Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
128 lượt xem

Tuổi thơ trốn ngủ trưa hè: "Ngày rong chơi, tối đến ngủ khò khò mà chẳng bao giờ thấy mệt"

Măng vòi ngâm ớt, đẵm mình tập bơi ở bến sông, hay những con cá lia thia đủ sắc màu được bỏ trong bình thủy tinh bày trên bàn… đó là những hình ảnh của một thời ấu thơ có được ở những buổi trưa hè trốn ngủ vui đùa với chúng bạn cùng trang lứa.

Mẹ nhẹ nhàng thay áo chuẩn bị đi làm, dắt xe ra tận đầu ngõ. Chỉ chờ có vậy, đôi mắt he hé giả vờ ngủ trưa bừng tỉnh, bật dậy, tôi lóng ngóng nhìn quanh rồi xỏ dép chạy vù ra điểm hẹn nơi bụi tre đầu xóm.

Nhóm trẻ quê cùng lứa đã có mặt. Trưa hôm trước cả nhóm bì bõm ở bến sông tập bơi, bố bạn Tum bắt gặp vậy là một trận roi nhừ tử; hôm qua ra rặng tre ngắt măng vòi, rồi ướt đẫm mồ hôi đuổi bắt chuồn chuồn cả buổi ở xóm hạ. Trưa nay cả nhóm sẽ vào khe suối để bắt cá, một thú vui mà cả nhóm đều thích, bé Mai hàng xóm bấm tay ra dấu rồi cả nhóm men theo lối nhỏ đi về phía khe suối.

Khe suối là một lạch nước nhỏ chảy ra ruộng từ cái đập lớn trong hẻm núi được người dân quê tôi đắp để trữ nước cho ngày mùa. Khi đã đầy ngưỡng cho phép ở đập tràn thì nước thừa theo khe suối chảy tự nhiên ra mương ruộng. Ngoài ruộng, những chú cá lòng tong nhỏ xíu, cá bống, hay những con lia thia nhiều vô kể, nhưng sợ bị người lớn phát hiện nên chúng tôi chọn khe suối nơi ít người qua lại để thỏa chí vui thú.

Những chiếc dép tổ ong của nhóm được xâu vào một cái dây, tôi người nhỏ thó, bé nhất nên được giao nhiệm vụ quàng chiếc vòng dép vào cổ để tránh nước cuốn trôi. Xắn quần rồi lội xuống khe nước trong vắt, từng bàn chân nhè nhẹ lần bước trên những viên cuội nhẵn nhụi nhồn nhột. Bé Mai luôn là đứa nhanh nhẹn hơn, quan sát hẻm nước, chỗ nào có cá bống, có tôm, thậm chí là cua núi lẩn trốn, Mai đều biết cả.

Cá lòng tong thân mình nhỏ xíu trong veo, chỉ cần lấy cái rá hớt là được; cá bống và tôm thì nằm bất động sát đáy nước, nhẹ nhàng đưa tay tới gần rồi bất chợt tóm gọn thật nhanh; còn bắt lia thia thì phải luồn tay khéo léo ở hẻm nước nơi bờ đất; với cua núi thì chỉ cần lật những viên đá lên là chúng nhốn nháo bò, có lần sơ ý bị cua kẹp đau điếng khóc thét, nhưng rồi lại nói cười rôm rả vì vui.

Cứ vậy, ở mỗi buổi trưa ấy, nhiều ít gì đám nhỏ chúng tôi cũng chia nhau, dồn cho một đứa mang về để đủ bữa. Tôi luôn nhường cho cái Mai, vì nhà nó luôn ít thức ăn hơn nhà tôi, và cũng một phần tôi sợ mẹ phát hiện ra việc trốn ngủ trưa nữa. Mỗi bận như vậy, cái Mai lại giao kèo rằng, đến bữa ăn sẽ sang nhà gọi tôi qua ăn cơm cùng.

Tôi thường chỉ lấy một chú cá bống, hoặc con cá lia thia nhiều màu sắc về nuôi trong chiếc bình thủy tinh mẹ mua tặng dịp sinh nhật để ngồi ngắm nghía thỏa thích. Cá thả trong bình rất nhanh chết, bởi vậy có lần tôi liều mình thả vào chiếc chum đựng nước mưa của gia đình rồi lấy cơm nguội cho vào nuôi cá như trong truyện “Tấm Cám”. Sáng sớm hôm sau, mẹ phát hiện con cá bé bằng ngón tay út chết nổi bụng, những hạt cơm nguội lả tả dưới đáy chum. Vậy là nước mắt ngắn dài và một trận roi lằn mông vì cái tội bỏ cá vào chum nước ăn của gia đình.

Nhưng cũng chẳng phải buồn lâu, như thấu hiểu cậu con trai tinh nghịch, hôm đó bố mang về một mớ cá, bố nhặt một chú lia thia đẹp nhất bỏ vào chiếc bình rồi bày lên bàn và dặn tôi bữa trưa gọi cái Mai sang ăn cơm chung, còn mẹ thì ra vườn vặt vài quả khế kho nhừ mớ lòng tong. Bữa cơm đậm đà hương cá cùng vị chua của khế, chúng tôi ăn no kềnh bụng.

Thấm thoắt thế mà đã vài chục năm, tưởng mọi thứ đã chìm vào dĩ vãng. Chiều ngoại ô, một mớ cá lòng tong lẫn nhiều lia thia và tôm nhỏ trong mẹt của gánh hàng rong. Lòng bồi hồi với bao ký ức, nhớ món cá lòng tong nhỏ xíu kho khế cùng ít lá nghệ; nhớ hình ảnh những vạt tóc lơ thơ vàng hoe, khét mùi nắng bì bõm nơi khe suối; rồi những cái bấm tay ra dấu của bé Mai cùng tiếng cười vang trong veo của buổi trưa trốn ngủ ngày nào.