Năm 2016, anh Hùng (TPHCM) bán ngôi nhà đang ở vì thấy được giá. Tuy nhiên, giá đất tăng liên tục nên đến giờ anh vẫn chưa mua lại được.
Dưới đây là chia sẻ của anh Đỗ Hùng, 38 tuổi, hiện sống tại TP HCM.
Sau khi kết hôn vào năm 2008, vợ chồng tôi mua được ngôi nhà một trệt một lầu diện tích 40m2 ở một con hẻm nhỏ trên đường Trần Xuân Soạn, quận 4 với giá 1,3 tỷ. Ngôi nhà có ưu điểm là không quá xa trung tâm (cách trung tâm quận 1 khoảng 4km), khá gần nơi làm của hai vợ chồng (tôi làm ở quận 8 còn vợ làm ở quận 7, nếu không gặp tắc đường, chúng tôi chỉ đi khoảng 20 phút là tới chỗ làm). Nhà gần chợ, tiện cho vợ tôi sáng đi bộ tập thể dục rồi đi chợ luôn, chiều dù đi làm về muộn vẫn có thực phẩm tươi ngon trong tủ lạnh.
Tuy nhiên, ngoài hai ưu điểm đó thì có nhiều điều chúng tôi không hài lòng: hẻm trước cửa nhà chỉ 2m, nhưng hàng xóm vẫn thường xuyên để xe hay thùng rác nên việc đi lại khó khăn. Chúng tôi không thân thiết với hàng xóm lắm dù không có va chạm gì. Ngán nhất là khu nhà bị ngập nước khá nặng trong những ngày triều cường hay mùa mưa.
Hai vợ chồng đã có ý định bán nhà chuyển đi nơi khác, để không gian được thoáng đãng và khô ráo hơn. Tất nhiên, vì không quá quyết tâm trong việc đổi nhà nên chúng tôi chỉ nói ý định bán nhà với bạn bè, hàng xóm. Hai vợ chồng cũng chưa sốt sắng đi tìm nhà.
Trong mấy năm 2013, 2014, 2015, chúng tôi đã tiếp hơn chục vị khách đến xem. Chúng tôi đòi 1,7 tỷ thì bán nhưng họ chỉ trả đến 1,4 tỷ rồi thôi.
Công việc cứ cuốn đi, sau Tết 2016, ông hàng xóm bảo có khách muốn mua nhà tôi, thoả thuận 1,66 tỷ. Chúng tôi đồng ý vì thấy nhà được giá cao hơn dự tính. Ngay tối hôm đó, ông hàng xóm đưa khách đến đặt cọc 20% là 330 triệu. Họ đồng ý cho chúng tôi ở lại thêm 2 tháng nữa để vừa tìm chỗ ở mới, vừa hoàn tất thủ tục giấy tờ.
Thế nhưng, khi bán được nhà rồi, chúng tôi mới thấy, tìm nhà không hề dễ. Nhà tôi thấy ưng thì vợ tôi đi xem bói lại bảo không nên mua. Mà nếu lật kèo không bán nữa, chúng tôi phải đền 330 triệu nên đâm lao phải theo lao.
Sau khi giao nhà cho người mua, gia đình tôi đành đi thuê một căn hộ 50m2 trong một chung cư tái định cư không có thang máy ở quận 7 với giá 5 triệu đồng/tháng. Ở đây tuy tiện chỗ làm của vợ nhưng đưa con sang quận 4 học cũng khá ngược đường. Tiền bán nhà (sau khi trừ các khoản) chỉ còn 1,6 tỷ, đem gửi ngân hàng, lấy lãi hàng tháng được hơn 6 triệu.
Tôi vẫn tiếp tục tìm mua nhà nhưng càng ngày giá nhà càng cao. Để mua được ngôi nhà cũ như nhà của chúng tôi vào thời điểm cuối năm 2016 cần phải có 2,2 tỷ.
Trong lúc chưa mua được nhà, tôi bàn với vợ ra ngoại thành mua đất, chờ lên giá rồi bán lại. Có điều, chúng tôi chưa đầu tư bất động sản bao giờ, trong khi vẫn đang nhăm nhe mua nhà để ở nên nhìn miếng đất nào cũng thấy xa, thấy hoang vắng và không muốn mua.
Suốt từ 2016 đến đầu 2018, giá nhà đất tại TP HCM vẫn lên liên tục. Cuống quá, giữa năm ngoái, chúng tôi quyết định mua một ngôi nhà một trệt một lầu, trong hẻm tầm 3m, diện tích 42m2 ở Tân Thuận Tây, quận 7, với giá 1,7 tỷ. Lúc chúng tôi mua thì ngôi nhà này chưa có giấy tờ, nhưng người bán hứa sẽ làm được.
Nghĩ mua nhà trong tình trạng này sẽ được rẻ nên vợ chồng tôi rất hào hứng dù thực sự cũng không thích lắm, vì nhìn hiện trạng nó không khá hơn nhà cũ.
Sau 4 tháng chờ đợi, chúng tôi cũng cầm được sổ đỏ mang tên mình, lúc này mới té ngửa, nhà tôi nằm trong quy hoạch lộ giới nên nếu hẻm mở rộng thì chúng tôi sẽ bị mất đi khoảng 20m2 và hiện tại ngôi nhà đó không được cấp phép sửa chữa hay xây dựng. Vậy là chẳng chuyển về đó ở, chúng tôi tìm khách bán ngay, được 1,78 tỷ nhưng trừ chi phí thì thực ra số tiền chúng tôi thu được chỉ bằng lãi gửi ngân hàng, mà rất mất công sức thời gian đi lại.
Sau 2 năm ở trọ, vợ chồng tôi đã tạm quen với cuộc sống thế này. Con chúng tôi cũng chuyển về học ở một trường bán công tại quận 7 có chất lượng tốt vì hai vợ chồng xác định chúng tôi ngày càng ít khả năng để mua nhà gần trung tâm như trước nữa.
Nhiều lúc thấy mình đã gần 40 mà vẫn ở trọ, tôi cũng cảm thấy tổn thương. Vợ chồng vẫn đang đi tìm nhà, mà cầm 2 tỷ trong tay (tiền bán nhà cũ và tiền chúng tôi đã tiết kiệm được), tôi cảm thấy mua nhà đất khó quá. Cơn sốt bất động sản đã tạm dừng nhưng thực tế, tôi phải cần thêm rất nhiều tiền mới có thể mua lại nổi căn nhà như mình từng bán và từng chê rất nhiều.
Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh nhận xét, hiện giá nhà liền thổ tại TP HCM đã chựng lại so với thời kỳ đầu sốt đất. Lý do là bởi tác động của chính sách tín dụng (khó vay hơn), giá đã lên quá cao (trung bình 20-30% so với trước sốt) và thị trường đang vào giai đoạn tích luỹ sau một thời gian dài tăng nóng.
Theo quan sát của ông Chánh, một số khu vực tăng nóng và ảo (giá tăng cao mà không có giao dịch) thì có hiện tượng sụt giảm khoảng 10-15% như các vùng rìa của Củ Chi, Hóc Môn, Quận 9. Riêng các khu vực giá tăng thật thì vẫn đang đứng. Ông Chánh cho rằng, khả năng nhà liền thổ giảm giá trong tương lai là rất ít. Vì thế, những người có nhu cầu nhà ở thật sự nên trang bị kiến thức để biết cách mua bất động sản trong mọi điều kiện của thị trường.
- Tài xế xe ôm công nghệ giảm 50% thu nhập, hết thời vàng son
- Hải Dương: Lãi cả trăm triệu khi trồng thành công nấm hoàng đế, nấm bào ngư
- 7 bí kíp làm cha mẹ thông thái: “dạy con trai biết tôn trọng phụ nữ, dạy con gái kiêu hãnh và tự tin”
- Hương Giang lần đầu công khai rõ mặt bạn trai mới, thái độ lạ khi bị hỏi chuyện đang mang thai
- Ca sĩ Chu Bin bị tạm giữ vì liên quan đến…