Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
121 lượt xem

Tỷ phú Hưng Yên nuôi 6 vạn con gà đẻ trứng trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022

Từ hai bàn tay trắng nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 Nguyễn Hữu Tuệ ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động (Hưng Yên) đã vươn lên làm chủ trang trại 6 vạn gà đẻ trứng đạt doanh thu 8 tỷ đồng/năm.

Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng 

Ông Tuệ lập gia đình năm 1992, thời điểm đó bố mẹ ông vẫn đang làm công nhân nên không có ruộng. Về sau ông phải xin cắt khẩu về địa phương mới được cấp 1,8 sào đất cấy nhưng do làm ăn khó khăn, thường xuyên mất mùa, bấp bênh nên năm 1993 vợ chồng ông theo anh em, bạn bè ra Hải Phòng bán hàng rong.

Những ngày đầu vợ chồng ông lấy đủ các loại hàng về bán rong khắp nơi nhưng về sau thấy báo giấy thị trường dễ bán ông Tuệ lại chuyển qua đặt hàng, mua thêm loa quảng cáo phục vụ việc bán báo.

Ông Tuệ kiểm tra trứng gà tại trang trại của gia đình.

“Lúc đó dòng báo thông tin giật gân câu được nhiều khách mua lắm! Nhất là thời điểm có các vụ án lớn, chúng tôi đặt 600-700 tờ báo tuần (báo ra thứ 3 hàng tuần) cũng bán hết. Mỗi tờ bán 400 đồng, tính ra có ngày kiếm được cả trăm nghìn là chuyện bình thường”, ông Tuệ kể và cho biết, ngày đấy tiền kiếm được khá dễ, có tháng vợ chồng ông đút túi trên 1 triệu đồng, trong khi đó, cơm bụi ăn mỗi bữa chỉ có 4.000 đồng/suất nhưng vợ chồng tôi vẫn tiết kiệm để tính sinh kế lâu dài cho gia đình.

Đúng như dự báo của ông Tuệ, đến khoảng năm 2000, việc bán hàng rong, báo dạo gặp nhiều khó khăn do xuất hiện các loại hình báo điện tử, mạng xã hội. Nhận thấy thời cuộc thay đổi nên vợ chồng ông bàn nhau chuyển hướng đưa vốn về quê lập nghiệp.

Về quê, có tiền, vợ chồng ông bỏ ra hơn 100 triệu đồng xây nhà mái bằng khang trang và mua xe, làm hàng xẻ (mổ lợn bán thịt, giò…). Đúng thời điểm đó, dịch tai xanh xuất hiện ở xã nhà, giá lợn hơi xuống thấp nhiều người bỏ nuôi, ông Tuệ lại liều bỏ tiền ra gom 120 con lợn giống trên dưới 10kg/con với giá khoảng 90.000 đồng đến 100.000 đồng/con.

“Trong dịch cả làng ai cũng sợ nuôi lợn, một mình mình quay đầu vào nuôi, nhiều người cũng chê cười, nói ra nói vào nhưng mình bỏ ngoài tai tập trung chăn nuôi. Ngày đấy giá cám chỉ khoảng 95.000 đồng đến 97.000 đồng/bao, sau 4 tháng chăm sóc, đàn lợn được bán đúng lúc Trung Quốc thu mua, hàng được giá, mỗi con lợn trên 1 tạ được 2,6 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, hao hụt đi gia đình có lời trên 100 triệu khiến ai cũng bất ngờ, khâm phục”, ông Tuệ nhớ lại.

Trở thành tỷ phú nuôi gà đẻ trứng

Bán hết lứa lợn cũ, ông Tuệ lại đầu tư vào nuôi đàn mới khoảng 100 con, vừa làm nghề hàng xẻ, xay giò bán ở chợ xã. Đến khoảng năm 2008 nhận thấy công việc chăn nuôi khó khăn, vợ chồng ông lại phá bỏ chuồng lợn, dồn vốn và vay thêm ngân hàng, anh em, bạn bè được khoảng gần 700 triệu đồng đưa về xây dựng chuồng trại nuôi gà đẻ trứng.

Lứa đầu vợ chồng ông nuôi khoảng 3.000 con đã thành công ngay. Sau 1 năm thả giống, gà cho trứng khoảng 2.700 quả/ngày bán được giá 1.700 đồng/quả, trừ chi phí ông lời khoảng 300 đồng/quả. Tính ra, mỗi ngày lãi 800.000 đồng.

Hiện nay đơn vị của ông đang khai thác trứng từ 2 loại gà chính là gà công nghiệp và gà Ai Cập đạt khoảng trên 4 vạn quả/ngày.

Tiếp đà thành công, năm 2014, ông Tuệ có tiền mua thêm khoảng 1 mẫu đất xây thêm chuồng trại nuôi 5.000 gà. Càng làm lớn càng thắng nhiều. Cuối năm 2017, ông Tuệ rủ thêm anh em, bạn bè đầu tư vốn mua thêm 3ha mở rộng, tăng quy mô chăn nuôi. Năm 2018, HTX Chăn nuôi Nguyễn Gia ra đời với 7 thành viên đạt quy mô 6 vạn gà.

Trang trại gà đẻ của ông Tuệ nằm giữa cánh đồng xung quanh có ao nước, cây ăn quả rất thoáng mát, trong lành.

Nguồn nước cung cấp cho gà uống cũng được xử lý qua thiết bị lọc hiện đại đảm bảo nước luôn sạch, không nhiễm dịch bệnh.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Việt Nam đang hội nhập với thế giới sâu nên nôn dân chúng tôi phải hợp tác, liên kết với nhau để cùng vượt khó, đưa sản phẩm đi xa hơn”, ông Tuệ nói và cho biết, trong thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát mạnh, đỉnh điểm là cuối năm 2021 và đầu năm 2022, giá các mặt hàng đầu vào tăng cao chóng mặt, sản phẩm đầu ra gặp khó khăn, các thành viên trong đơn vị vẫn đoàn kết cùng nhau tìm được nguồn mua cám, thuốc… từ nhà máy với giá hợp lý luôn đảm bảo đủ thức ăn phục vụ gà. Bên cạnh đó, HTX cũng gần như tiêu thụ hết trứng cho các thương lái, siêu thị, cửa hàng ở các địa phương trong suốt thời gian dịch nên giảm được khá nhiều thiệt hại.

Ông Tuệ trồng bưởi đặc sản xung quanh trang trại vừa giúp tăng nguồn thu, vừa tạo không gian xanh phục vụ chăn nuôi an toàn hơn.

Đến nay, mỗi ngày đơn vị của ông vẫn thu hoạch đều đều khoảng trên 4 vạn quả trứng mỗi ngày cho khách tại khắp các tỉnh, thành với giá khoảng trên 3.000 đồng/quả, HTX Nguyễn Gia đạt doanh thu từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng/ngày.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm công nghệ mới vào chăn nuôi như làm chuồng cho gà ăn tự động… mở rộng quy mô chăn nuôi gà đẻ trứng theo quy trình VietGAP cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho khách hàng khắp cả nước”, nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 ở Hưng Yên tiết lộ.

Bài viết cùng chủ đề: