếc xe này sẽ phải sao chép những gì mà một chiếc xe bán tải nhỏ ở Thái Lan hay những chiếc xe ngốn xăng ở Mỹ làm cho người lái xe, hoặc thay thế những chiếc xe nhỏ, chắc chắn dành cho những con đường ở Ấn Độ. Để khách hàng chấp nhận xe điện và tham gia vào quá trình chuyển đổi công nghệ – có nghĩa là công ty sẽ cần phải theo kịp sự thay đổi hành vi này. Để làm như vậy, Toyota sẽ tăng cường nỗ lực xung quanh Woven Planet Holdings Inc. 1, công ty con về phương tiện di động, phần mềm và xe thông minh.

Cuộc tấn công vào mảng EV của Toyota bắt đầu với sự thay đổi Giám đốc điều hành đầu tiên trong hơn một thập kỷ không chỉ là một nỗ lực để lấy lại hình ảnh tụt hậu về xe điện nữa. Đối với một công ty đã thành thạo nghệ thuật sản xuất ô tô và quản lý để tạo ra hàng triệu phương tiện vượt qua các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đây là một sự thay đổi nghiêm trọng có thể sẽ mở đường cho cách thức sản xuất xe điện hàng loạt.

Nguồn: Bloomberg

Danh mục: Xe

Bài viết cùng chủ đề: