Tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó có mặt hàng tinh bột sắn tăng tới hơn 200% về giá trị.
Tăng đột biến lượng sắn xuất khẩu sang Trung Quốc
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2022, Việt Nam xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn được gần 238.650 tấn, trị giá 102,76 triệu USD, tăng 30,4% về lượng và tăng 25,8% về trị giá so với tháng 10/2021.
Lũy kế 10 tháng năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,56 triệu tấn, trị giá 1,12 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 86,9% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của cả nước.
Theo đó, trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,33 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 1,02 tỷ USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có mặt hàng tinh bột sắn tăng đột biến.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất thế giới. Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng năm 2022, nhập khẩu sắn của Trung Quốc đạt 1,77 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn cho Trung Quốc trong 9 tháng năm 2022 với 152,08 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát của Thái Lan trong 9 tháng năm 2022 với 1,62 tỷ USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 91% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc.
Đối với mặt hàng tinh bột sắn, trong 9 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 3,19 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,67 tỷ USD, tăng 27,4% về lượng và tăng 39,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 9 tháng năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, với 1,24 triệu tấn, trị giá 633,89 triệu USD, tăng 194% về lượng và tăng 224,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 9 tháng năm 2022 chiếm 38,9%, tăng mạnh so với mức 16,9% của cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, gần đây Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, Lào, Campuchia,… do nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao trong bối cảnh giá các loại nguyên liệu khác như ngô, đậu tương,… tăng mạnh.
Giá sắn được duy trì ở mức cao vì thiếu nguồn cung
Theo Cục Xuất nhập khẩu, ở thị trường trong nước, các nhà máy vẫn chưa đủ nguyên liệu để chạy máy ổn định do thiếu nguồn cung củ sắn tươi. Giá sắn lát vẫn được duy trì khá cao càng làm cho nhà máy chế biến tinh bột sắn thiếu nguyên liệu.
Nhu cầu mua sắn lát của các nhà máy thức ăn chăn nuôi và thức ăn thuỷ sản tiếp tục tăng do tăng nhu cầu sản xuất cuối năm và việc tăng tỷ lệ (công thức) pha trộn sắn lát trong thành phần thức ăn gia súc, gia cầm.
Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 435-470 USD/ tấn, FOB – cảng TP. Hồ Chí Minh.
Theo Dân Việt
- Cử nhân kế toán bỏ về quê làm nông dân nuôi lợn, “cá tiến vua” bên bờ sông Đà
- Nam Định: Nuôi tổng hợp toàn những con nhìn trông lạ ở 3 trang trại, mỗi năm ông chủ thu lãi 6 tỷ đồng
- 3 cách nhìn nhận vấn đề của người thông tuệ giúp họ làm gì cũng thành công
- Bầu Đức đã bỏ túi 657 tỷ đồng sau 7 tháng nhờ nuôi "heo ăn chuối"
- Không phải lúc nào con không nghe lời cũng là con sai, bố mẹ nên tự "kiểm điểm" lại chính mình