Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
96 lượt xem

"Trẻ thuê nhà, già về quê": Tìm miếng đất vườn con con, ở thành phố thì kiếm chỗ thuê sống khoẻ.

Nhiều người dành cả thanh xuân để làm việc, tích lũy, ở thuê để theo đuổi giấc mơ mua nhà phố, rồi về già chẳng còn tiền mà hưởng thụ.

Chứng kiến nhiều hoàn cảnh người lao động sống khổ sở, nợ nần khắp nơi để thực hiện giấc mơ có nhà thành phố, tôi tự hỏi tại sao người ta cứ phải chen chúc mua bằng được ngôi nhà ở phố thị. Tại sao chúng ta không nghĩ một cách đơn giản hơn: lúc trẻ đi làm tích lũy, thuê phòng trọ hoặc thuê nhà (tùy điều kiện); đến khi có đồng dư, muốn tính chuyện dưỡng già thì có thể đầu tư một mảnh đất ở quê; khi nghỉ hưu thì về quê, xây căn nhà cấp bốn vừa rộng rãi, vừa có vườn cây, ao cá…

Các thành phố lớn chỉ thích hợp cho việc học tập và làm việc. Nghỉ hưu về được quê là sướng nhất. Nếu già yếu quá và bệnh tật không ai chăm thì một là tích lũy tiền, tự vào viện dưỡng lão, hoặc chỉ nhờ con cái những năm cuối đời ốm yếu thôi. Lúc nghỉ hưu mà cứ ở thành phố với căn nhà nhỏ xíu thì khổ lắm chứ đâu sung sướng gì? Chưa kể để có được căn nhà đó, bạn còn phải chịu đựng cả thời tuổi trẻ. Khi già nếu vẫn chưa phấn đấu mua được nhà thì về quê dưỡng già có khi còn tốt hơn chen chúc ở thành phố với căn phòng hẹp bốn bức tường vây quanh.

Rõ ràng, cùng số tiền đó, nếu về quê hay vùng ven chẳng phải sẽ thích hơn hay sao? Còn những người đã thu nhập thấp, cứ ngồi chờ nhà xã hội thì muôn vàn khó khăn và áp lực cho cả mình và cả xã hội. Không thể cố gắng học tập và làm việc để sánh ngang các nước phát triển mà cứ đòi giá nhà đất phải xuống để mua, tôi thấy đó là một nghịch lý. Nếu ai cũng có thể mua nhà thành phố, thì chẳng mấy chốc đô thị sẽ quá tải, còn ở vùng quê bị bỏ hoang.

Tôi thấy nhiều người đang bị nhầm về khái niệm “an cư lạc nghiệp”. Không mua được nhà thì ta có thể thuê. Nhà nước cứ tập trung vào việc tạo công ăn việc làm cho người dân, còn người dân đừng cứ chăm chăm làm sao để mua căn nhà trong khi giá quá cao so với thu nhập. Hãy thuê nhà, sinh sống, học tập, làm việc, còn dư tiền thì để dành dưỡng già, hưởng thụ. Thu nhập sẽ ngày càng cao nếu bạn chịu đầu tư vào kiến thức, nâng cao dân trí, lúc đó giá nhà có cao bạn vẫn mua được. Chứ nghèo rồi cứ chờ nhận hỗ trợ thì bao nhiêu cho đủ? Nhìn sang những nước phát triển, họ vẫn có các khu “ổ chuột”. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta không nên tập trung quá về kiểu nhà ở xã hội.

Tôi nghĩ, người thu nhập thấp hầu hết đều từ quê lên thành phố làm việc và học tập. Họ cũng có nhà ở quê, có thể khi về già, họ không cần học và làm nên chẳng cần bon chen trên phố làm gì. Họ sẽ về quê sống dưỡng già có khi còn tốt hơn cho sức khỏe. Còn trong độ tuổi học tập, lao động thì nên thuê nhà sẽ tốt hơn là cố mua rồi cũng chẳng còn tiền mà đầu tư học tập, hưởng thụ.

Thêm một ý kiến nữa là khi các doanh nghiệp thành lập công ty (nhất là các công ty cần nhiều công nhân) cũng cần bắt buộc phải kèm theo cả nhà trọ cho công nhân, kiểu trợ giá, tạo điều kiện cho họ làm việc. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được 100% thì ít nhất cũng 50% hay 30% để nhà nước bớt gánh nặng về chuyện nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Doanh nghiệp xây dựng một khu như thế, công nhân nào gắn bó lâu năm, có thâm niên thì có chính sách thưởng cho họ thuê nhà trọ giá rẻ của chính doanh nghiệp đó.

Tóm lại, đừng đổ lỗi cho việc giá nhà đất cao, bởi vì những chỗ tập trung đông người vốn dĩ phải thế. Người sinh ra, nhưng đất chẳng đâu mà có lắm, nhất là khi con người cứ thích tập trung một chỗ để sinh sống và làm việc.

Bài viết cùng chủ đề: