Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
118 lượt xem

Trồng khoai tây bán cho doanh nghiệp sản xuất bim bim, ông nông dân lãi 500 triệu/năm

Khi PepsiCo về đặt vấn đề liên kết với bà con trồng khoai tây đảm bảo tiêu chuẩn để chế biến và xuất khẩu, ông Trị là người đầu tiên ở xã Tu Tra tham gia.

Câu chuyện thật nơi cao nguyên

Đó là câu chuyện có thật của gia đình ông Phạm Văn Trị (xã Tu Tra, H.Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) sau 12 năm liên kết với Syngenta và PepsiCo trồng khoai tây để chế biến snack (bim bim).

Được biết, Tu Tra là một trong những vùng trọng điểm trồng khoai tây của huyện Đơn Dương. Trước năm 2008, bà con canh tác khoai tây theo cách truyền thống nên năng suất, chất lượng khoai tây không được như tiềm năng.

Khi PepsiCo về đặt vấn đề liên kết với bà con trồng khoai tây đảm bảo tiêu chuẩn để chế biến và xuất khẩu, ông Trị là người đầu tiên ở xã Tu Tra tham gia

Năm 2008, ông Trị bắt đầu liên kết với 2 doanh nghiệp này trồng khoai tây theo quy trình kỹ thuật khác biệt với phương thức truyền thống. Cụ thể, các công ty cử cán bộ hỗ trợ nông dân ngay từ công đoạn làm đất, xuống giống, chăm sóc cho đến khi thu hoạch và ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản lượng. Không còn lo đầu ra, người dân toàn tâm toàn ý vào khâu chăm sóc.

Năm đầu tiên thử nghiệm, ông Trị chỉ liên kết với doanh nghiệp trên diện tích 0,5 ha nhưng đã lãi ngay 25 triệu đồng. Sau đó, diện tích trồng khoai tây cứ tăng dần và đến nay ổn định với 5 ha.

“Trong vụ năm 2021, khoai tây đạt năng suất 35 tấn/ha (năm 2008 chỉ đạt 20 tấn/ha), lãi ròng thu về lên tới 500 triệu đồng, tính trung bình mỗi héc ta có lãi 100 triệu đồng, hơn nhiều loại cây trồng khác”, ông Trị hồ hởi nói.

Theo đại diện từ Syngenta và PepsiCo, mô hình liên kết trồng khoai tây này được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã thu hút nhiều nông dân tham gia. Niên vụ 2018 – 2019 chỉ có 600 hộ nông dân liên kết với diện tích trồng khoa tây chỉ đạt 400 ha. Nhưng đến niên vụ 2021 – 2022, diện tích trồng khoai tây tăng gấp 3 lần, đạt 1.269 ha, với năng suất trung bình 27 – 28 tấn/ha, cao nhất 34 tấn/ha.

Đặc biệt, tại Đắk Lắk, các doanh nghiệp tính toán, lợi nhuận ròng mùa khô của nông dân đạt khoảng 95 – 100 triệu đồng/ha. Sới sản lượng bình quân 26 tấn/ha, sau khi trừ chi phí trong 4 tháng canh tác sản xuất, nông dân có lãi 90 – 100 triệu/ha.

Xuất khẩu 6.000 tấn khoai tây sang Thái Lan

Ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông học PepsiCo Việt Nam, cho biết sau hơn 10 năm gây dựng và phát triển chuỗi trồng khoai tây, năm 2022, doanh nghiệp này đã xuất khẩu thành công lô khoai tây đầu tiên với sản lượng 6.000 tấn trồng tại Lâm Đồng sang Thái Lan.

“Các đối tác Thái Lan đánh giá rất cao về chất lượng khoai tây trong mô hình liên kết này. Cũng từ đó, chúng tôi đã nghĩ đến tham vọng sẽ đưa khoai tây Việt Nam xuất khẩu đi khắp thế giới. Khí hậu Việt Nam có lợi thế để trồng khoai tây, chúng tôi cho rằng nếu có chính sách, hỗ trợ tốt để phát triển nhanh các vùng trồng, đất nước chúng ta có thể trở thành cường quốc xuất khẩu khoai tây giống như với lúa gạo với chất lượng, giá thành rất cạnh tranh”, ông Hành bày tỏ.

Ông Hành nhấn mạnh, cái lợi nhất trong mô hình liên kết trồng khoai tây là doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu và quản lý chất lượng ngay từ đầu vào. Qua đó, chất lượng khoai tây đã đáp ứng được các yêu cầu của PepsiCo Việt Nam và PepsiCo trên toàn cầu.

Đặc biệt, khoai tây trồng trong mô hình này theo hướng bền vững. Syngenta PepsiCo đã khuyến cáo nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế phân bón vô cơ, thuốc hóa học trước đây. Cụ thể, khi có cán bộ kỹ thuật kiểm soát quy trình canh tác thì nguồn sâu bệnh ít hơn, số lần phun xịt thuốc cũng giảm đi nhiều.

“Chỉ cần một thay đổi nhỏ, chúng tôi tư vấn nông dân tăng lượng phân hữu cơ cho một lần bón lót thì giảm được 25 – 35% lượng phân bón hóa học. Khi áp dụng hệ thống tưới phun xương, nhỏ giọt thay vì tưới bằng vòi, xả tràn đã tiết kiệm 2 triệu lít nước ngọt trong niên vụ năm 2021 – 2022”, ông Hành nói.

Ông Trần Thanh Vũ, Tổng giám đốc Công ty Syngenta Việt Nam, khẳng định dự án khoai tây bền vững của Syngenta và PepsiCo đã giúp hình thành và xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất bền vững, góp phần gia tăng giá trị thương phẩm của khoai tây, từ đó cải thiện thu nhập cho bà con nông dân. Những thành quả từ dự án cũng mang lại các sản phẩm giàu dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng và an toàn đối với người tiêu dùng.

Theo khảo sát của Cục Trồng trọt, tại Việt Nam, diện tích khoai tây những năm qua dao động từ 16.700 – 19.700 ha. Riêng năm 2017 đạt 19.700 ha. Năng suất khoai tây dao động từ 13,5 – 15,9 tạ/ ha; sản lượng dao động từ 237.000 – 313.000 tấn…

Bài viết cùng chủ đề: