Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
94 lượt xem

Tỷ phú Nam Định nuôi lợn, nuôi cá, trồng vườn bưởi đẹp như phim

Hơn 30 năm kể từ khi khởi nghiệp chăn nuôi lợn, ông Lê Văn Cần trải qua không ít khó khăn, cam go, rồi ý chí vươn lên làm giàu đã giúp ông thành công, trở thành tỷ phủ nuôi lợn và được bình chọn nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.

Bỏ dở việc học để đến với nghề chăn nuôi lợn

Chúng tôi tìm về thôn Bóng, xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, Nam Định để gặp Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 Lê Văn Cần. Vượt qua cánh đồng lúa đang ngả màu vàng óng, trang trại của ông hiện ra với đủ thứ cây trái như bưởi Diễn, mít Thái, ổi…

Dáng người nhỏ nhắn, bước đi nhanh nhẹn, mặc trên mình bộ đô công nhân, ông Cần mời chúng tôi vào nhà. Pha xong ấm trà mời khách, ông vội chạy vào buồng đem mít Thái, bưởi Diễn mời chúng tôi.

Đôi tay nhanh nhẹn rót nước, rồi bổ bưởi, bổ mít chỉ một loáng là xong, ông bảo: “Những trái này đều được tôi trồng trong vườn nhà nên mời mọi người cùng thưởng thức xem tay nghề trồng trọt của tôi thế nào”, ông nói, tay cầm đĩa bưởi mời từng người.

Nhớ về những năm biết đến nghề chăn nuôi lợn, ông Cần vẫn không thể nào quên những ngay tháng gian khó, vất vả ấy. Năm 1983 ông theo học khoa thú y tại Trường Nông lâm Sài Gòn (hiện nay là Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM). Sau đó, ông trốn ra ngoài làm thuê cho một trại chăn nuôi lợn của một gia đình quê gốc Hải Dương.

Đến giai đoạn đi thực tập thì ông Cần bất ngờ bỏ giờ việc học hành giữa chừng để trở về ngoài Bắc. Ra Bắc, năm 1985 ông xin đi theo làm công trình ở mãi trận tận Hà Giang. Nhưng thấy nghề này cũng nguy hiểm nên ông quyết định trở về quê.

Hành trình khởi nghiệp với nghề chăn nuôi lợn của ông Cần bắt đầu từ năm 1990. Ông cho biết, nhận thấy nghề chăn nuôi lợn có tiềm năng, tiến triển tốt, lợi nhuận ổn định, nên bắt tay vào làm. Mới đầu nuôi quy mô chỉ 10 con/lứa, sau nâng dần quy mô trang trại, tổng số đàn lợn lên hơn 100 con/lứa.

Đến năm 2001, ông Cần chuyển sang mô hình nuôi lợn nái ngoại, với tổng đàn 10 con. Đây là mô hình nuôi lợn nái ngoại đầu tiên của tỉnh Ý Yên.

Chăn nuôi suôn sẻ cho đến năm 2007 khi vận đen bắt đầu ập đến, đàn lợn hơn 100 con (gồm lợn bố mẹ và lợn thương phẩm) của gia đình ông bị “dính” bệnh dịch tai xanh, buộc phải tiêu hủy toàn bộ, khiến gia đình ông “mất ăn, mất ngủ”, đứng ngồi không yên. Ước tính thiệt hại lên đến 300 triệu đồng.

Bước sang năm 2008, ông Cần được Trung tâm Khuyến nông huyện Ý Yên hỗ trợ 9 triệu đồng để tái đàn. Sau đó, ông tiếp tục mua con giống để phục hồi chăn nuôi.

Chia sẻ về trang trại hiện có của mình, ông Cần cho biết, trước đây khu vực này chỉ trồng được một vụ lúa và chỉ di chuyển được bằng thuyền nên việc cấy hái không hiệu quả, nhiều hộ gia đình bỏ ruộng. Sau đó thôn tổ chức họp dân, ông Cần đứng lên xin được nhận khu vực này để canh tác, bà con vỗ tay hoan hô khi có người nhận.

Nhận ruộng, ông Cần cấy một vụ lúa rồi thả một vụ cá, mỗi năm cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng. Đến năm 2016, nhận thấy cần phải mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi lợn, ông đã xin chuyển đổi sử dụng đất trồng lúa sang chăn nuôi tổng hợp.

“Sau khi chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi tổng hợp, tôi đã đầu tư xây chuồng trại, đào ao thả cá và trồng một số loại cây ăn quả như: bưởi Diễn, mít Thái…”, ông Cần chia sẻ.

Ông Cần thổ lộ, sau 6 năm chuyển đổi từ đất một lúa sang trang trại tổng hợp, gia đình ông đang chăn nuôi thường xuyên 500 con lợn thịt, lợn nái gần 100 con; 3 ao thả nuôi cá; 300 gốc bưởi Diễn; 150 gốc mít Thái; 100 gốc nhãn chín muộn cho lãi 2,5 tỷ đồng/năm.

“Thành công đến với tôi ngày hôm nay không hề dễ dàng”

Để có được kết quả này, ông Cần đã bao đêm mất ngủ, vợ chồng nhìn nhau mà nước mắt cứ chảy khi cuối năm 2017 đầu 2018 “bão giá” lợn hơi khiến ông lâm nợ trên 2 tỷ đồng.

Năm đó, trang trại của ông Cần đang nuôi hơn 400 con, gồm 100 con bố mẹ, còn lại là lợn thương phẩm. Cứ ngỡ chắc ăn, nào ngờ giá lợn hơi tuột dốc không phanh, giảm đột ngột, dao động từ 15.000 – 17.000 đồng/kg hơi khiến gia đình ông chẳng còn tâm trạng gì để chăn nuôi, gần như phá sản.

“Lúc đó khi lỗ nặng quá tôi phải giảm đàn khẩn cấp vì không đủ khả năng duy trì. Tôi mua 1 con lợn nái có giá 17 triệu, nuôi cho đến khi đẻ được 2 – 3 lứa thì có giá trên 20 triệu nhưng thời điểm đó giá lợn xuống sâu thảm hại buộc phải bán tháo, bán có 1,5 triệu/con để bà con mổ chia nhau. Tôi chỉ giữ lại hơn 10 con để mong có cơ hội hồi lại”, ông Cần kể lại.

Ông Cần cho biết, thời điểm đó như “cơn bão” quét qua trang trại của ông. Lợn con lúc đó bán 100.000 đồng/con, tiếng lợn kêu cứ vang cả cánh đồng, lợn có cho không thì cũng không ai thèm.

Cuối năm 2018, khi tia sáng bắt đầu le lói, giá lợn hơi nhích dần, từ 10 con lợn nái duy trì được cộng với mua 1 con lợn đực để tái đàn. Từ đàn nái này, đầu năm 2019, ông Cần đã có sản phẩm lợn con đầu tiên. Từ đó ông đã có cơ hội để gỡ lại số tiền bị thua lỗ từ “bão giá” lợn.

Giữa năm 2019, mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi “tấn công” khắp các trang trại lợn trên địa bàn tỉnh Nam Định, nhưng trang trại của gia đình ông Cần vẫn an toàn.

Hiện nay mọi quy trình hoạt động của trang trại được ông Cần vận hành theo mô hình tuần hoàn, bảo đảm sức khỏe môi trường, sức khỏe sinh thái và sức khỏe người lao động.

Chất thải chăn nuôi từ lợn được đưa vào bể chứa biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua hệ thống lọc, nước thải được tận dụng để tưới cho vườn cây ăn trái; phân lợn được xử lý sau đó ủ thành phân bón hoai mục, bón cho vườn cỏ voi.

Cỏ voi đến thời kỳ thu hoạch cắt làm thức ăn cho đàn cá. Các ao cá được thiết kế liên kết với nhau để thuận lợi cho việc vận hành sản xuất. Hiện, trang trại nuôi tổng hợp các loại cá như: chép, trắm, lăng…

Bài viết cùng chủ đề: