Sau 4 ngày trên biển, sử dụng 900 chiếc lồng hình tròn bọc lưới mắt nhỏ để đánh bắt, tàu của anh Phùng Văn Sáng bắt được trên 260 kg ốc các loại, thu về trên 40 triệu đồng.
Mặc dù biển động nhưng thuyền của anh Phùng Văn Sáng (SN 1982, trú Thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá) vẫn trúng đậm ốc hương. Hiện trên thị trường, ốc hương loại lớn giá 750 nghìn đồng/kg không đủ đáp ứng nhu cầu.
Tàu TH 91075TS của anh Phùng Văn Sáng (SN 1982, trú Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá) chủ yếu đánh bắt ở khu vực biển từ Thanh Hoá – Nghệ An nên thường vào cảng Cửa Lò để nhập hàng. Lần này do theo nghề, tàu đánh sang vùng biển Hà Tĩnh nên vào cập cảng cá Cửa Sót.
Tàu TH 91075TS có chiều dài 13,5m, rộng 3,2m, chuyên đánh ốc hương, vị trí cách bờ từ 5 – 10 hải lý. Mỗi ngày nhóm bạn của anh Sáng thả lồng hai lần, mỗi lần bắt được bình quân khoảng 70 kg ốc hương tự nhiên, đây là loài hải sản rất lành, ngon và bổ, được nhiều người ưa chuộng.
Giá của ốc hương tuỳ thuộc vào kích cỡ và trọng lượng của nó. Loại trên 200 con/kg được nhập tại đây với giá 130.000 đồng, loại từ 135 con/kg – 145 con/kg có giá 180.000 đồng. Còn loại 40 con/kg giá 650.000 đồng, loại 35 con/kg thì có giá 720.000 đồng.
Sau 4 ngày trên biển, sử dụng 900 chiếc lồng hình tròn bọc lưới mắt nhỏ (khung bằng thép, đường kính 50cm, dày 18cm, có tạo cửa) để đánh bắt, tàu của anh Phùng Văn Sáng bắt được trên 260 kg ốc các loại, thu về trên 40 triệu đồng.
Mặc dù 4 ngày đánh bắt trên biển với 8 mẻ cảo nhưng tàu của anh Phùng Văn Sáng chỉ bắt được trên 6kg ốc hương loại to (loại trên 700.000 đồng/kg). Theo thương lái, loại ốc này được nhiều người ưa chuộng nhưng rất ɦiếm, khi vào nhà hàng giá lên đến 1 triệu đồng/kg.
Chủ tàu Phùng Văn Sáng cho biết, trên tàu của anh gồm có 6 lao động (cả chủ tàu). Quá trình thả lồng 6 người làm mất 1,5 tiếng, thu lồng mất 2 tiếng, thời gian để lồng dưới biển cho ốc vào từ 4 – 5 tiếng. Không quy định là đánh đêm hay đánh ngày, hiện lồng đang để ngoài biển, nhập hàng xong thì ra thu lồng.
Theo kinh nghiệm hơn 20 năm đi biển, ông Phùng Kiến Trọng (68 tuổi, cha đẻ anh Sáng) cho biết, thông thường vào mùa này chỉ có ốc nhỏ, còn ốc to rất hiếm. Sang tháng 3, tháng 4 gió Nam mạnh thì chủ yếu đánh là ốc to.
Thương lái Hồ Thị Nghĩa (62 tuổi, trú xã Thạch Kim) chuyên thu mua ốc và ghẹ cho biết: “Ốc hương là loại rất lành và bổ nên được nhiều người ưa chuộng. Theo phong tục của người dân địa phương, ốc hương là một trong những món được sử dụng để dọn mâm cưới hỏi. Nhà có điều kiện thì đãi ốc to, bình thường thì dùng loại nhỏ”.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi, mưa gió vất vả rét mướt, nhưng sau mỗi chuyến đi nhóm thuyền của anh Sáng thu nhập khá nên ai nấy đều rất phấn khởi. Sau khi bổ sung thêm nhu yếu phẩm, tàu lại rẽ sóng ra khơi đánh bắt.
- 9 bí quyết giúp nàng sở hữu đôi môi hồng tự nhiên
- Cảm xúc trái ngược của người trẻ: Mua nhà để an cư hay trở thành “nô lệ” của nhà cửa?
- Ngậm đắng vì không mua khi chủ đất "xin" thêm tiền sau khi đã chốt giá
- Bị con đưa ra toà lấy trắng mảnh đất, cha qua đời trong nỗi uất ức!
- "3 không" bố mẹ đừng bao giờ lặp lại khi đón trẻ mầm non tan học