Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
85 lượt xem

Vay tiền tỷ mua nhà, 3 gia chủ chia sẻ bí quyết để "không bị áp lực" tài chính

Trong thời buổi bão giá hiện nay, đôi khi đợi tích cóp đủ tiền mua nhà thì giá căn nhà đó đã tăng cao.

Do đó, vay tiền mua nhà là giải pháp được nhiều người lựa chọn để an cư. Nhưng vay thế nào và phân bổ tài chính ra sao để không quá bị áp lực? Hãy cùng đọc chia sẻ của 3 gia chủ vay tiền tỷ mua nhà dưới đây nhé.

1. Chàng trai vay 1.2 tỷ đồng mua căn hộ 47m2 tại Tp.Hồ Chí Minh

Để mua được căn hộ 1 phòng ngủ, diện tích 47m2, Đông Quân (sinh năm 1995) đã phải dồn các thẻ tín dụng lại được gần 200 triệu đồng, mượn thêm bố mẹ, đồng nghiệp, người thân 400 triệu đồng. Tổng cộng 600 triệu đồng này Quân dùng để trả khoản thanh toán 30% ban đầu. Sau đó, theo chính sách liên kết giữa chủ đầu tư và ngân hàng, Quân vay thêm 70% theo diện vừa thế chấp vừa chứng minh thu nhập. Như vậy, hàng tháng, chàng trai này sẽ phải trả góp ngân hàng mỗi tháng khoảng 11 triệu đồng.

Lý do lựa chọn vay tiền để mua nhà và trả góp của Đông Quân là do thu nhập của Quân tháng cao nhất khoảng 100 triệu đồng và thấp nhất là 20 triệu đồng. Trước đây, tiền thuê nhà mỗi tháng Quân phải chi trả là 11 triệu đồng. Bên cạnh đó, 2 năm đầu cậu bạn cũng chỉ cần trả lãi nên sẽ đỡ áp lực hơn. “Mình nghĩ rằng bản thân cố gắng thêm xíu nữa thì sau 35 năm mình đã có ngôi nhà cho riêng mình. Nhưng mục tiêu của mình là sẽ dành dụm để tất toán khoản vay sau 5 năm”.

Chia sẻ bí kíp vay tiền tỷ mua nhà mà không bị áp lực tài chính, Đông Quân cho rằng nên tự làm mọi thứ nhiều nhất có thể, ví dụ như việc thiết kế, mua sắm nội thất… để tiết kiệm chi phí

Khi được hỏi về có cảm thấy áp lực vì đi vay nợ hay không, Đông Quân nhấn mạnh rằng: “Mình nghĩ sẽ trở thành động lực để giúp bản thân kiếm tiền nhiều hơn. Mình không sợ nợ, mình chỉ sợ không có tiền”.

2. Vợ chồng trẻ vay 1 tỷ để mua căn hộ 2 phòng ngủ 1.9 tỷ đồng

Khi có ý định mua nhà, hai vợ chồng anh Phong, chị Linh chỉ có trong tay 300 triệu đồng. Sau khi đi xem và ưng ý căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 65m2, anh chị được bố mẹ hỗ trợ thêm 200 triệu đồng, vay họ hàng 400 triệu đồng và vay ngân hàng thêm 1 tỷ đồng với thời hạn 20 năm.

Vay tiền tỷ mua nhà nên rất dễ bị áp lực tài chính. Chính vì thế, anh Phong chị Linh đã có kế hoạch cụ thể để trả nợ. Tổng thu nhập của hai người vào khoảng 40 triệu đồng. Tiền trả nợ gần như là chia đôi. Anh Phong trả nợ vay họ hàng theo hình thức cuối năm trả 1 lần, dự tính trả 4 năm là xong rồi sẽ tiếp tục trả nợ ngân hàng cùng vợ. Chị Linh đi làm công ty, có bảng lương nên đứng tên vay ngân hàng và đảm nhận luôn phần trả nợ này. Vì chính sách vay mua nhà được ưu đãi lãi suất 3 năm đầu nên hiện tại mỗi tháng chị trả nợ khoảng 11-12 triệu.

Ngoài việc trả nợ, vợ chồng trẻ cũng cố gắng tiết kiệm ít nhất 7 triệu/ tháng cho các kế hoạch sinh con và sửa nhà

Hai vợ chồng chia sẻ thêm: “Nếu bạn muốn mua nhà thì cũng phải chuẩn bị ít nhất là 30 đến 40% tổng giá trị nhà rồi mới nên vay mượn. Ngân hàng thường cho vay mua nhà với thời hạn từ 15 đến 20 năm, tốt nhất bạn nên chọn 20 năm, dù có cảm giác tiền lãi sau khi trả hết sẽ cao hơn nhưng nó lại đảm bảo cho bạn ít bị áp lực tài chính mỗi tháng hơn. Thêm nữa, số tiền trả nợ ngân hàng, các khoản vay của bạn cũng chỉ nên ở mức tối đa 30% thu nhập, như vậy mới không sợ mệt mỏi, sụp đổ tài chính nếu có vấn đề xảy ra”.

3. Chàng trai 23 tuổi vay nợ 90%, lên tới 2 tỷ để mua nhà

Lê Văn Hùng (sinh năm 1999) đã có quyết định táo bạo khi sắp bước vào tuổi 23 bằng việc mua căn hộ trị giá 2.3 tỷ đồng ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Trong đó giá mua là 2 tỷ 155 triệu đồng và nội thất 160 triệu đồng. Vào thời điểm mua nhà, Hùng chỉ có 230 triệu, tức là chàng trai này phải vay 90%. Cậu vay hơn 1 tỷ đồng từ người thân để không phải chịu lãi suất, và tầm 700 triệu vay ngân hàng.

Quan điểm của Hùng về chuyện vay tiền tỷ mua nhà: “Nhiều bạn nghĩ mình mua nhà thì chắc hẳn mình phải có nhiều tiền lắm, thế nhưng như mọi người thấy số tiền mình có sẵn rất ít. Vậy nên mình chỉ muốn nói rằng việc mua nhà khi tuổi còn trẻ cũng không phải việc gì quá to tát nếu bạn dám “liều”. Thế nhưng “liều” cũng phải có cơ sở, ví dụ như thu nhập của bạn phải ổn định, có thể vay được tiền của người thân để không phải chịu quá nhiều lãi suất ngân hàng”.

Sau khi vay tiền tỷ mua nhà, Văn Hùng có trách nhiệm hơn trong việc quản lý chi tiêu và học được cách tiết kiệm để có thể trả nợ đúng hạn. Thay vì thoải mái lên ứng dụng đặt đồ như lúc trước, giờ cậu chăm nấu ăn ở nhà, hạn chế mua sắm, hạn chế hội họp và học cách ghi chép chi tiêu để quản lý khoản tiền ra một cách chặt chẽ và chính xác nhất. Văn Hùng cho rằng, nếu không dự tính khoản tiền tiết kiệm được hàng tháng, rất dễ sa vào việc tiêu tiền quá đà.

Trên đây là các ví dụ điển hình của những người trẻ vay tiền tỷ mua nhà nhưng đều có những phương án và kế hoạch trả nợ để không bị áp lực tài chính đè nặng.

 

Bài viết cùng chủ đề: