Quyết định trở lại thành phố để tìm kiếm những trải nghiệm mới nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, một số bạn trẻ lại quyết định quay trở về quê.
Quyết định quay trở lại phố làm việc nhưng lại thấy không hợp
Trước khi trở về Đà Lạt vào gần 2 năm trước, Tâm Thương (sinh năm 1998) có công việc văn phòng ổn định, sếp tốt, đồng nghiệp dễ mến ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vì cảm thấy không còn phù hợp với nóng, ồn ào và khói bụi nơi này nên đã quyết định rẽ hướng. Sau một thời gian ở Đà Lạt, vào cuối năm 2023, cô bạn quyết định trở lại TP Hồ Chí Minh thử sức với công việc văn phòng.
“Mình đã làm freelancer (làm việc tự do) gần 2 năm. Thu nhập khá tốt nhưng những dự án mình nhận thường vừa và nhỏ nên mình muốn làm việc toàn thời gian trở lại để thử sức và học hỏi thêm. Và TP Hồ Chí Minh là nơi có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp. Bên cạnh đó, lý do cá nhân là người bạn đồng hành của mình cũng nhận được lời mời làm việc tại TP Hồ Chí Minh, nên nhân đây chúng mình cùng về lại thành phố”.
Trong 3 tháng ở thành phố, cô bạn vừa tìm việc vừa duy trì công việc freelance. Tuy nhiên, thị trường việc làm cuối năm khá ảm đạm, không có nhiều công việc khác phù hợp, mức lương và cơ hội trải nghiệm không cao. Bên cạnh đó, cô bạn đã nhận được một dự án freelance lớn hơn, có nhiều cơ hội học hỏi và mức thu nhập tốt. Khi làm freelance, Tâm Thương thích ở Đà Lạt với bầu không khí trong lành, mát mẻ và yên bình. Nó cũng tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần nên cô bạn đã quyết định trở lại Đà Lạt vào đầu năm 2024.
Cũng giống như Tâm Thương, sau 2 năm làm freelancer ở quê Gia Lai, Thảo Nguyễn (sinh năm 1994) đã quyết định trở lại thành phố. “Mình cảm thấy bản thân đang chậm đi. Vòng tròn mối quan hệ bạn bè và công việc đang dần thu hẹp lại. Mình yêu thích sự bình yên ở quê nhưng đôi lúc nó đi kèm với sự cô đơn. Lý do thứ 2 là mình thích học hỏi. Vì thế, sau 1 lời mời từ người sếp cũ, mình đã lên phố làm việc với hy vọng sẽ có nhiều sự mới mẻ và bắt nhịp lại cuộc sống nhộn nhịp ở TP Hồ Chí Minh”.
Sau khi trở lại thành phố, cô bạn cảm thấy vui vẻ với công việc, đồng nghiệp hoà hợp. Tuy nhiên, thời gian đầu, cô bạn cảm thấy bị ngộp và không thở được khi mọi thứ xung quanh quá nhanh như dòng xe, cuộc sống,… Thời gian đó, cô bạn thường đi làm từ 6-7h sáng vì nếu đi trễ hơn người rất đông người, cô bạn dễ cảm thấy ngột ngạt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Sau vài tháng làm việc, Thảo Nguyễn nhận ra mình thích cảm giác 1 mình, thích thiên nhiên hơn là phố thị. Khi quyết định về quê điều, cô bạn rất tiếc sếp và đồng nghiệp. Tuy nhiên, may mắn thay tất cả mọi người đều ủng hộ và hỗ trợ trong việc về quê.
Thay đổi khá nhiều trong chi tiêu khi quay lại phố thị
Theo Tâm Thương, chi phí sinh hoạt và thuê nhà cũng như các dịch vụ khác như ăn uống, cà phê ở TP Hồ Chí Minh khá đắt. Cô bạn chi khoảng 12 triệu/tháng, nhiều hơn 30% so với Đà Lạt dù sinh hoạt phí ở đây cũng được cho là khá cao.
“Mình ở quê chi tiêu khá ít nên khi quay lại phố có chút bỡ ngỡ. Chính sự bỡ ngỡ đó giúp mình lại tập tiết kiệm hơn. Xưa mình ở phố hơn 10 năm mình không có thói quen tiết kiệm lắm. Này như cuộc đổi mới trong chính con người mình”, Thảo Nguyễn chia sẻ.
Khi quay lại phố, cô bạn chi kha khá để chuyển trọ, mua sắm vật dụng mới, quần áo mới cho việc đi làm. Bởi thế thời gian quay lại, Thảo Nguyễn khá chật vật về tài chính. Tuy nhiên, từ đó, cô bạn siêng nấu ăn và học được cách sống lành mạnh, chăm sóc bản thân tốt hơn.
Trong thời gian di chuyển làm việc ở thành phố và Đà Lạt, Tâm Thương đã rút ra 3 bài học quan trọng. Đầu tiên là chuẩn bị tài chính thật kỹ. Dù ở phố hay quê, không duy trì được thu nhập hoặc chuẩn bị tài chính, cuộc sống đều bấp bênh. Nếu không giải quyết được vấn đề cốt lõi này, bạn nên chuyên tâm ở một chỗ, tiếp tục làm việc và tiết kiệm tiền. Nếu muốn bỏ phố về quê hay trở lại phố, hãy kế hoạch cụ thể, phải có một khoảng tiền đủ sống 6-12 tháng và ít nhất một kỹ năng có thể kiếm ra tiền.
Thứ 2 là chuẩn bị tâm lý vững vàng: Việc bỏ phố về quê trong mắt nhiều người, đặc biệt là gia đình bố mẹ là việc “đi ngược số đông”. “Lúc mới về Đà Lạt bố mẹ mình cũng khá lo lắng, vì họ không hiểu làm freelancer là làm gì, sợ không ổn định. Tuy nhiên, mình giải thích và dùng hành động để chứng minh là mình có thể sống tốt dù ở bất kỳ đâu. Chỉ cần mình chăm chỉ làm việc và không bỏ cuộc. Bố mẹ thấy mình vui vẻ, khỏe mạnh thì cũng hiểu hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng thoải mái chấp nhận điều này, nên hãy chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng nếu không được ủng hộ”.
Cuối cùng, sống tự do nhưng phải kỷ luật. Cuộc sống ở Đà Lạt hay ở quê thường dễ chịu, yên bình và trong lành nên rất tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nhưng đây cũng là “cái bẫy” dễ khiến chúng ta dễ lười biếng vì… quá thoải mái. Dù ở đâu, cũng nên chăm chỉ làm việc và phát triển bản thân.
Còn đối với Thảo Nguyễn, cô bạn cho rằng dù là quyết định trở lại thành phố hay về quê, mỗi người phải tự trang bị cho mình về kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm. Nếu có kiến thức nền tảng vững, mối quan hệ tốt, bạn có thể sống ở bất kỳ đâu.
“Tâm mình phải an và biết đủ. Không có áp lực nào bằng áp lực do tự mình đặt ra. Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, bạn phải có đủ tiền để lo cho bản thân trong 6 tháng – 1 năm. Như vậy, bạn mới có thể sống tốt dù có những biến động trong cuộc sống”.
- Bánh đúc – từ món nhà nghèo đến thức quà tuổi thơ thơm nức lòng
- Mua ô tô chơi Tết: Kinh nghiệm quý báu với người dùng
- Muốn mua thêm 20 m2 đất nhà hàng xóm cần làm thủ tục gì?
- 3 hành vi trên bàn ăn của những đứa trẻ vô văn hóa, không có tiền đồ, bố mẹ cần phải sửa sớm
- Cha mẹ khôn ngoan tuyệt đối không nói ra ngoài 5 điều này về con thì gia đình hạnh phúc con cái yêu thương